Tú kể em học bán trú từ khi vào lớp 1. Trường học cách nhà khoảng 36, 37km. Cả tuần em học tập và sinh hoạt ở trường, cuối tuần mới trở về nhà.

“Khi em còn nhỏ thì bố mẹ tới đón về rồi đưa trở lại trường. Nhưng từ khi lên cấp 2, thứ 6 học xong là em đi bộ về. Em cứ cố gắng đi, nhanh thì khoảng 5 giờ chiều là về tới nhà. Chủ nhật trở lại trường, hôm nào bố có nhà thì bố đưa em đi, không thì em lại đi bộ” – Tú kể.

{keywords}
Nữ sinh Sùng Thị Tú. Ảnh: NVCC

Cô bé và nhiều bạn bè cứ cần mẫn đi học như vậy thì bất ngờ cho đến một ngày cuối tuần của năm 2019, khi Tú đang học lớp 9 tại Trường Phổ thông bán trú THCS xã Mường Lý, mẹ Tú bảo không học nữa, về mà lấy chồng. Mẹ cũng nói đã tìm được người cho Tú lấy làm chồng rồi.

“Khi đó, em còn nghĩ là mẹ nói đùa” - Tú nhớ lại.

Nhưng rồi mẹ Tú làm thật, đưa cô bé vượt núi, băng rừng đến nhà người mà mẹ đã chọn.

“Em không ngờ đó lại là một người cậu, khi đó cậu khoảng 27, 28 tuổi. Ông ngoại em với mẹ của cậu là hai anh em”.

Quá bất ngờ, Tú không đồng ý. Tú khóc rất nhiều nhưng mẹ vẫn ép cưới bằng được.

Tú còn ba chị gái và hai người em. Chị cả và chị thứ ba của Tú cũng lấy chồng từ năm học lớp 9, lớp 10. Chị thứ hai lấy chồng khi đã học xong phổ thông. Tú nói em không muốn lấy chồng sớm như vậy.

“Em biết cãi lời mẹ là hư, nhưng em sợ lấy chồng sẽ không được đi học nữa giống như mẹ và các chị, lại sinh nhiều con và nghèo khó” - Tú chia sẻ.

Sau ngày hôm đó, trở lại trường, Tú bần thần không tập trung học được nhưng cũng không biết phải làm thế nào để mẹ thôi ép cưới.

Cuối tuần lại tới, Tú lại về với nỗi lo sợ mẹ sẽ đuổi khỏi nhà nếu như không nghe lời.

“Mẹ đuổi em thật, bảo không nhận em là con. Em chẳng biết đi đâu, đành xin mẹ cho ở lại nhà thêm một ngày rồi mai về lại trường”.

Nhận ra sự bất ổn của cô học trò, thầy giáo Pó Ly đã hỏi chuyện rồi dẫn Tú đến gặp thầy hiệu trưởng nhờ giúp đỡ.

“Thầy hiệu trưởng bảo nếu em không thích lấy chồng thì thầy có thể giúp. Em nói với thầy em không thích lấy chồng nhưng mẹ cứ bắt ép, lại còn lấy người mà em gọi bằng cậu. Hai thầy nói sẽ giúp em, em hãy cứ học cho tốt”.

Sau đó, các thầy đã cùng với lãnh đạo xã Trung Lý tìm đến tận nhà Tú để vận động và yêu cầu mẹ Tú không ép cô bé lấy chồng sớm, nếu cố tình làm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Sùng Thị Tú ở quê nhà. Ảnh: NVCC 

Tuy nhiên, việc bị ép cưới đã khơi dậy lên trong cô trò nhỏ một quyết tâm mãnh liệt, đó là rời đi thật xa.

Tú nói mình muốn tiếp tục học, nhưng nếu tiếp tục học ngay tại địa phương, em vẫn sợ bị bắt lấy chồng sớm. Vì vậy, khi có người họ hàng giúp đỡ, học hết lớp 9, thay vì học tiếp lên cấp 3 ở Trường THPT Mường Lát, thì Tú rời quê vào TP.HCM vừa học vừa làm. Em muốn tự lo cho bản thân, đồng thời có thể giúp đỡ bố mẹ đôi chút.

Hàng ngày, Tú theo học tại Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Thủ Đức vào buổi tối, còn ban ngày em đi làm thêm tại một trường mầm non tư thục.

Được nhà trường nuôi ăn nên “lương” của Tú nhận được là 2,5 triệu đồng/ tháng. Nhà trọ của người quen nên em được ở miễn phí.

Tú nói đôi khi cũng cảm thấy buồn vì xa gia đình, bạn bè, nhưng công việc và việc học hàng ngày cũng bận rộn nên em không suy nghĩ quá nhiều. Điều khiến Tú vui là đến nay, những mâu thuẫn với mẹ sau lần bị ép cưới cũng dần được hóa giải, mẹ em đã chấp nhận và không còn thúc giục về việc này.

Tú hiện đang học lớp 11. Từ tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 ở TP.HCM bùng phát, Tú trở về bản Pa Búa và học trực tuyến từ đó đến nay.

“Vừa qua, nhà trường đã thông báo đi học lại, em cũng rất muốn trở lại TP.HCM để tiếp tục học và làm, nhưng ở quê em đang thuộc vùng đỏ, nên em đã xin phép nhà trường đến sau Tết âm lịch sẽ vào học”.

“Sau khi học xong, em sẽ thi vào ngành sư phạm của Trường ĐH Hồng Đức. Em muốn trở thành giáo viên và dạy học ở quê, để nếu có thể sẽ giúp các em gái thoát khỏi tảo hôn giống em, được học lên cao và có cuộc sống tốt hơn”.

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại mục a, Khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

Năm 2014, khi Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ I, tỷ lệ 26,6% người DTTS tảo hôn được công bố khiến cả nhà quản lý và người làm công tác dân số hết sức bất ngờ bởi tỷ lệ đó quá cao.

Năm 2019, cuộc điều tra lần II được tiến hành. Kết quả công bố cho thấy, tỷ lệ tảo hôn của người DTTS vẫn còn tới 21,9%.

Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các DTTS tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2019 cho hay, trong 3 trẻ DTTS có 1 em thấp còi (tỷ lệ 33,3%) và trong 5 em có 1 em nhẹ cân (tỷ lệ 20%).

Tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 DTTS là 22,13‰, trong đó của trẻ em trai là 24,82‰, của trẻ em gái là 19,29‰.

Phương Mai

Khát khao du học của nữ sinh dân tộc Thái đạt 8.0 IELTS

Khát khao du học của nữ sinh dân tộc Thái đạt 8.0 IELTS

Cho rằng lối sống an nhiên đã kìm hãm sự phát triển của thanh niên tại vùng quê của mình, Lò Thảo Vi quyết định đi du học và xuất sắc giành học bổng trao đổi học thuật toàn phần Global UGRAD.