Gà thải Trung Quốc nhập lậu, rau nhuốm thuốc trừ sâu đang lao vào mâm cơm người Việt. Nhưng có một người không cam phận. Ông đang giúp gà ta “đá” bay gà Trung Quốc và đưa thực phẩm sạch trở lại.

Gà mía Sơn Tây do Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội mỗi năm cung cấp hàng chục vạn gà con cho bà con chăn nuôi.

Gà mía sẽ “đá bay” gà Trung Quốc?


Gọi TS Phan Minh Nguyệt là “đại địa chủ” có lẽ cũng không ngoa, bởi Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) mà ông đang là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên được nhà nước giao quản lý và sử dụng gần 5 ngàn hécta nằm trên 51 xã, phường, thị trấn thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh. Vị trí đắc địa, nhiều bờ xôi ruộng mật đáng thèm thuồng trong mắt giới bất động sản.

Cách đây vài năm, nếu “linh động” chuyển đổi mục đích sử dụng để xây chung cư, biệt thự thì hốt tiền. Nhưng TS Nguyệt tha thiết với trồng rau, trồng cam, nuôi gà, thả cá, nuôi lợn... hơn là cái “linh động” dối gian ấy.

Tôi đi một ngày mà chưa hết được đất của Cty.

Trời lạnh. Ngồi trong cơ sở ấp trứng gà mía ở Sơn Tây vẫn ấm sực lên. Hàng trăm con gà chích vừa mới được ấp nở đang kêu chiêm chiếp trước sự “săn đón” của nhiều người chăn nuôi đang đứng chờ mua.

Những con gà mới nở đã thành hàng hot bởi đây là giống gà mía của Đường Lâm - Sơn Tây vốn rất quý hiếm. Gà mía nằm trong danh mục nguồn gen vật nuôi cần bảo tồn. Gà mía thường được thả bộ ở vườn, thịt gà có màu trắng, mỡ vàng, ăn giòn, vị ngọt đậm, thịt chắc, xương nhỏ.

Xưa, những chú gà trống đẹp, trọng lượng 5 - 6kg thường được dân làng chọn làm lễ vật tiến vua hoặc dùng trong dịp tế lễ đầu năm. Nhưng cái thời nuôi gà công nghiệp nở rộ, rồi gà thải loại Trung Quốc tràn về, đẩy gà mía vào nguy cơ tuyệt chủng.

Chủ tịch HĐTV-TGĐ Cty, TS Phan Minh Nguyệt (bên phải) dẫn Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm thăm vùng rau an toàn Đan Phượng.

Nghe có gì đó chua xót khi giống gà quý ngay ở Hà Nội lại có thể biến mất. TS Phan Minh Nguyệt đã tìm cách cứu loài gia cầm này bằng cách xây những lò ấp trứng gà mía ở xã Kim Sơn, Sơn Tây. Lò ấp trứng bằng điện mỗi ngày cho ra đời hàng nghìn con gà giống.

Gà mía được nâng lên thành quy mô trang trại. Người dân nuôi gà mía ngày càng nhiều vì không lo đầu ra mà bán lại được giá. Vì thế, lò ấp trứng Sơn Tây thường ngày tấp nập người đến chờ mua gà mía giống...

Trang trại nuôi gà mía ở xã Ba Trại, Ba Vì vừa xây dựng, được Hadico đầu tư khá hiện đại, dự kiến sẽ cho ra thị trường mỗi tháng hàng vạn quả trứng gà mía. Gà mía không còn đối mặt nguy cơ tuyệt chủng mà đang sinh sôi nảy nở hứa hẹn dư sức đá bay gà thải loại nhập lậu.

Những vườn cà chua trên cánh đồng của xã Đan Phượng chín đỏ giữa ngày đông xám. Giật mình khi thấy ông Nguyệt, lúc đó đang dẫn đoàn kiểm tra của ngành nông nghiệp Hà Nội đi thực địa, bước xuống ruộng và hái một quả cà chua cho vào miệng ăn ngon lành.

Ông Nguyệt lý giải: Cà chua ở đây được trồng theo công nghệ sạch của Nhật Bản nên rất an toàn, không hề có dư lượng hoá chất, hay thuốc trừ sâu.

Từ năm 2010, ông Phan Minh Nguyệt “dành được” 76 ha đất ở huyện Đan Phượng và 25 ha đất ở Phúc Thọ - Hà Nội để sản xuất rau an toàn. Quy trình trồng rau này khép kín từ khâu làm đất đến tiêu thụ, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và dư lượng khuẩn đường ruột.

Hiện nay, Hadico mỗi ngày bán ra 5 - 7 tấn rau an toàn, mới chỉ đủ cho khối trường học, các khách sạn và bếp ăn tập thể, chứ chưa bán đại trà ra thị trường.

Nếu mọi việc diễn ra theo dự kiến thì Hadico cung cấp tới khoảng 10% rau sạch cho Hà Nội.

Chất giọng Quảng Bình của TS Nguyệt trầm xuống: Muốn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải có quyết tâm cao và chính sách đồng bộ. Nếu chính sách thiếu nhất quán, các doanh nghiệp tự đứng ra làm rất khó. Tôi làm nhà nước 20 năm, nhưng ít khi thấy ai hỏi chúng tôi cần chính sách gì.

Có vẻ như, chính sách là của “nhà” chính sách, còn làm ruộng là việc của chúng tôi. Một số chính sách hiện nay thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ, lại thay đổi xoành xoạch nên làm mất thời gian, mà mất thời gian là mất nhiều hơn tiền”.

Năm 2009, Hà Nội mới có đề án và quy hoạch sản xuất rau an toàn, nhưng đất đã giao khoán cho dân theo Nghị định 64 rất lâu rồi. Đất đai đang bị chia nhỏ, phải dồn điền đổi thửa, mới mở rộng được sản xuất. Trồng rau an toàn mà làm theo kiểu “xôi đỗ” thì không được.

Ở quê mần roọng, ra thủ đô làm ruộng

Tự nhận mình: “Ở quê ta mần roọng, ra thủ đô làm ruộng” (mần roọng là tiếng địa phương Bắc Trung bộ, cũng là làm ruộng), nhưng TS Phan Minh Nguyệt lại được học về quân sự.

Từ “rốn cát” Quảng Bình, ông trở thành một trong 3 thanh niên của xã được học tiếp cấp 3, nhưng gia cảnh khó khăn quá đành bỏ dở ước mơ, lên đường nhập ngũ. Phan Minh Nguyệt được cử sang Liên Xô học Đại học Quân sự, Đại học Tổng hợp.

Trở về nước với 2 tấm bằng Đại học loại ưu, ông Nguyệt được cử làm Đại đội trưởng Sư đoàn 304. Những tưởng sẽ theo nghiệp quân nhân, nào ngờ cuộc đời lại sẽ ngoặt sang hướng khác.

Khu sản xuất rau an toàn tại huyện Đan Phượng, Hà Nội do Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp đầu tư xây dựng, nhằm cung cấp rau an toàn cho Hà Nội.

Tất cả bắt đầu khi Phan Minh Nguyệt phụ trách kinh doanh tại chi nhánh Hà Nội của Cty Phân bón Quảng Bình. Bập vào là say với nghiệp nhà nông, sau đó ít lâu ông Nguyệt được bổ nhiệm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm kỹ thuật rau hoa quả Hà Nội, Cty Giống cây trồng Hà Nội.

Cuối năm 2005, sau khi sáp nhập một số đơn vị cùng ngành, Cty chính thức đổi tên thành Cty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội.

TS Phan Minh Nguyệt trong vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã nghiên cứu các đề tài như: Các giải pháp kỹ thuật để duy trì và phát triển đào giống Nhật Tân, chữa trị bệnh vàng lá cho cam Canh, bưởi Diễn, bảo tồn nhiều giống rau của Hà Nội...

Làm nông thời buổi này hơi bị “khó ăn”, nhưng chỉ riêng năm 2012 thời điểm nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thoi thóp, Hadico vẫn đạt doanh thu gần 800 tỷ đồng, tăng so với năm 2011.

TS Phan Minh Nguyệt tâm sự: “Nói thật là làm nông nghiệp thuần tuý không có lãi. Có thể có lãi trong một mùa, với một loại cây, con nào đó, tổng thể thì rất khó lãi. Nhưng khi thành lập mô hình doanh nghiệp chi phí rất lớn, nhiều khoản chi, nên không thể quyết toán vào con lợn, con gà được.

Chúng ta phải làm nông nghiệp công nghệ cao từ bây giờ để tạo ra các sản phẩm hàng hoá đồng đều, có chất lượng cao.

Ví dụ như cà chua trồng bình thường chỉ đạt 30 tấn/ha còn với mô hình nhà kính, chúng tôi đạt đến 300 tấn/ha/năm.

Phải xác định được chiến lược về khoa công nghệ, đầu tư chiều sâu, có chính sách về hạn điền... Tương lai, thế giới sẽ cạnh tranh khốc liệt về lương thực. Chúng ta có lợi thế trong việc lo cho “cái dạ dày” nhân loại”.

Ông Nguyệt cũng cho biết, ở nhiều quốc gia, ban đầu nông nghiệp hỗ trợ các ngành khác phát triển, giai đoạn hai - nông nghiệp cùng các ngành khác phát triển, giai đoạn ba- các ngành khác hỗ trợ nông nghiệp phát triển.

“Hiện, chúng ta không ở giai đoạn nào cả. Nhưng đáng lẽ các ngành khác phải hỗ trợ nông nghiệp phát triển thì bây giờ lại ngóc đầu lên “đạp” vào nông nghiệp. Trong khi 20 năm đổi mới, thế giới biết đến VN nhờ nông nghiệp. Mỗi năm thế giới mua bán khoảng 100 tỷ đến 200 tỷ USD rau quả. Trong đó VN ta chỉ chiếm 500 triệu USD. Phải làm sao để mình lấy được nhiều ngoại tệ hơn trong 100 - 200 tỷ USD đó?”.

Tết này, “đại địa chủ” đã tạm ứng vốn cho các nhà cung ứng hơn 138 tỷ đồng để sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, gồm: hơn 2 nghìn tấn thịt gà, 1.700 trứng gà, vịt, 175 tấn thủy, hải sản, 482 tấn, rau, củ tươi... Nhưng từng ấy cũng chưa thể đảm bảo người dân Hà Nội không mua phải gà nhập lậu, rau nhiễm hoá chất hay cá ủ u rê. Việc đó còn khó nói chi đến lấy ngoại tệ trong cái 100 - 200 tỷ USD. Xem ra cái “đạp” vào nông nghiệp như TS Nguyệt nói, cũng đau.

(Theo Phùng Nguyên/ Tiền Phong)