Trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 27/8, các bên liên quan như UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM, công ty AIC và các chuyên gia công nghệ thông tin tiếp tục bày tỏ quan điểm về câu chuyện sử dụng máy tính bảng trong trường tiểu học.

{keywords}

Trước đó có thông tin Công ty AIC đã nhập lô hàng 3.500 máy tính bảng có xuất xứ từ Đài Loan qua cảng Hải Phòng, có giá thành khoảng 900.000 đồng/chiếc. Những máy tính bảng này có thông số kỹ thuật, cấu hình gần giống hoàn toàn thông tin chiếc máy tính bảng mà Sở GD-ĐT TP HCM công bố trong hội thảo ngày 18/8. Cụ thể, một trong 5 lựa chọn mà Sở đưa ra là: máy tính bảng cỡ 7,85 inch, giá 3 triệu đồng/chiếc; thông số kỹ thuật ghi: máy tính bảng có màn hình 7,85 inch, độ phân giải 1.024x768, CPU quad core A31S, bộ nhớ lưu trữ 8 GB, camera chính 3 Mp, camera phụ 2 Mp, kết nối mạng WiFi, pin 3.500 mAh, hệ điều hành Android.

Trả lời báo Lao Động, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói:

Đề án của Sở GDĐT cần phải gửi các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, tiếp thu hết tất cả các ý kiến. Sau khi hoàn thiện, thấy yên tâm thì vào đầu năm học mới 2014 - 2015, lấy ý kiến của phụ huynh. Phụ huynh có đồng thuận không, con em họ học như thế có chi trả nổi không, học sinh nghèo thế nào… Rất nhiều nội dung cần phải cụ thể và phải được sự đồng thuận rất cao thì mới có thể thực hiện được, còn hiện đề án vẫn chỉ là đề án.

Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết:

Sở không liên quan đến chuyện Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) nhập lô hàng máy tính bảng có xuất xứ từ Đài Loan.

Đề án SGK điện tử mới chỉ trên tinh thần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đa chiều, chưa được UBND TP và Bộ GD-ĐT thông qua nên không có chuyện Sở đứng ra mua máy tính bảng. “Nếu đề án thí điểm SGK điện tử được thông qua thì phải có sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư… để tính toán cụ thể, chi tiết việc mua sắm thiết bị, sau đó sẽ công khai đấu thầu”.

Ông Phạm Hồng Phước – một chuyên gia, nhà báo về mảng công nghệ và quốc tế đã có những phân tích kỹ lưỡng trong một bài viết đăng trên tờ Tuổi Trẻ:

Ở bậc tiểu học, máy tính bảng chỉ là một công cụ hỗ trợ bổ sung, thậm chí như một món đồ chơi. Ở cấp này, các em phải tập viết cho đúng và đẹp – chìa khóa cho cả cuộc đời sau này.

Thế nên, việc đưa máy tính bảng vào trường học là điều không tưởng. Máy tính bảng cũng làm mất kỹ năng chép bài – giúp học sinh tập trung vào bài học và nhớ lâu hơn. Đây là một phương pháp để rèn luyện và phát triển trí nhớ.

Ngoài ra, có vô số hệ lụy từ việc trẻ em lạm dụng máy tính các loại, đặc biệt là các bệnh về mắt. Yếu tố tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng cần được lưu ý khi cho trẻ nhỏ dùng máy tính bảng. Tất cả vật dụng cho trẻ em đều phải bảo đảm các tiêu chuẩn riêng, đặc biệt là màn hình.

Theo ông Phước, với điều kiện của Việt Nam bây giờ không nên dùng máy tính bảng thay thế sách giáo khoa, mà nên tập trung xây dựng mô hình trường lớp thông minh, nơi thầy trò có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng dạy và học của mình.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)