Lo nhiễm bệnh hơn lo kết quả học

Gia đình 8 người của chị Hương Thảo (Quận 2, TP.HCM) vừa trải qua những ngày "kinh khủng" - như lời chị nói. 

Cùng một thời điểm, 5 người lớn và 3 trẻ nhỏ từ 1-7 tuổi đều mắc Covid, dù tất cả người lớn đã tiêm đầy đủ hai mũi với vắc xin Pfizer và AstraZeneca.

"Riêng đối với các bé, dù chưa đến mức phải nhập viện nhưng các con đều sốt từ 2-3 ngày đêm, hiện nay vẫn còn 1 bé dương tính" - chị Thảo chia sẻ. Vì vậy, khi đề cập tới việc cho trẻ lớp 1, 2 đến trường để kiểm tra học kỳ, chị Hương cho rằng cần hết sức cân nhắc.

"Cậu con trai đang học lớp hai của tôi, nói thật, là học online không hiệu quả. Hàng ngày ngồi "canh" con học, tôi thấy các bé khác trong lớp cũng khá mất tập trung dù thời gian gần đây có đỡ hơn.

Vì vậy, tôi cho rằng có đến trường để kiểm tra thì có lẽ kết quả có thể sẽ tệ hơn khi kiểm tra trực tuyến như đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, nhưng cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá thực chất vì đằng nào các con học cũng lộn xộn hơn nhiều so với khi ở lớp 1 được học trực tiếp".

{keywords}
Một bài tập viết gây cười của trẻ lớp 1 khi học online đang lan truyền trên mạng xã hội.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo chị Thảo, là khả năng nhiễm bệnh của trẻ khi ra ngoài đường, nhất là ở giai đoạn TP.HCM đang có xu hướng gia tăng số ca mắc Covid.

"Như trường hợp của gia đình tôi, tôi là người mắc đầu tiên nhưng thực sự không biết nguồn lây từ đâu vì tôi ít ra ngoài, ít tiếp xúc do nhà có cả trẻ con và người già. Mấy đứa trẻ trong nhà mắc bệnh dù không nặng nhưng vẫn khá mệt, nên đặt trường hợp chẳng may có bé nào vì đi kiểm tra mà nhiễm bệnh tôi thấy rất thương.

Hơn nữa, như tôi đã nói, học online với các bé ở lứa tuổi nhỏ thực sự không hiệu quả nên không cần quá cầu kỳ khi đánh giá ở thời điểm này" - chị Thảo bình luận và cho biết nếu trường của con yêu cầu đến lớp để kiểm tra học kỳ trực tiếp, có lẽ chị sẽ... xin thôi vì không muốn mạo hiểm sức khỏe của cả gia đình thêm lần nữa.

Có con đang học lớp 1, chị Nguyễn Thu Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết trước thông tin về việc học sinh lớp 1, 2 sẽ phải tham gia bài kiểm tra học kỳ trực tiếp, ngay trong lớp con chị cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

"Trong nhóm Zalo của lớp, đa số phụ huynh đều lo lắng khi các con chưa một ngày được đến trường học trực tiếp, thậm chí còn chưa bao giờ được gặp thầy cô, bạn bè mà nay lại đến trường tham gia kiểm tra trực tiếp. Chưa quen thầy quen lớp quen bạn, lại thêm không khí căng thẳng của buổi kiếm tra, các con sẽ lúng túng, thậm chí là lo lắng dẫn tới không thể làm được bài" - chị Huyền nhận xét.

Một điều quan trọng hơn cả, theo chị Huyền, các phụ huynh đều cho rằng tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp và đã lên tới cả nghìn ca F0 mỗi ngày. Do đó, việc để trẻ tới trường làm bài kiểm tra trực tiếp trong thời điểm hiện tại là quá rủi ro.

“Tôi cũng cho rằng, khi diễn biến dịch bệnh vẫn đang phức tạp, các trường đều cho học sinh học online trong cả một kỳ để phòng tránh dịch bệnh, thì việc kiểm tra, thi cử cũng nên được tiến hành theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn cho các con và phù hợp với hoàn cảnh.

Trong trường hợp các trường muốn đánh giá chất lượng của học sinh, nhà trường có thể giao đề qua email, sau đó đề nghị phụ huynh không được giúp đỡ, hướng dẫn con làm bài. Tôi tin rằng, nếu đánh giá không vì mục đích xếp hạng mà chỉ nhằm xem xét thực chất kết quả học tập ra sao, phụ huynh sẽ hoàn toàn hợp tác” - chị Huyền nói.

{keywords}
Ở nhiều tỉnh thành, học sinh lớp 1, 2 đã trải qua gần hết một học kỳ chỉ học online

Nếu kiểm tra trực tiếp phải lên phương án kỹ

Trong khi đó, chị Bùi Lan Hương (Đống Đa, Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ việc kiểm tra trực tiếp, đặc biệt là với trẻ đầu cấp.

“Trong suốt một khoảng thời gian dài học trực tuyến, việc kiểm tra trực tiếp là điều cần thiết để nhà trường đánh giá được việc tiếp thu kiến thức của học sinh ra sao, từ đó sẽ có phương án bổ trợ, điều chỉnh nội dung, cách thức truyền tải cho phù hợp.

Theo tôi, việc đánh giá trực tiếp sẽ chính xác, khách quan hơn cả, bởi lẽ nếu chỉ kiểm tra online hoặc miễn thi, điều này sẽ đánh giá không thực chất. Rất có thể, nhiều cháu được cho lên lớp 2, lớp 3 nhưng vẫn không thể… viết nổi tên mình”.

Tuy nhiên, theo chị Hương, để tổ chức việc kiểm tra trực tiếp đảm bảo an toàn, nhà trường cũng cần có kế hoạch chi tiết để hạn chế lây nhiễm, thậm chí có thể chia nhỏ học sinh để kiểm tra lần lượt để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cùng quan điểm với chị Hương, chị Nguyễn Thanh Thy (Quận 10, TP.HCM) cho rằng có thể cho con đi kiểm tra trực tiếp.

Theo chị Thy, nhà trường có thể chia các lớp thành những nhóm nhỏ, mỗi buổi chỉ một, hai lớp đến kiểm tra thì cũng không quá lo ngại về mặt phòng chống dịch.

"Tôi thuộc số ít phụ huynh đồng ý cho con học lớp 1 trở lại trường vào ngày 13/12 như dự định ban đầu của Sở GD-ĐT TP.HCM, rất tiếc là việc này đang phải hoãn lại. Quan điểm của tôi là nên mở dần những cơ hội cho trẻ nhỏ được tiếp cận dần với trường lớp, thầy cô, bạn bè, để các con thấy được sự khác biệt khi từ mẫu giáo lên lớp 1 là như thế nào - cái này là về nhận thức chứ tôi không đặt nặng kết quả kiểm tra học kỳ" - chị Thy chia sẻ.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, đối với lớp 1 và lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD-ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Phương Chi - Thúy Nga

Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1, 2 đến trường kiểm tra học kỳ trực tiếp

Bộ GD-ĐT: Học sinh lớp 1, 2 đến trường kiểm tra học kỳ trực tiếp

Bộ GD-ĐT vừa ban hành công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông trong bối cảnh dịch Covid-19.