- Những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang khi chia sẻ một bài học rèn luyện lòng dũng cảm bằng cách đi trên thảm thủy tinh.

Bài học có tên “Bạn An dũng cảm” được in trong cuốn “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” của NXB Giáo dục do Tâm Việt Group chủ biên.

{keywords}
Bài học khuyến khích học sinh đi trên thủy tinh để rèn lòng dũng cảm

Bài học cụ thể như sau: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh.”

Phía dưới là phần thảo luận với câu hỏi đặt ra là: “Em đã dũng cảm như thế nào? Em kể về sự dũng cảm của mình cho các bạn mình nghe.”

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo ngại về mức độ nguy hiểm của hành động này và nghi hoặc về sự cẩn trọng của NXB trong việc biên soạn, kiểm duyệt cuốn sách. “Theo tôi biết, đi trên thủy tinh là việc được nhiều nhà cảm xạ dạy cho nhiều người lớn làm theo. Cũng không phủ nhận họ đã đi được. Nhưng, đây là trẻ con, người biên soạn cuốn sách có hiểu chúng chỉ là những đứa trẻ, chưa có bất cứ ý thức gì về việc này hay không? Tôi thật sự thất vọng bởi sự dũng cảm đã được đề ra trong cuốn sách, cũng như sự vô tâm của người biên soạn” – một phụ huynh nêu ý kiến.

Có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải thử nghiệm một hành động nguy hiểm để dạy trẻ lòng dũng cảm.

{keywords}
Bộ sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh" từ lớp 1 đến lớp 5 của NXB Giáo dục do Tâm Việt chủ biên

Trả lời Vietnamnet, T.S Phan Quốc Việt – giám đốc Tâm Việt Group, cũng là chủ biên bộ sách này đặt câu hỏi ngược với phóng viên: “Chị có cho rằng học bơi rất nguy hiểm không? Nhưng không đứa nào chết vì học bơi cả, mà chỉ chết vì không biết bơi thôi! Về bài học đi trên thủy tinh, chúng tôi đã làm 10 năm nay rồi và chưa từng có tai nạn nào xảy ra. Đừng khiến trẻ em Việt Nam trở thành những con gà công nghiệp”.

Nói về tính an toàn của thử nghiệm này, T.S Phan Quốc Việt giải thích: “Những mảnh thủy tinh này có kích thước bằng khoảng một bao diêm và được trải đều, dày khoảng 5 phân. Những mảnh thủy tinh nhỏ, nhọn có thiết diện nhỏ, áp suất lớn sẽ chìm xuống dưới. Những mảnh to, thiết diện lớn, áp suất nhỏ sẽ trồi lên trên, nên khi bước qua sẽ rất an toàn”.

Tuy vậy, ông cũng cho biết, theo đặt hàng của Bộ GD&ĐT, trong bộ sách tái bản năm 2015, bài học này đã được bỏ đi, thay bằng bài học khác. “Bộ sách vẫn còn bài học đi trên thủy tinh được xuất bản năm 2013. Nhưng bộ tái bản năm 2015 thì không còn bài này nữa, mà được thay bằng bài học bơi nếu tôi nhớ không nhầm. Tuy nhiên, trong những khóa học kỹ năng sống của chúng tôi, chúng tôi vẫn dạy bài học này bình thường”.

Về phía NXB Giáo dục, đại diện NXB cho biết hiện đang xử lý sự việc và sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.

  • Nguyễn Thảo