Nhận thư mời họp lớp, anh Minh phân vân không muốn tham gia. Thậm chí tỏ ra ngán ngẩm vì theo anh, mấy năm gần đây họp lớp đã giảm vui vì vô tình cuộc gặp gỡ biến thành “sàn diễn” khoe của.

Đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 12 hàng năm, lớp đại học của anh Trần Văn Minh (quê Ninh Bình) lên kế hoạch gặp mặt. Anh kể, ra trường được 10 năm, trong số nhiều người đã thành đạt được các bạn ngưỡng mộ, trầm trồ. Nhưng vẫn có không ít thành viên trong lớp công việc còn bấp bênh, thu nhập thấp, vẫn phải thuê nhà…

Nhận thư mời họp lớp năm nay, anh Minh giảm hào hứng và có chút ngán ngẩm. Bởi, ở một số buổi họp lớp gần đây – cảm xúc đọng lại trong anh khi ra về là buồn nhiều hơn vui.

Theo anh thì: Đáng ra, buổi họp lớp phải là dịp hội ngộ, chia sẻ với nhau những câu chuyên về gia đình, cuộc sống, công việc ….thì vô hình chung lại được xé lẻ thành từng nhóm. Trong đó, nhóm bạn có điều kiện kinh tế tốt, thi nhau thể hiện, chứng tỏ mình là người đẳng cấp.

“Mình thì hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chỉ đủ sống, không có điều kiện mua xe hơi. Tuy mình không mặc cảm về việc đó, nhưng nhiều bạn có hoàn cảnh giống mình thì rất bức xúc vì phải nghe hết chuyện này đến chuyện khác. Họ khoe với nhau những chiếc xe hơi vừa tậu, rồi chuyển sang chuyện mua nhà, mua đất, giá trị tài sản lên đến vài tỷ đồng…” - anh Minh ngậm ngùi và có cảm giác bị lép vế.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa

Chuyện đi họp lớp của chị Hoa (quê Hưng Yên) cũng không ngoại lệ. Chị kể, buổi họp lớp của chị thực sự trở thành “sàn diễn” của phái nữ. Họ thi nhau khoe vì sợ hết thời gian mà chưa đến lượt…Cho nên, chớp thời cơ năm gặp một lần nên các chị khoe nhà to, chồng làm công ty nước ngoài, lương tháng vài ngàn USD. Những lần đi Spa sang trọng, du lịch nước người, mua sắm những bộ váy nhiều triệu đồng…là những câu chuyện xuất hiện nhiều ở những buổi họp lớp.

Đến họp lớp chị Hoa chỉ biết ngồi nghe và không tham gia được câu chuyện nào. Bởi ra trường lấy chồng, sinh con, kinh tế gia đình chị không có nhiều khởi sắc…”Nhưng không vì thế mà tôi mặc cảm không đến họp lớp mà xuất hiện bản thân thấy thiệt thòi” – chị Hoa tâm sự.

Bởi vậy, chị Hoa mong muốn, buổi họp lớp mọi người thoải mái nói chuyện với nhau, nếu có điều kiện, các bạn có thể giúp đỡ lẫn nhau mới ý nghĩa. Còn duy trì buổi họp phân tán nhóm như vậy, theo chị Hoa dần dần buổi họp đó sẽ chỉ có các bạn có điều kiện hop với nhau mà thôi.

Thực tế, không ít những người do mặc cảm về hoàn cảnh kinh tế, công việc chưa tốt nên không hào hứng tham gia vào những ngày họp mặt….

Anh Nam (quê Nam Định) chia sẻ, anh có người bạn, được biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi khi họp lớp cấp ba thường hay vịn lý do để không tham gia.

Để buổi họp lớp vui vẻ và có ý nghĩa, theo anh Nam, những bạn có điều kiện hãy biết khiêm tốn, tôn trọng các bạn có hoàn cảnh khó khăn để có ứng xử đúng mực. Như vậy, dù các bạn có ở cách bao nhiêu cây số, có bận mấy cũng thu xếp để gặp mặt.

  • Ngọc Cương