- Việc Bộ GD-ĐT tổ chức các hội nghị tham khảo ý kiến về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.  "Góc nhìn thẳng" VietNamNet mời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao đổi thêm về những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông.

Nhà báo Lê Hạnh: Hiện nay, nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục công dân đang có chuyển đổi gây tranh cãi lớn. Ông có thể giải thích rõ hơn về ý định của Bộ GD-ĐT về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết, phải nói là chúng ta ai cũng thống nhất môn Lịch sử và môn Giáo dục công dân là rất quan trọng và cũng đồng tình với nhau là cần phải đổi mới về hình thức và phương pháp cũng như nội dung giáo dục để có hiệu quả hơn trong các lĩnh vực giáo dục hiện nay.

Chỉ có khác nhau là bây giờ đổi mới như thế nào về kết cấu nội dung, về hình thức dạy học.

Về phương pháp dạy học, Bộ GD-DT qua rút kinh nghiệm của chương trình trước có thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT cũng như Nghị quyết 88 Quốc hội về đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông là phải tăng cường giáo dục  năng lực và phẩm chất người học thay cho việc mình nặng trang bị kiến thức.

Kiến thức cũng phải lồng ghép tích hợp thế nào để có thể giảm bớt số môn học bắt buộc mỗi một cấp học.

Ngoài ra phải tăng cường tính hướng nghiệp cho học sinh.

Xuất phát từ những yêu cầu như vậy, Bộ GD-DT thiết kế một môn học có kiến thức của nhiều môn học khác nhau và một lĩnh vực kiến thức có thể xuất hiện ở nhiều môn học để những kiến thức liên quan đến nhau, được sắp xếp gần nhau và bổ sung lẫn nhau để giáo viên, học sinh dễ liên hệ, dễ vận dụng kiến thức trong thực tiễn. Chính cái này chưa được trao đổi kỹ cho nên còn có những ý kiến khác nhau.

Nhà báo Lê Hạnh: Trong những luồng thông tin đa chiều, có nhiều ý kiến nhìn nhận: môn Lịch sử trờ thành bắt buộc ở những lớp cuối tiểu học là thực sự không cần thiết. Rồi thì việc dạy lịch sử ở các cấp khiến học sinh không hào hứng cho nên mục tiêu giáo dục lịch sử hiện nay là không đạt được. Liệu đấy có phải là những cơ sở khiến cho Bộ GD-DT thay đổi như đang thảo luận hay không? Hay là có những yêu cầu về chất lương giáo dục khác dẫn đến việc thay đổi?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Như tôi đã nói, mục tiêu quan trọng nhất của mình là hình thành phẩm chất và năng lực người học.

Để trang bị kiến thức chỉ là bước ban đầu và cũng là bước rất quan trọng nhưng mà quan trọng hơn là kiến thức đó nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau thì phải được vận dụng một cách tổng hợp, sáng tạo thì mới có thể hình thành phẩm chất và năng lực người học tốt .

Đấy là lý do mà Bộ GD-ĐT sắp xếp lại hệ thống các môn học trong chương trình mới so với chương trình cũ.

Phải nói là không chỉ có môn Giáo dục công dân, môn Lịch sử mới sắp xếp lại mà các bộ môn khác như Sinh học, Địa lý, Hóa học... đều được sắp xếp lại thành môn học mới, theo tinh thần tăng cường tính tích hợp ở cấp học dưới và đảm bảo tính định hướng nghề nghiệp THPT.

Nhà báo Lê Hạnh: Như ông vừa đề cập thì có khái niệm tích hợp, hiện nay trong chương trình giáo dục chúng ta đã từng tích hợp một số nội dung như là đưa GD an toàn giao thông , GD môi trường, GD phòng chống tham nhũng trong các môn học. Sắp tới, trong chương trình GD phổ thông mới, chúng ta cũng có xu hướng tích hợp là bỏ bớt các môn học đi. Ông có thể giải thích rõ hơn về quan điểm này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bài học rút ra của chúng ta trong chương trình hiện nay là tích hợp nhiều chương trình giáo dục khác nhau thì việc phải đưa nhiều nội dung GD là việc bắt buộc vì tính chất của thời đại, tính chất của loài người, của cả xã hội cần phải biết một cách đa dạng và sống trong một xã hội luôn phát triển bền vững.

Bài học thứ hai đưa ra là nếu bây giờ mình chủ động trước thì việc tích hợp sẽ rất là tốt, nó sẽ nhuần nhuyễn ngay từ đầu không phải chắp vá thêm. Khi chắp vá thêm có thể tích hợp sẽ có khó khăn xử lý về sư phạm, kể cả về mặt nội dung, phương pháp.

Điều thứ ba mình thấy ngày càng rõ là kiến thức thì có nhiều lĩnh vực khác nhau mà số bộ môn học thì có ít cho nên bắt buộc phải tích hợp.

Nếu tích hợp như vậy thì mình có thể chủ động được: Lĩnh vực kiến thức có thể bố trí được vào nhiều môn học và một môn học có thể bố trí nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, những kiến thức liên quan gần nhau thì được sắp xếp gần nhau sẽ tiện lợi cho giáo viên và học sinh học và vận dụng không phải trùng lặp học đi học lại mà không bị bỏ sót. Khi mà tích hợp thì lĩnh vực này sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực kia và học có hiệu quả.

{keywords}

Học sinh sau giờ thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà báo Lê Hạnh: Như ông nói thì về việc tích hợp có rất nhiều ưu điểm, tiến bộ. Thế nhưng mà khi đưa vào trong thực tiễn thì ông nhận thấy đâu là thách thức lớn nhất gặp phải?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thách thức khi dạy học tích hợp không phải riêng VN gặp phải.

Người ta cũng khuyên mình, mình cũng đi và thấy người ta làm thật, tùy theo năng lực đội ngũ giáo viên mà tích hợp đến mức độ sâu hay nông.

Những nước phát triển, giáo viên có trình độ cao thì người ta học rất sâu, các kiến thức kết hợp nhuần nhuyễn với nhau.

Ở những nước mới định hướng tích hợp, đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn về mặt nhận thức thì tích hợp ở mức độ vừa phải.

Học tập kinh nghiệm này, ở VN giáo viên còn chưa thật sự quen thì mình tích hợp ở mức độ vừa phải.

Tích hợp không phải là ghép một cách cơ học các kiến thức gần nhau, chưa thể tích hợp sâu được.

Chính vì vậy, trong những môn học (tạm gọi là môn học tích hợp) sắp tới dựa trên chủ yếu một số môn học trước đây. Kiến thức các môn học trước đây sẽ thành mạch kiến thức chủ đạo ở trong môn học mới và các mạch kiến thức đó có liên hệ với nhau.

Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng thêm các chuyên đề tích hợp, tích hợp rất là sâu, nghĩa là chỉ dạy học tích hợp rất sâu ở một số chuyên đề. Còn ở các nội dung khác thì tích hợp ở mức độ “nhạt” hơn.

Như vậy thì giáo viên có thể thực hiên được, tất nhiên là phải qua bồi dưỡng.

Nhà báo Lê Hạnh: Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển về những thông tin mà ông đã mang lại cho độc giả VietNamNet.

Xin chào quý vị và hẹn gặp lại.

Thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn

Không phải chỉ có môn Giáo dục công dân hay Lịch sử mà các bộ môn khác như Sinh, Sử, Địa, Hóa, Lý…cũng được sắp xếp lại thành môn học mới theo tinh thần tăng cường tính tích hợp ở cấp học dưới, tăng tính định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT.

Một số môn học do tính quan trọng của nó như môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì bắt buộc phải học từ lớp 1 cho đến lớp 12. Các môn học khác cũng là bắt buộc nhưng được sắp xếp lại như môn Công dân với Tổ quốc.

Tôi xin khẳng định, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Sắp tới nêu chương trình mới được thông qua thì học sinh học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong Khoa học Xã hội có hai phân môn với 3 tiết, nghĩa là Lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết.

Như vậy học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới.

Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết).

Sở dĩ chúng ta có sự phân biệt thời lượng học của hai nhóm này là để định hướng nghề nghiệp.
  • VietNamNet