- Thống nhất hệ đào tạo cao đẳng với cao đẳng nghề, trung cấp và trung cấp nghề để khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN.

Đó là ý kiến của thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại hội thảo về xây dựng khung trình độ quốc gia được tổ chức trong hai ngày 30 và 31-10 tại Hà Nội.

Theo thứ trưởng Ga: Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào năm 2015. Các quốc gia trong cộng đồng cần có khung trình độ quốc gia để tạo sự tương thích trình độ lao động, thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động giữa các nước trong khối.

Cái khó trong việc xây dựng khung trình độ quốc gia của nước ta ở chỗ hiện nay tồn tại song song Trung cấp và Trung cấp nghề, Cao đẳng và Cao đẳng nghề nên các mức độ giáo dục nghề nghiệp bị lệch so với khung trình độ tham chiếu ASEAN.

{keywords}
Thí sinh cao đẳng trong kỳ thi tay nghề quốc gia. (Ảnh: Hương Giang)

Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cho biết, hiện tại 140 quốc gia trên thế giới có khung trình độ quốc gia. Trong khi đó, ở Việt Nam, hệ thống trình độ thiếu định nghĩa rõ ràng, gây khó khăn cho hội nhập.

Các cơ sở giáo dục của VN hiện chưa mô tả được với mỗi vị trí, trình độ của người học được đào tạo cần kiến thức, kĩ năng và phẩm chất, thái độ cụ thể gì. Các trường mới chỉ có mục tiêu đào tạo.

Để phân biệt thế nào là cao đẳng nghề và cao đẳng không nghề, trung cấp chuyên nghiệp-trung cấp nghề không phải ai cũng phân biệt được. Có người nói trung cấp chuyên nghiệp mang tính hàn lâm nhưng hiện các trường 75% thời gian dạy thực hành.

Thứ trưởng Ga cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội xây dựng khung trình độ quốc gia (NQF). Khung trình độ này cần tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN (ARQF). Từ năm 2013 đến nay hai Bộ đã tích cực chuẩn bị dự thảo, có nhiều phiên thảo luận, trao đổi để đi đến thống nhất các nguyên tắc khung về các mức độ trong khung trình độ quốc gia.

Theo dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp mới thì các hệ đào tạo này sẽ được thống nhất với nhau. Khi đó việc phân chia các mức độ trong Khung trình độ quốc gia sẽ tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN.

Sau khi đã thống nhất sự phân chia các cấp độ trong khung trình độ, ban soạn thảo của Bộ sẽ xác định các yêu cầu về kiến thức, năng lực mà người lao động cần đạt được ở mỗi cấp độ.

Trên cơ sở này các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo phù hợp. Lâu nay các trường vẫn công bố chuẩn đầu ra nhưng vì chưa có khung trình độ quốc gia nên các tiêu chí chưa được nhất quán, do đó chưa so sánh được với chuẩn đầu ra của sinh viên nước ta với các nước trong khu vực.

Khi khung trình độ quốc gia được công bố, sự dịch chuyển lao động giữa các nước trong khu vực sẽ diễn ra dễ dàng. Khi đó trình độ lao động sẽ được thừa nhận chung, tránh thiệt thòi cho người lao động về lương, chế độ đãi ngộ... Đồng thời nó cũng tạo thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi sinh viên, học viên các hệ đào tạo giữa các nước.

TS Nguyễn Văn Đường, chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH dự thảo khung trình độ quốc gia VN đã được hình thành với 8 bậc trình độ. Tuy nhiên dự thảo này chắc chắn còn nhiều điểm chưa thỏa mãn các ý kiến nên cần bàn thêm trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt, ban hành.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng phân tích hệ thống trình độ và văn bằng của Việt Nam hiện có rất nhiều hạn chế, cấp thiết đòi hỏi có khung trình độ quốc gia, giúp đổi mới hệ thống.

  • Văn Chung