Đi “xin việc” ở tuổi U60

Nghe có vẻ lạ đời nhưng đúng là chú T.H (57 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mấy hôm nay ngày nào cũng mở Internet, vào các trang tuyển dụng, thậm chí đến tận văn phòng công ty để nộp đơn xin việc. Nhưng, chú không xin việc cho mình mà cho cậu con trai đang học năm thứ tư ngành Giao thông công trình ở một trường đại học tại Hà Nội. “Con bận làm đồ án tốt nghiệp, với cả sợ nó không biết phải đi xin việc như thế nào nên mình đi luôn cho nhanh”, chú T.H chia sẻ về lý do “xin việc” lạ lùng này.

Những phụ huynh vất vả, lo lắng chuyện thực tập, xin việc cho con như chú H. không hiếm. Không ít công ty đã đón tiếp những phụ huynh như chú. Nhiều người làm nhân sự đã phải ngao ngán chia sẻ thông tin bố mẹ viết CV, gửi đơn xin thực tập, làm việc cho con thậm chí đưa con đến phỏng vấn như… đưa đi học thuở con mới vào mầm non, cấp 1.

“Xin - cho”, có người được nhận, có người bị từ chối nhưng đa phần những công việc có được nhờ bố mẹ thường không được các sinh viên, cử nhân theo đuổi lâu dài. Không phải bỏ công sức, chất xám để có được công việc, nhiều bạn trẻ tỏ ra không quý trọng. Bố mẹ xin cho nhưng chưa chắc đã là công việc các bạn thực sự thích. Muôn vàn lý do, nhưng, sau những tất tả lo lắng ngược xuôi của phụ huynh, nhiều bạn trẻ vẫn bỏ nghề, thất nghiệp.

“Kệ” con chủ động trải nghiệm việc làm

Thanh Mai là sinh viên năm cuối, ngành Tài chính ngân hàng, ĐH FPT. Nữ sinh chia sẻ, vì bố mẹ “kệ”, nên Mai sớm có ý thức tự lập, chuẩn bị kiến thức và kỹ năng để có thể tìm được việc làm trong ngành tài chính áp lực cao.

{keywords}

Sớm trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, bạn trẻ có cơ hội nhìn nhận bản thân, điều chỉnh kiến thức, kỹ năng mình có phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động

“Rất may, ĐH FPT cũng là môi trường đề cao tính chủ động của sinh viên. Mình được tự lập trong việc học, phát triển các kỹ năng mềm thông qua nhiều hoạt động CLB, sự kiện, các cuộc thi cho sinh viên ngành kinh tế mà trường tổ chức. Qua đó, ngoài kiến thức, mình cũng tự trang bị kha khá vốn sống, kỹ năng”, Mai chia sẻ.

Học năm hai, Mai được vài anh chị khóa trên rủ đi làm cùng. Công việc bán thời gian tại một chi nhánh ngân hàng khá hấp dẫn vì đúng ngành đang được đào tạo nhưng cũng khiến Mai có chút băn khoăn vì sợ không đáp ứng được. Mai chia sẻ suy nghĩ với một số cán bộ, giảng viên ở ĐH FPT, được thầy cô khuyên tham gia các workshop kỹ năng nghề nghiệp để có thêm hiểu biết thực tế. Mai cũng được lưu ý, ĐH FPT có kỳ thực tập doanh nghiệp nơi mà 100% sinh viên được làm việc như những nhân viên thực thụ tại các công ty, doanh nghiệp khi ra trường nên càng trải nghiệm việc làm sớm, sinh viên ĐH FPT càng có nền tảng vững vàng.

Mai chia sẻ, cô đã “liều” đi làm. “Trải nghiệm việc làm sớm đúng là rất khó. Non nớt cả vốn sống và kỹ năng làm việc, mình phải học hỏi rất nhiều. Đôi khi, mình chấp nhận việc bị phê bình khi không làm tốt hoặc chạy deadline căng hơn để vượt qua bản thân và tiến bộ”, Mai tâm sự. Tuy vậy, giờ đây nhìn lại, Mai cảm thấy trưởng thành hơn cả về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin trong công việc. Ngoài ra, đi làm sớm, Mai có kinh nghiệm kha khá và một vị trí ổn định tại công ty. “Bố mẹ mình không lo mình thất nghiệp. Bản thân cũng không vất vả chạy việc sau khi ra trường nữa”, Mai cho biết.

Thay vì lo con “không biết xin việc” hay “thiếu kinh nghiệm” để rồi bố mẹ làm mọi thứ cho con, để con mãi vẫn chỉ như đứa trẻ chẳng thể tự lập dù đã tốt nghiệp ĐH, phụ huynh nên để con chủ động trải nghiệm sớm từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Có thể đó mới là mong muốn thực sự của các bạn trẻ. Càng giàu trải nghiệm, các bạn càng có hiểu biết, kỹ năng và sự tự tin để chủ động trong công việc, san sẻ bớt nỗi lo “ra trường, xin việc” cùng bố mẹ.

Ngọc Trâm