- Trong văn bản gửi báo chí ngày 7/5, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết con số chính thức của đối tượng ứng viên “5 năm công tác” là 82 người.

Trước đó, trong thông báo số của Hội đồng kiểm tra sát hạch cho biết số thí sinh có thời gian công tác trên 5 năm là 77 người.

Tuy nhiên trong bản đính kèm thông báo này, con số này là 80 người.

Theo trả lời của ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, con số này lại lên tới 83 người.

Còn trong văn bản gửi báo chí ngày 7/5, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết con số chính thức của đối tượng ứng viên “5 năm công tác” là 82 người.

Cũng ở văn bản này, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Trên cơ sở đề nghị của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố, ngày 30/3/2015, Hội đồng kiểm tra sát hạch công chức không qua thi tuyển của thành phố Hà Nội đã có thông báo số 570/HĐKTSH-SNV xác định danh sách diện thí sinh là người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Đối tượng được sát hạch và thẩm quyền của thành phố hoàn toàn phù hợp các quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý công chức; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và thi nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.

Về số lượng thí sinh dự sát hạch theo thông báo đủ điều kiện để sát hạch đợt 1 là 77 người, số lượng thực tế là 82 người, chúng tôi có ý kiến thông tin như sau:

Số lượng tăng thêm 5 người so với thông báo đã được Hội đồng sát hạch thành phố bổ sung trên cơ sở xem xét đề xuất của các đơn vị Sở, ngành, UBND quận, huyện thuộc thành phố, cần tuyển người có kinh nghiệm đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng theo quy định.

Cụ thể bao gồm: những người là cán bộ cấp xã cần xét chuyển thành công chức cấp huyện theo kế hoạch công tác cán bộ trước kỳ đại hội Đảng bộ các cấp; các viên chức cần tiếp nhận vào công chức làm việc tại các sở, ngành”.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, tuyển dụng đặc cách là một trong các hình thức tuyển dụng công chức, các đợt tuyển dụng của thành phố Hà Nội đều đảm bảo thực hiện theo quy trình quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.

Sở Nội vụ Hà Nội cũng tiếp thu các ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí thời gian qua nhằm đóng góp hoàn thiện các quy trình tuyển dụng đặc cách của thành phố.

Trong các bài viết trước, VietNamNet đã đề cập những dấu hiệu không rõ ràng trong kì thi sát hạch, kiểm tra ứng viên công chức không phải qua thi tuyển của Hà Nội vừa qua như: Đề sát hạch không có biểu điểm cho từng câu; Khi phỏng vấn thì không ghi âm, ghi hình; Việc tổ chức tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với những người có 5 năm kinh nghiệm chưa minh bạch...

Phỏng vấn phải ghi âm, ghi hình

Trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm “Việc sát hạch dứt khoát phải minh bạch và khách quan. Mọi thông tin liên quan đến kì thi sát hạch này phải được thông báo rõ ràng, đầy đủ.

Trong đề thi cần phải nêu rõ biểu điểm từng câu để ứng viên có căn cứ thực hiện việc khiếu kiện khi kết quả không đúng với bài làm của mình. Bên cạnh đó, việc phỏng vấn thì cũng cần phải tổ chức ghi âm, ghi hình để làm đối chứng. Khi có khiếu nại sẽ có cơ sở để giải quyết. Ngoài ra, đơn vị tuyển dụng phải công bố công khai tiêu chí, điều kiện để các ứng viên đủ điều kiện tham gia nộp đơn”.

Liên quan đến một số thông tin về đợt sát hạch vừa rồi tại Hà Nội như việc thiếu công khai thông tin xét tuyển, nhiều quy định thiếu rõ ràng..., ông Tuấn cho biết: “Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra lại việc này. Khi có kết quả cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin lại cho dư luận xã hội biết”.

Cũng theo ông Tuấn, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi nghị định 24 để đảm bảo việc thi tuyển cũng như sát hạch nhũng trường hợp không qua thi tuyển được đảm bảo công khai, công bằng, khách quan. Trong đó việc đổi mới thi tuyển công chức sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Văn Chung – Ngân Anh