Gửi bài viết đến VietNamNet, thạc sĩ Lầu Văn Thanh mong muốn có cái nhìn khách quan hơn về những “ông cử, bà thạc” thất nghiệp.

Đề tài về chuyện thất nghiệp của các cử nhân, thạc sĩ tưởng như đã xưa như trái đất, nhưng lại luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng, nhức nhối của xã hội ta hiện nay.

Theo thông tin mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố chiều 24-12-2015, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước là 225.500 người, tăng thêm 26.100 người so với quý 2/1015.

{keywords}
Một nam thanh niên quỳ gối xin việc giữa đường

Và đã có rất nhiều bài viết về tình trạng này, tuy nhiên đa phần là phê phán, chế giễu họ, mà thiếu đi cái nhìn khách quan rằng: Tại sao con số đó cứ tăng lên hàng ngày?

Ngay bản thân tôi cũng đã tốt nghiệp thạc sĩ Triết học từ năm 2013, thế nhưng đâu thể chen chân vào một cơ quan đúng chuyên môn để phát triển năng lực, kỹ năng mà mình học được, có được.

Trước khi làm công việc Quản lý bán hàng cho một công ty ở Bà Nà – Đà Nẵng thì tôi cũng đã phải trải qua nhiều công việc ở nhiều công ty khác nhau như: Bảo vệ, công nhân, lễ tân, gia sư. Và hơn ai hết mình hiểu cái cảnh cầm hồ sơ đi xin việc là như thế nào.

Và bài viết này mình chỉ đề cập ở một khía cạnh nhỏ của vấn đề thất nghiệp của các cử nhân, thạc sĩ.

Trước hết, mỗi chúng ta nên hiểu câu này: "Tuổi tác không làm nên sự uyên bác, cũng như người có vị thế xã hội chưa hẳn là người khôn…và người có tầm nhìn và không ngoan thì không bao giờ chê bai, khinh bỉ người khác” .

Mặt khác, có vài điều chúng ta cần phải nói như sau: Khi các tác giả bài báo thẳng tay chỉ trích đúng ở chỗ là con số "ông cử, bà thạc" quá nhiều là chủ yếu do chính bản thân họ và chính bản thân những người đó cần phải thức tỉnh, dù không làm việc này thì việc khác.

Nhưng đó mới chỉ là đúng chứ chưa đủ và đang rất thiển cận về vấn đề. 

Bởi: Một là, đa phần tác giả bài báo đều với tư cách của một giám đốc này, giám đốc nọ, chị trưởng phòng này anh phó phòng kia hoặc những người đã chắc chân ở một vị trí nào đó chỉ mới nhìn được một khía cạnh tiêu cực từ thái độ thiếu quyết tâm của trong số những người thất nghiệp này để phán xét.

Hai là, tại sao chúng ta không thấy được sự nỗ lực của đại đa số đó trong việc tìm kiếm việc làm nhưng các cơ quan doanh nghiệp từ chối vì lí do này nọ. Họ không thấy buồn ư? Không thất vọng ư? Những người như các anh, chị chưa hiểu được!

Ba là, tại sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh các công ty, nhà doanh nghiệp nhỉ?

Xin thưa rằng, lỗi hệ thống đào tạo của ngành giáo dục tôi không bàn đến vì xưa như trái đất rồi. Vấn đề ở đây là Phía các công ty, doanh nghiệp của mấy ông thì sao? Các ông, các bà đi tìm ứng viên theo những tiêu chí nào? Chẳng phải là Kinh nghiệm...kinh nghiệm và kinh nghiệm, có thêm một phần của yếu tố ngoại ngữ. Đúng không!

Hầu hết các hồ sơ đều bị đánh trật không thương tiếc chỉ vì yếu tố kinh nghiệm mà không quan tâm tới trình độ, năng lực, sự nhiệt huyết tuổi trẻ của ứng viên.

Những sinh viên, học viên ra trường đi xin việc mà các ông các bà không nhận thì họ đâu có kinh nghiệm để mà đáp ứng tiêu chí của các ông các bà.

Bốn là, phải nói tới yếu tố "lợi ích nhóm", đó là các công ty, doanh nghiệp của các ông bà cho đến cơ quan công quyền đại đa phần đều mắc lỗi như vậy. Các ông bà, cơ quan vì chút lợi lộc, hay những người thân quen vào "án ngữ" hết, phần còn lại là dành cho những người thất nghiệp và sắp thất nghiệp vì không đủ năng lực đáp ứng tiêu chí. Hệ quả là, những ứng viên khó khăn trong việc tìm việc làm, chỉ có những công việc lao động phổ thông như phụ nề, bốc vác, công nhân… là thích hợp với số ứng viên tiềm tàng này!

Các tác giả bài báo đã từng phê phán, chỉ trích những “ông cử, bà thạc” và những người đồng quan điểm thử suy ngẫm chút xem!

Cuối cùng, mong những cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp hãy nhớ câu nói này của Các Mác rằng: “Không có con đường khoa học nào là cái quan cả, chỉ những ai dám dũng cảm bước trên con đường ghồ ghề, khúc khuỷu thì mới đến được đỉnh cao chói lọi của khoa học”.

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh