- Các thầy ở đây vẫn đùa, dù là học sinh tiểu học nhưng nếu muốn được gặp cô giáo, các em phải chờ đến THCS. Vì ở đây, thầy giáo là mẹ hiền.

{keywords}
Thầy Đỗ Hồng Thái và học trò ở bản 51

Trường học chỉ có thầy

Xã vùng biên Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình hầu như tách biệt với bên ngoài, là nơi sinh sống của 18 bản làng người dân tộc Ma Coong.

Địa bàn cách trở, có những bản phải băng rừng mấy tiếng đồng hồ mới đến được, có bản ở cách đường 20 Quyết Thắng cả chục cây số nên đời sống bà con vô cùng vất vả.

Cả xã có hai trường tiểu học nhưng chỉ có một vài bản ở gần trung tâm xã là học sinh được học tập trung tại trường số 1. Các bản còn lại đều có thầy giáo về cắm bản để dạy chữ cho các em.

{keywords}
Thầy Nguyễn Văn Thăng đã có hơn 10 năm gắn bó với học sinh ở đây

“Trường có tất cả là 38 cán bộ, giáo viên nhưng chỉ có 3 cán bộ nữ làm những công việc văn phòng. 35 người còn lại đều là thầy giáo, mỗi bản 2 người, cùng ăn cùng ở với đồng bào để dạy chữ cho các em tiểu học”, thầy Võ Anh Tuân, hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết.

Ở các bản làng xa xôi, học sinh không được học mầm non vì không đủ điều kiện mở lớp, điều kiện đi lại, ăn ở quá vất vả nên chỉ có các thầy cắm bản. nói vui như thầy Đồ Hồng Thái, giáo viên tại bản 51 thì phải đến cấp 2 các em mới được học cùng cô giáo.

Các em học sinh ở đây chỉ bắt đầu được học tiếng Kinh khi vào lớp 1. Để dạy được, thầy cũng phải học tiếng nói của đồng bào Ma Coong, không chỉ trò mà thầy cũng có thêm “ngoại ngữ”. Không chỉ dạy chữ, nhạc, họa thầy cũng dạy…nốt.

“Trường có tất cả 21 lớp, trong đó chỉ có 1 lớp đơn ở bản Cờ Đỏ, 13 lớp ghép nhóm hai trình độ, 6 lớp ghép nhóm ba trình độ, 1 lớp ghép nhóm bốn trình độ”, thầy Tuân cho biết thêm.

Lớp ghép 4 trình độ ở bản Noồng cũ do thầy Nguyễn Văn Lai đảm nhiệm. có tất cả 7 em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Cứ đến giờ học, thầy lại chia bảng làm đôi để dạy cho các em học.

Và những lần các thầy phải khóc

{keywords}
 Các em học sinh ở bản Bụt sau giờ học

Trước khi lên đây, có thầy đã có gia đình nhưng có thầy thì chưa. Năm ở bản này, năm khác lại luân chuyển qua bản khác, điện thắp sáng không, sóng điện thoại bản có bản không nên tuổi thanh xuân của một vài người cũng đành ở lại với núi rừng.

Khoảng bốn năm trở lại đây, con đường 20 Quyết Thắng mới thông suốt, trước đó cực lắm. Đường đất vốn đã ngoằn nghèo, dốc dựng đứng, mỗi khi mưa xuống lại lầy lội, sụt lún, xe ga lên lại xoay ngược lại không thể nào đi nổi.

“Năm 2008, tôi một mình vác ba lô lên trường, khi đến cây số 54 thì gặp mưa, đường quá lầy lội nên xe bị lún xuống sâu không sao kéo lên được. Nói các chị đừng cười chứ lúc đó tôi chỉ biết ngồi khóc vì lực bất tòng tâm.

Khóc xong vẫn không kéo được xe lên nên phải ngồi chờ có người đi qua rồi nhờ họ kéo lên giúp. Hồi đó người qua lại cũng “hiếm” lắm nên đi từ sáng mà phải tối mịt tôi mới lên đến nơi”, thầy Đỗ Hồng Thái nhớ lại.

{keywords}
Lớp ghép 4 trình độ ở bản Noồng cũ do thầy Nguyễn Văn Lai đảm nhiệm

Là thầy giáo cắm bản hơn 10 năm, thầy Nguyễn Văn Thăng nhớ lại những ngày đầu lên đây. Nhớ nhà, nhớ vợ con khiến thầy nhiều lúc muốn bỏ về. Nhưng rồi những ánh mắt trong veo của học sinh lại níu chân thầy lại. Ngót ngét cũng hơn chục năm trời, nếu không yêu nghề thì làm sao trụ được.

Hiện thầy đang dạy tại bản Noồng mới: “ Ở đây không có sóng điện thoại, chỉ lâu lâu mới tìm được điểm rơi, tôi và một thầy nữa cắt cái chai nhựa đóng vào tường để hứng sóng. Mới đầu không quen, cứ nghe chuông báo cuộc gọi, mừng quá chạy lại nhấc lên là kiểu gì cũng mất sóng. Giờ quen rồi nên điện thoại lúc nào cũng cắm tai nghe, có chuông là chỉ việc lại ngồi đó đeo tai nghe vào”, thầy Thăng vui vẻ kể.

{keywords}
Học sinh ở Noồng cũ

Điều kiện sinh hoạt đã khổ, đau ốm còn khổ hơn bội phần. “Năm 2010, tôi dạy ở Noồng đột nhiên bị đau bụng dữ dội, đi không nổi mà trời lại đang mưa lớn, nước đầu nguồn đổ về khiến con đường độc đạo băng suối về xuôi bị ngăn cách.

Không còn cách nào khác, tôi được ba đồng nghiệp dẫn vượt sông,vì quá đau nên vừa đi vừa khóc, cũng may mà không bị nước cuốn trôi. Lần đó tôi bị viêm dạ dày cấp tính”- thầy Hồ Văn Minh góp chuyện.

Khó khăn là thế nhưng thấy các em học sinh đến lớp đều, đọc thông viết thạo là niềm động viên vô cùng lớn cho các thầy. “Còn sức, còn được phân công tôi vẫn ở lại để dạy những thế hệ tiếp theo”, thầy Minh chia sẻ.

  • Hải Sâm