- Những rối rắm trong khâu xét tuyển ĐH được điều chỉnh thế nào? Vì sao thí sinh phải chạy đôn đáo rút - nộp hồ sơ xét tuyển?... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có trao đổi với VietNamNet.

Năm đầu đổi mới không tránh khỏi hạn chế

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những mục tiêu căn bản của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được đó là giảm áp lực thi cử, giảm rủi ro cho thí sinh, giảm tỉ lệ ảo, tạo thuận lợi cho các nhà trường tuyển được những thí sinh phù hợp nhất.

Do là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đổi mới thi tuyển sinh nên rất khó tránh khỏi những mặt còn hạn chế. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT luôn có những giải pháp kịp thời để xử lý những tình huống phát sinh.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Kết quả qua đợt xét tuyển đầu tiên cho thấy những trường có uy tín, chất lượng có thể tuyển được những thí sinh giỏi nhất. Còn đối với thí sinh thì những em đạt kết quả cao luôn tự tin chọn được đúng ngành, trường mà mình yêu thích; những em có kết quả trung bình cũng có đủ thông tin để lựa chọn trường vừa sức; những em chẳng may chọn ngành, trường chưa phù hợp với năng lực sở trường và kết quả thi của mình cũng có cơ hội để thực hiện việc đăng ký trở lại. Thông tin tuyển sinh đã được minh bạch, công khai đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

- Liên quan đến những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 rất kịp thời, nhưng không hiệu quả vì cận ngày quá nên thí sinh, phụ huynh không yên tâm để nộp hồ sơ điều chỉnh nguyện vọng ở trường THPT và Sở GD-ĐT. Dẫn đến họ vẫn đổ xô về các trường ĐH để điều chỉnh nguyện vọng, Bộ GD-ĐT có hình dung ra vấn đề này khi làm đổi mới tuyển sinh?

Trong 10 ngày đầu tiên, thí sinh nộp hồ sơ là chính vì các trường đều chưa nhận đủ hồ sơ so với chỉ tiêu nên các giải pháp hỗ trợ thí sinh rút hồ sơ trong thời gian đó là không cần thiết. Cũng trong thời gian đó, các trường chưa được yêu cầu công bố điểm xét tuyển tạm thời để tránh gây hiểu nhầm.

Thực tế khi số lượng hồ sơ chưa đủ so với chỉ tiêu thì rõ ràng điểm xét tuyển tạm thời chỉ bằng điểm ngưỡng nhận hồ sơ. 10 ngày sau của đợt xét tuyển, số lượng thí sinh đăng ký vào một số trường bắt đầu vượt chỉ tiêu cần thiết.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển Bộ đã giao các Sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ thu nhận đơn xin thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh để thực hiện các thao tác kỹ thuật chuyển thông tin của thí sinh đến các trường liên quan.

Tất cả các thao tác này được thực hiện qua phần mềm, không phải rút, nộp hồ sơ nên rất đơn giản và nhẹ nhàng. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các trường cập nhật thường xuyên điểm xét tuyển tạm thời để thí sinh tham khảo.

Thí sinh hoàn toàn không nên đến các trường để thay đổi nguyện vọng xét tuyển mà hãy đến Sở GDĐT của địa phương hay đến ngay trường THPT trên địa bàn được Sở giao nhiệm vụ để thực hiện việc này.

Trường lớn có sức hút mạnh

- Thăm dò về thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 trên báo VietNamNet cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian từ 20 ngày xuống còn 10 ngày - như vậy là đủ thời gian cho thí sinh lựa chọn thay đổi nguyện vọng, không gây khó cho các trường?

Thực ra khi xây dựng qui chế Bộ cũng như các trường rất muốn rút ngắn thời gian của đợt xét tuyển để sớm kết thúc. Thời gian mỗi đợt xét tuyển 10, 15 ngày cũng đã đưa ra thảo luận rộng rãi.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng nếu rút ngắn thời gian thì các thí sinh vùng sâu vùng xa không có đủ thời gian nộp hồ sơ hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển làm thiệt thòi quyền lợi của các em.

Thời gian 20 ngày mỗi đợt xét tuyển là hơi dài trong thực tế. Những năm tới Bộ sẽ điều chỉnh lại hợp lý hơn nhất là khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. 

- Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, việc ấn định điểm chuẩn xét tuyển năm nay sẽ không theo quy luật nào. Với những trường cao thì điểm chuẩn sẽ rất cao, thậm chí các trường top giữa điểm chuẩn cũng sẽ nhiều biến động cao lên. Điều này sẽ không phản ánh đúng chất lượng đầu vào các trường dẫn tới việc phân tầng các trường ĐH sẽ càng khó khăn hơn?

Việc xác định điểm chuẩn vào ngành, trường là do hội đồng tuyển sinh các trường quyết định dựa trên yêu cầu đảm bảo chất lượng và chiến lược xây dựng uy tín của nhà trường trong xã hội.

Rõ ràng những trường lớn, có uy tín thì năm nay có sức hút rất mạnh đối với thí sinh có điểm cao. Điểm chuẩn nhiều ngành của những trường này vì vậy tăng cao hơn so với mọi năm.

Khi tuyển được nhiều thí sinh giỏi có năng lực tương đối đồng đều và yêu thích ngành nghề thì các trường có điều kiện nâng cao chất lượng để đào tạo được nguồn lao động có tính cạnh tranh cao.

Từ đó, việc phân tầng, xếp hạng hệ thống giáo dục đại học theo Luật Giáo dục Đại học cũng có cơ sở để thực hiện thuận lợi. Trúng tuyển vào các trường ĐH xếp hạng cao cũng sẽ là niềm tự hào đối với thí sinh. Vì vậy học sinh sẽ thi đua học tập tốt hơn để vào được trường danh giá.

Còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm

- Những điều chưa suôn sẻ trong xét tuyển ĐH đang đặt ra sẽ có điều chỉnh cụ thể như thế nào trong mùa tuyển sinh năm tới, thưa Thứ trưởng?

Những giải pháp kỹ thuật áp dụng trong tuyển sinh năm nay đã được thảo luận, tính toán kỹ càng. Các phương án cũng đã được đưa ra thảo luận rộng rãi để chọn được phương án phù hợp nhất đưa ra áp dụng.

{keywords}
Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sáng 18/8 (Ảnh: LAD)

Bộ luôn có những giải pháp để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai. Hơn 13 năm tổ chức kỳ thi “3 chung” trước đây năm nào Bộ cũng tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm để điều chỉnh qui chế cho phù hợp.

Kỳ thi THPT quốc gia mới được tổ chức năm đầu tiên nên rõ ràng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để những năm sau tổ chức tốt hơn. Mặt khác những năm tới thí sinh cũng sẽ quen dần với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu từ đăng ký dự thi đến xét tuyển để giảm nhẹ áp lực công tác xét tuyển. Năm nay không nhiều thí sinh lựa chọn các giải pháp này.

- Thưa Thứ trưởng, cũng nhiều ý kiến cho rằng: hai vấn đề Bộ GD-ĐT kỳ vọng khi làm đổi mới tuyển sinh là: tiết kiệm cho thí sinh nhưng thực tế thí sinh vẫn phải đi lại nhiều để tìm kiếm cơ hội vào ĐH; tạo thêm cơ hội cho thí sinh nhưng cuộc chơi đang khiến thí sinh hoang mang vì sự thay đổi nguyện vọng ở những ngày cuối. Điều này có làm mất cơ hội trúng tuyển của thí sinh không khi mà khâu định hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh vẫn tù mù?

Việc rút, nộp hồ sơ trong đợt xét tuyển chỉ tập trung ở một số ít các trường lớn có uy tín. Thực tế chỉ có khoảng 30-40 trường trên tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ của cả nước có sức thu hút mạnh mẽ thí sinh. Nhiều thí sinh ít triển vọng trúng tuyển vào các trường này cũng đã đến các Sở GD-ĐT của địa phương làm thủ tục điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, không đến rút hồ sơ ở trường.

Vì vậy số thí sinh thực tế phải đi lại nhiều không thể so sánh với hàng triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm. Việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích so với việc tổ chức 4 kỳ thi trước đây rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho toàn xã hội.

Trong quá trình xét tuyển, phần lớn các trường ĐH đều đã cung cấp thông tin cần thiết đủ để thí sinh tham khảo lựa chọn quyết định của mình. Chắc chắn rất nhiều thí sinh đã tránh được rủi ro trong xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay.

- Cảm ơn Thứ trưởng!

  • Kiều Oanh (thực hiện)