Thượng tướng Vũ Lăng có tiếng là vị tướng “Trương Phi”. Còn đối với các con, ông là một người cha như thế nào?

Ai đã từng làm việc với Thượng tướng Vũ Lăng, một vị tướng tài ba của Quân đội ta, đều nhắc mình rằng, mỗi khi có chuyện bất bình, cặp râu xồm của ông dựng lên, thì tốt nhất là tìm cách lánh xa rồi “hạ hồi phân giải”.

Tài năng đi kèm với những cơn nổi trận lôi đình của vị tướng này thì nhiều người đã biết, nhưng còn thế giới nội tâm giàu tình cảm, chân thành với đồng chí, đồng đội của ông thì không phải ai cũng hay” – Đây là những dòng hồi tưởng của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, với tư cách một người đồng đội cùng làm việc trên chiến trường.

Còn trong cuộc sống gia đình, ông là một người cha như thế nào?

Anh Vũ Quân, cậu con trai út ra đời khi Thượng tướng Vũ Lăng gần 50 tuổi, chia sẻ những kỷ niệm rất riêng tư về người cha thân yêu của mình.

{keywords}
Thượng tướng Vũ Lăng

Thượng tướng Vũ Lăng (1921–1988) tên thật là Đỗ Đức Liêm, quê quán tại xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ông là một trong những vị tướng lập được nhiều chiến công lớn trong những trận đánh quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là một trong những chiến sĩ Nam tiến đầu tiên chiến đấu ở mặt trận Nha Trang - Ninh Hòa. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông là quyết tử quân của trung đoàn Thủ Đô, tham gia chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ phủ, sau đó là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 54, trung đoàn Thủ đô (E102), đại đoàn 308.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98, đại đoàn 316 do Vũ Lăng là trung đoàn trưởng đã thắng trong trận đánh đồi C1 góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch.

Ông là người đã có công lao to lớn trong chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên mà trận Buôn Ma Thuột là điển hình, với cương vị là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông là Tư lệnh Quân đoàn 3, có nhiệm vụ giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Quân đoàn của ông là đơn vị đầu tiên đặt chân đến cửa ngõ Sài gòn (chiều ngày 29/4/1975)   

Từ năm 1977 - 1988, ông là Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Lục quân.

Ông là 1 trong 6 người đầu tiên của quân đội được phong hàm Giáo sư khoa học quân sự.

Giản dị và chỉn chu

Anh Quân cho biết “Ba tôi là một người rất nóng tính, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống hàng ngày, nhưng ông không bao giờ cáu giận vô cớ.

Ông là một người rất nghiêm khắc, nguyên tắc và chỉn chu. Trong gia đình tôi có một số nguyên tắc sống nhất định mà ông dạy dỗ, con cái nhà buộc phải tuân thủ, mà đối với nhiều người có thể thấy đây là những điều khá kỳ lạ.

Bên cạnh việc nhất định phải sống có trên có dưới, phải biết nhường nhịn, ra ngoài đường phải ăn mặc sạch sẽ, chỉn chu, phải lễ phép với người lớn, thì khi ăn chúng tôi không được mặc áo may ô 3 lỗ...”.

Mỗi khi có lễ lạt, ông đều tự chuẩn bị quần áo, là lượt cho thẳng thớm, cài huân huy chương cho ngay hàng thẳng lối. Mỗi khi đi ra ngoài, ông đều ăn mặc chỉnh tề và yêu cầu những người quanh ông cũng phải như thế.

“Hồi ở Học viện Lục quân ở Đà Lạt, các cán bộ chiến sĩ của học viện rất ngại chạm mặt ông ở đơn vị vì nếu ăn mặc lúi xùi thì thể nào cũng bị ông gọi lại và chỉnh đốn tác phong, trang phục” – anh Quân vui vẻ nhớ lại.

Thượng tướng Vũ Lăng sống giản dị, tiết kiệm. Những năm ông làm Viện trưởng Học viện Lục quân ở Đà Lạt, thường xuyên phải đi công tác Sài Gòn bằng đường bộ, lúc đó đường xá đi lại khó khăn phải mất 7 - 8 tiếng nên luôn phải nghỉ chân để ăn trưa dọc đường, nhưng ông không bao giờ ghé hàng quán nào mà thường xuyên mang cơm nắm, muối vừng, thịt dim theo và ghé vào rừng cao su ở dọc đường để nghỉ chân.

Đám cưới của các con, ông cũng yêu cầu phải làm thật tiết kiệm và giản dị. Riêng khách của ông - chỉ có vài cán bộ thân thiết ở Học viện - ông mời đến nhà ăn cơm thân mật chứ không mời ra nhà hàng.

Nóng tính nhưng rất tình cảm, điều này đồng đội ngoài chiến trường còn cảm nhận được, nên những người trong nhà càng đặc biệt thấm thía điều này. “Ba tôi rất chiều và nhường nhịn phụ nữ, ông luôn có một sự ưu ái dành cho mẹ tôi, chị tôi nói riêng trong gia đình và những người phụ nữ khác ngoài xã hội”.

{keywords}

Thượng tướng Vũ Lăng và vợ con trước khi đi Chiến dịch Tây Nguyên

Uy tín không phải để mưu lợi cá nhân

“Ba tôi không bao giờ bắt anh chị em chúng tôi phải trở thành ông này bà nọ, chỉ đơn giản là học hành cho tốt để lớn lên ra đời có một công ăn việc làm tốt và đóng góp công sức cho xã hội và đất nước” – anh Quân cho biết. “Nhưng ông luôn yêu cầu anh chị em chúng tôi cũng phải sống tốt, yêu thương lẫn nhau trong gia đình và sống có ích cho xã hội, không được làm điều gì sai trái để ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình. Và đặc biệt, ông không cho phép bất cứ ai trong gia đình lợi dụng uy tín, tên tuối của ông để làm việc sai trái, mưu lợi cá nhân”.

Nguyên tắc này được ông áp dụng triệt để, từ những việc tưởng như vô cùng nhỏ.

Mặc dù bố làm giám đốc học viện, nhưng anh Quân nói rằng mình chưa bao giờ được hưởng đặc quyền đặc lợi nào, vì ông không bao giờ cho phép con cái làm điều đó hay tự làm điều gì trái nguyên tắc chung.

“Hồi đó, học viện hay tổ chức chiếu phim, mỗi khi có phim gì mới là chiếu thành 2,3 đợt. Đợt đầu tiên luôn dành cho cán bộ trung cao cấp, sau đó mới đến hạ sĩ quan, chiến sĩ và gia đình. Lúc đó trên Đà Lạt bắt vô tuyến là một chuyện rất khó, do vậy mỗi khi có phim là trẻ con tụi tôi rất háo hức, đứa nào cũng muốn xem ở đợt đầu và tìm mọi cách để làm điều đó.

Với tôi thì chưa bao giờ được hưởng sự ưu ái đó. Xin ba cho đi theo thì ông bảo “Thôi, không nên, như thế thì không hay, chịu khó đợt đến lượt chiếu của mình thì hãy đi xem cho đúng quy định”.

Hay là có thời gian, buổi chiều sau khi đi học về, tôi có tham gia sinh hoạt văn hóa ở nhà văn hóa thiếu nhi thành phố ở cách nhà khoảng 5 – 6 km, mỗi tuần 3 buổi. Lúc đó tôi thường xuyên phải lội bộ đi hay thỉnh thoảng đi ké xe đạp của bạn. Chú lái xe của ba có cái xe đạp để không và sẵn sàng cho mượn nếu được hỏi, nhưng ba tôi không cho phép tôi hỏi mượn. Ông lấy lý do là đường Đà Lạt đèo dốc nguy hiểm, không muốn cho tôi tự đạp xe.

Lúc đó còn bé nên tôi không hiểu, nghĩ là ông khó khăn, nhưng sau đó dần dần mới hiểu ra lý do thật sự là ông không muốn bị mang tiếng dùng quyền uy của mình để mượn cho con một món đồ, lúc đó là một tài sản không nhỏ đối với người lính.

Có lần, ông được mời qua Campuchia chơi. Ông đưa mẹ tôi đi theo cùng vì mẹ tôi chưa bao giờ được đi nước ngoài, hơn nữa mẹ tôi được sinh ra ở Campuchia (mặc dù là người Hà Nội) nên cũng là dịp để đưa mẹ tôi quay lại nơi chôn nhau cắt rốn. Chị tôi cũng xin theo nhưng ông nói rằng người ta chỉ mời ba mẹ. Cho dù lúc đó chú chủ nhiệm hậu cần của học viện có nói rằng đưa chị tôi và tôi theo cũng sẽ thu xếp được, nhưng ông vẫn không đồng ý”.

{keywords}
Thượng tướng Vũ Lăng và gia đình dịp Tết năm 1985

Nước mắt người cha sau trận đòn roi

Anh Vũ Quân chia sẻ một kỷ niệm, thể hiện một cách sâu sắc nhất con người  nghiêm khắc, nhưng giàu tình cảm của Thượng tướng Vũ Lăng.

“Vào cuối năm 1979, đầu năm 1980, lúc đó cả nhà tôi đã chuyển vào Sài Gòn để sinh sống, chỉ còn mình tôi ở lại Hà Nội cùng với một người anh họ vì đang giữa năm học. Trong một chuyến công tác ra Hà Nội, ông có nghe dì của tôi kể lại một vài chuyện mà tôi gây ra, nói dối hay gì đó tôi không còn nhớ nữa, nhưng đó là một lỗi rất nặng đối với ông. Sau khi nghe chuyện, ông đã gọi tôi vào để nói chuyện, và ông đã không giữ được bình tĩnh, đánh tôi vài roi.

Đây là lần đầu tiên tôi bị ông đánh nên cảm thấy rất ấm ức. Đến đêm, khi đi ngủ, ông ra nói với tôi là “Quân vào ngủ với ba”. Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên vì ba tôi chưa bao giờ làm vậy, với lại cũng đang ấm ức vì bị đánh lúc chiều nên vùng vằng mãi mới chịu vào.

Khi lên giường tắt đèn đi ngủ, ông kéo tôi vào lòng, ôm lấy tôi khóc và nói “Ba xin lỗi con, chiều nay ba nóng quá, không kiềm chế được nên đã đánh con”.

Câu chuyện này chỉ có 2 ba con biết với nhau cho đến tận ngày ông ra đi. Mỗi khi nhắc đến chuyện này, tôi lại rơm rớm nước mắt”.

Đầu năm 1988, khi tình hình sức khỏe không được tốt, Thượng tướng Vũ Lăng thường xuyên phải nằm bệnh viện để điều trị. Các con thay nhau vào thăm và mang đồ ăn cho ông tẩm bổ thêm.

Anh Quân nhớ lại, “Năm đó tôi đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3 (nay là THPT) và thi đại học nên không vào thăm ông thường xuyên được. Có những lúc vài ba ngày liên tục, không thấy tôi vào, ba hỏi anh rể tôi “Sao mấy ngày nay không thấy thằng Quân vào? Nó bận học hay giận dỗi gì ba do ba mắng nó hôm nọ? Mà không biết dạo này nó học hành thế nào nữa?”…

Sau đó ông ra Hà Nội nằm ở Bệnh viện Quân y 108, rồi sang Liên Xô chữa bệnh. Tôi nghe kể lại là khi được tin tôi không có kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp, ông đã rất buồn và nói với mẹ tôi rằng “Nhà còn mỗi thằng Quân là bé nhất, các anh chị nó đều đã có gia đình và công ăn việc làm ổn định, em cố gắng để ý, quan tâm chăm sóc dạy dỗ cho nó nên người”.

“Mỗi khi dạy bảo anh chị em chúng tôi, mẹ thường lấy ba ra để làm gương và khuyên bảo. Là con của một vị tướng nên anh chị em chúng tôi cũng bảo ban nhau để sống cho xứng đáng với tên tuổi của ông. Tôi luôn nhìn vào những điều ông đã làm để mà điều chỉnh cuộc sống và cách đối nhân xử thế của riêng mình”.

Thế nhưng, với anh Quân thì nhiều lúc, điều này cũng là một áp lực cho các anh chị em trong gia đình, vì làm điều gì đó cũng phải để ý để không bị mang tiếng tới thanh danh của ông”.

“Có thể nói rằng anh chị em chúng tôi chưa làm bất cứ một điều gì để mọi người có thể dèm pha dè bỉu kiểu con tướng mà lại thế này thế nọ” – anh Quân khẳng định và bồi hồi nhớ lại một thời học trên Đà Lạt đã có những suy nghĩ khá bất mãn.

“Các thầy cô và bạn bè biết tôi là con một vị tướng, lại là người thành phố nữa, nên dù tôi mới chân ướt chân ráo vào trường đã được tín nhiệm giao cho làm nhiều việc. Lúc đó, tôi cũng thấy bối rối vì nhiều việc hơi quá sức, nhưng đã phải cố gắng mà hoàn thành tốt, học hành cũng phải gắng hết sức để thầy cô và bạn bè không chê cười. Vậy nên lắm lúc tôi thầm nghĩ, có khi không phải là… con của tướng thì sẽ thoải mái hơn”.

"Lính 2 râu sờ râu tư lệnh" 

Thượng tướng Vũ Lăng chỉ để râu trong các chiến dịch, khi ông không có đủ thời gian để cạo râu vì quá bận bịu với công tác tổ chức, hay là chiến dịch ác liệt quá nên phải tập trung toàn bộ công sức cũng như thời gian vào đó. Còn khi ở nhà hay lúc công tác ở Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu cũng như sau này ở Học viện, ông đều cạo râu nghiêm chỉnh, đúng như tác phong của ông.

Có 1 câu chuyện do Thiếu tướng Hồ Đệ, nguyên sư trưởng sư đoàn 10 trong chiến dịch Tây Nguyên kể lại như sau:

Sau khi giải phóng TP. Ban Mê Thuột thì sư đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ mới, trong đó có ghi là phó Tư lệnh chiến dịch Vũ Lăng sẽ đến để làm việc cụ thể về nhiệm vụ với sư đoàn.

Ngày 27/3, anh Vũ Lăng đến địa điểm tập kết của sư đoàn. Xa nhau khoảng 1 tháng mà trông anh khác hẳn, gầy đi nhiều. Dọc đường hình như quá vội nên anh ngồi bờ suối, vừa rửa mặt, chân tay và cạo râu vừa liên tiếp hỏi tôi tình hình. Nhìn anh tôi cứ nghĩ "Quái, ông này râu gì mà cứng thế, mỗi lần cạo như thế này tốn bao nhiêu dao cạo và phải thay mấy lần?". Tôi hỏi "Mỗi lần không kịp cạo râu, anh có khó chịu lắm không?", anh trả lời "Cũng hơi khó chịu".

Rồi anh nói luôn "Đấy, vừa rồi trên đường đi bộ vào đây, lính của cậu gặp tớ, đã mắng tớ "Này bố già ơi, đất này là của bọn trẻ, ông già rồi còn vào đây làm gì, về mà ngủ đi. Ông khinh bọn trẻ này không làm được trò trống gì nên mới mò đến đây à?", rồi anh ta còn sờ râu tôi nữa chứ". Tôi trả lời 'Thôi anh thông cảm, chỉ có lính sư đoàn 10 mới dám đến sờ râu Phó Tư lệnh như thế, có lẽ anh găp lính trung đoàn 66 rồi, ngày xưa đói ăn, thiếu rau, nhạt muối, khi đi qua vườn rau của dân, liền nhổ sạch, còn để lại mạnh giấy viết mấy chữ "Mượn tạm, trả sau", chấn chỉnh mãi mới thôi, được phong là đơn vị anh hùng nên có bớt sai phạm đi đấy".

Sau này giai thoại này được nhắc tới dưới tên "Lính 2 râu (tên của trung đoàn 66) sờ râu tư lệnh".

Chi Mai ghi

Xem thêm: