- Bàn về sự việc lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động các giáo viên tham gia tiếp khách cho các sự kiện, hội nghị của địa phương, nhiều độc giả cho rằng lãnh đạo địa phương chưa thực sự chuyên nghiệp.


Cần làm rõ tham gia lễ tân hay tiệc rượu?

Độc giả Minh Hoàng cho rằng chuyện cử giáo viên đi tiếp khách “chẳng có gì ghê gớm”. “Chúng tôi điều động cả nhân viên Sở Xây dựng đi tiếp khách đây. Lợi cả đôi đường, góp phần tạo dựng hình ảnh và xây dựng quê hương”.

Hay như một độc giả tự xưng là PGS, TS, giảng viên một học viện cũng cho rằng “hãy nghĩ mình làm có ích cho xã hội, có lợi cho dân cho nước thì sẽ thấy thoải mái”. “Còn nếu nghĩ rằng mình là giáo viên, chỉ phù hợp cho việc đứng trên bục giảng thì cần phải xem lại nhận thức của mình. Tôi là đại tá, PGS. TS, giảng viên của một học viện nhưng khi được giao nhiệm vụ đi phiên dịch cho một khoá tập huấn với chuyên gia nước ngoài gồm sĩ quan sơ cấp, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan tôi vẫn vui vẻ thực hiện. Vợ tôi nghe một số người kích động đã về cằn nhằn tôi nhưng tôi đã giải thích rằng đây là nhiệm vụ trên giao thì phải gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Bác Hồ cũng đã dạy đại ý là: "Dù là người đầu bếp hay kỹ sư nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ đều vẻ vang như nhau".

Tuy nhiên, nhiều độc giả phản đối ý kiến này và cho rằng hai độc giả trên chưa hiểu rõ sự việc. “Chỉ có tiếp khách làm nhiệm vụ lễ tân hay hát hò trong các ngày lễ trọng đại của ngành giáo dục thì không sao nhưng phục vụ các ban ngành khác thì không nên, vì nhiệm vụ chính của các thầy cô là dạy học. Chứ cứ ngày hội họp của ban ngành nào thầy cô cũng tham gia thì nghề dạy chỉ là phụ mà thôi, dẫn đến mọi người nghĩ sai về hình ảnh thầy cô” – chị Hồng Hà nêu ý kiến.

“Việc điều động giáo viên tham gia sự kiện lớn thì cũng bình thường nhưng nếu lợi dụng để điều động tham gia tiệc rượu, karaoke... thì thật quá. Bản chất vấn đề cần làm rõ” – là quan điểm của chị Phương Mai.

“Điều động tiếp khách vào ban ngày thì không nói. Ở đây các ông điều động vào ban đêm, tiếp rượu bia quan khách, rồi karaoke này nọ. Rượu vào hành động ra, gia đình tan nát…”

Cùng quan điểm, anh Lê Quang nhận xét: “Lễ tân rót nước thì được, còn bắt giáo viên nữ đi tiếp rượu thì không được. Sao không điều nhân viên nam?”

“Tiếp khách không bao hàm ăn uống bia rượu, karaoke thì được. Chứ có bia rượu vào, không kiểm soát được hành vi dẫn đến việc bá vai bá cổ nữ cán bộ, giáo viên là không được”.

Giáo viên đi tiếp khách là thiếu chuyên nghiệp

Độc giả tên Giang cho rằng chỉ đạo của địa phương này “không chuyên nghiệp chút nào”. “Sở Ngoại vụ, Sở Văn hoá, du lịch đâu, sao không cử người đi. Họ chuyên nghiệp hơn nhiều. Tại sao lại cứ để ngừoi ngành nọ làm việc của ngành kia vậy? Nếu thiếu người như vậy, chi tiền ra mà thuê các công ty tổ chức sự kiện làm cho....!”

Trong khi đó, anh Nam Hải đặt câu hỏi: “Hàng năm ngân sách Nhà nước đều cấp cho các ông chuyện tiếp khách đoàn ra đoàn vào, khi có sự kiện các ông đều lập dự trù kinh phí xin tỉnh và một số nơi hỗ trợ! Vậy thì cớ gì các ông điều động nhà giáo đi tiếp khách? Thật phản cảm!”

“Theo tôi việc điều động này là sai và lạm dụng các cô giáo, điều đi làm một nhiệm vụ khác với chức trách của mình (để không phải trả tiền lương thuê nhân công). Khi tổ chức một sự kiện thì nếu có tiền thuê luôn công ty, nếu mình tự tổ chức thì phải hạch toán và nếu thiếu nhân lực thì thuê nhân công thời vụ” – ý kiến của chị Thu Hương.

Theo anh Hữu Trần, các lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh nên đọc lại Luật Viên chức và Bộ Luật Dân sự để hiểu thêm về Hợp đồng lao động của giáo viên. “Không có điều khoản nào lãnh đạo được phân công công việc không đúng chuyên môn cho người lao động. Đó chưa nói là nghề giáo viên mà làm tiếp viên ảnh hưởng đến hình ảnh, đạo đức của nghề giáo viên”.

Ngoài ra, độc giả Mạnh Trường còn góp ý cho lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh: “Muốn thu hút các nhà đầu tư, ông Hỗ nên làm thế nào để thủ tục hành chính khỏi rườm rà, cơ chế thông thoáng, thuế thấp, giao thông thuận tiện... thì may ra nhận được các cam kết đầu tư hơn là cử mấy cô giáo viên có ngoại hình đẹp đi hầu rượu. Khả năng gia đình họ bất ổn cũng có thể từ đây”.

  • N. Thảo (tổng hợp)