- Đưa những nhân vật thời sự vào đề thi không còn là một việc quá mới lạ. Cái “lạ” của của Hải Phòng là đưa 2 nhân vật Ngọc Trinh và Bà Tưng vào đề thi học sinh giỏi văn gây tranh cãi.

{keywords}
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 của TP. Hải Phòng

Sự kiện em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) hy sinh khi dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều 30/4 đã vào đề thi tốt nghiệp THPT môn văn năm 2013 vừa qua. Đề thi này đã nhận được rất nhiều sự khen ngợi từ cả học sinh, phụ huynh đến giáo viên.

Tuy nhiên, với trường hợp Huyền Anh và Ngọc Trinh, không khỏi có ý kiến băn khoăn.

Cô Trương Ngọc Bích, nguyên giáo viên văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội): ưa “tiến bộ xã hội” đi cùng “ước mơ đại gia của cô gái trẻ” là khiên cưỡng"

Tôi không hiểu tại sao lại ra đề thi vào một vấn đề không mang tính bao quát, không đại diện cho thế hệ trẻ như vậy?

Xu hướng của những người đẹp hiện nay không phải đại diện cho tất cả. Hơn nữa, đưa “tiến bộ xã hội” đi cùng “ước mơ đại gia của cô gái trẻ” là khiên cưỡng. Nên chăng đặt vấn đề “ý chí tiến thủ của thanh niên” thay cho “tiến bộ xã hội” sẽ rõ ý hơn.

Đề mở hiện nay ra rất nhiều. Đề mở sẽ là mảnh đất rộng lớn để học sinh vùng vẫy nếu như các em nắm vững vấn đề. Với đề thi này, tôi e rằng các em sẽ khó nói thật những suy nghĩ bị xem là trái chiều. Nếu nói thật thì sao, hội đồng chấm sẽ xử lý như thế nào?

Ông Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều: "Nên có đề thi thế này..."

Với 43 năm dạy văn và nhiều năm làm trong hội đồng thi môn văn các cấp ông nhận xét: Mọi người lâu nay vẫn quen theo kiểu chính đề, đưa câu nói, nhận định của các nhân vật nổi tiếng. Cũng bày tỏ suy nghĩ, phân tích… nhưng theo hướng ủng hộ là chính.

Còn đề thi này là phản đề, một đề thi hơi lạ. Sẽ có một bộ phận cho rằng tại sao hai nhân vật này lại được đưa vào đề thi, cho dù là để lên án”.

Nên có đề thi như thế này để thí sinh thể hiện đúng năng lực. Đề thi thuận chiều cũng có thể đánh giá được, nhưng phản đề đòi hỏi ở thí sinh nhiều hơn sự sâu sắc, kiến thức, trình bày...

Nói cho cùng, ở đề thi này, đây là vấn đề giới trẻ đang quan tâm, khi các em chuẩn bị bước vào cuộc sống. Đây là vấn đề của cuộc sống tương lai, mong ước được sống khá hơn, giàu có hơn là suy nghĩ của tất cả mọi người. Bài nào xuất sắc là bài nói ra được mong muốn này. Nhưng cũng phải mổ xẻ được cái sai ở chỗ nào.

Nếu để tránh bị phản đối, người ra đề có thể đưa câu nói mà không cần đưa tên nhân vật nói vào.

So sánh giữa phản đề với chính đề thì khi nhận được phản đề thí sinh lập tức phải cân nhắc, xem xét, tìm những lý lẽ phản bác, không thể bày tỏ thái độ theo kiểu em sẽ theo gương, ủng hộ… như ở chính đề

Đây là đề mở phù hợp với thi học sinh giỏi. Còn đối với kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh, ra đề mở như thời gian qua là phù hợp, vì còn phải tính đến yếu tố trình độ học sinh của các vùng miền có khác nhau.

Một số đề mở môn ngữ văn ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh thời gian qua.

Sở GD-ĐT Hải Dương đề thi chọn HSG cấp tỉnh năm 2012 – 2013 có một câu 3,0 điểm yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về quan niệm sống sau đây của Ra-bin-đra-nát Ta-go: “Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương/ Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát”.

Sở GD-ĐT Nghệ An cũng trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh năm 2012 – 2013 còn ra một đề thi mở… mênh mông, với một câu 8/20 điểm chỉ vỏn vẹn 4 chữ: “Phía sau lời nói dối...”. Câu 2 (12 điểm) cũng để cho học sinh tự do không kém: “Mỗi bài thơ hay là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, có khả năng làm sống dậy trong lòng người đọc những liên tưởng phong phú. Cảm nhận của anh/chị về một bài thơ như thế”.

Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh năm 2012 – 2013 có câu hỏi 8,0 điểm: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của A-mo-ni-mus: "Con đường gần nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó".

Sở GD-ĐT Long An ra đề thi chọn HSG lớp 12 cấp tỉnh năm 2011: Có nhận định cho rằng: Người trẻ hiện nay “xấu xí”. Hãy viết bài văn trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định trên.

  • Chi Mai