- Trao đổi với VietNamNet về câu chuyện đang thời sự hiện nay - đánh giá học sinh - ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, suốt một thời gian dài, hầu hết giáo viên có thói quen đánh giá HS bằng điểm số, khiến mọi người vô tình chỉ quan tâm đến khâu cuối cùng là ghi nhận kết quả, mà bỏ lơ quá trình dẫn đến kết quả đó.

Thông tư 30 về đánh giá học sinh (HS) được xem là đổi mới của giáo dục tiểu học. Thậm chí, ngày văn bản này có hiệu lực (15/10), một chuyên gia nói vui "Đây là ngày lịch sử của giáo dục tiểu học". Thưa ông, thực ra quy định này "mới" đến đâu?

Ông Phạm Ngọc Định: Trước khi có Thông tư 30, việc đánh giá HS tiểu học được thực hiện theo Thông tư 32. Thông tư 32 cũng yêu cầu giáo viên đánh giá HS cả bằng điểm số và nhận xét.

Để hiểu rõ hơn, tôi xin chia sẻ thế này.

{keywords}

Ông Phạm Ngọc Định: "Nếu hiểu là "mới hoàn toàn" thì không phải, mà là yêu cầu giáo viên làm hết trách nhiệm". Ảnh: HA

Về khái niệm "đánh giá", thông tư cũ chỉ quy định đánh giá kết quả cuối cùng mà HS đạt được nên tác dụng giúp đỡ HS hạn chế. Còn Thông tư 30 coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của HS. Khái niệm "đánh giá" theo Thông tư 30 có nhiều nội dung hơn, nhất là việc yêu cầu giáo viên giúp đỡ kịp thời HS, hướng dẫn HS biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn, khuyến khích phụ huynh đánh giá HS.

Theo cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, giáo viên cần vận dụng linh hoạt, bằng lời nói hoặc là viết. Điều quan trọng là dựa vào mục tiêu bài học để đối chiếu sản phẩm đạt được của HS với chuẩn kiến thức, kỹ năng. Khi nhận xét, có thể viết vào vở hoặc phiếu HS, viết vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, thay cho sổ điểm trước đây.

Nếu hiểu là "mới hoàn toàn" thì không phải. Thực ra là trước đây đã có quy đinh, nhưng do chưa làm hết trách nhiệm công việc này, nay vì lợi ích của HS, nâng cao chất lượng giáo dục thì cũng nên yêu cầu giáo viên làm hết trách nhiệm.

Thời đi học của nhiều phụ huynh,việc đánh giá bằng cả nhận xét và điểm số là chuyện đương nhiên. Về sau này, truyền thống nhận xét kèm cho điểm mất đi, chỉ cho điểm, còn "bay" lời nhận xét. Theo ông, đấy là vì sao?

Tôi thử lý giải thế này. Theo quan niệm cũ, "đánh giá" nghĩa là phân loại xếp hạng. Còn bây giờ, "đánh giá" là đi theo sự tiến bộ của từng học sinh, để giúp mỗi một em phát triển thành chính mình. Nếu dùng thuần điểm số thì hạn chế. Có thể là mình chưa thoát được quan niệm "đánh giá nghĩa là so sánh, xếp hạng, phân loại".

Kết quả học tập của học sinh lớp 1 cả nước năm học 2013 – 2014 vẫn đảm bảo như năm học trước, có phần cao hơn năm học 2012 – 2013, cụ thể, Tiếng Việt: Khá, giỏi 83,3%, trung bình 13,6%; yếu 3,1%; Toán: Khá, giỏi: 86,0%, trung bình 11,5%, yếu : 2,5%.

Việc đánh giá bằng nhận xét bắt đầu được áp dụng đối với các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Thủ công, Kỹ thuật, Tự nhiên - Xã hội từ năm học 2009-2010 theo thông tư số 32; riêng 2 môn Toán, tiếng Việt được đánh giá kết hợp cho điểm định kỳ và nhận xét quá trình.

Từ năm học 2012-2013, Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã triển khai đổi mới đánh giá học sinh theo cách này.

Năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã áp dụng cách làm này đối với học sinh lớp 1 trên cả nước và kết quả rất khả quan.

Dù sao, những thời điểm kể trên, chúng tôi vẫn chưa dám thay đổi mạnh, mà xác định dần dần. Đến Thông tư 30 là thay đổi hơn nữa, vì những bất cập của việc "thượng tôn" điểm số là khá lớn.

Nhiều người quan tâm tới giáo dục cũng nhân thấy tính tiến bộ trong tư tưởng của Thông tư 30. Thế nhưng giáo viên, rồi phụ huynh đều có phản ứng. Cũng có lý do người ta mới phản ứng như thế. Chẳng hạn tuy có tiến bộ nhưng lại không tương thích với điều kiện dạy học ở Việt Nam?

Các bạn thử phân tích xem, tại sao thông tư chưa thực hiện, đã có những biểu hiện đối phó như khắc dấu hàng loạt. Liệu anh em giáo viên đã nhiệt tâm tìm hiểu để nắm bắt hết tinh thần của quy định mới hay chưa?

Mọi thứ đang theo nếp cũ, bây giờ yêu cầu thay đổi thì phản ứng là không tránh khỏi.

Thực ra, tôi cũng chia sẻ những phản ứng của anh em những ngày qua. Vấn đề có thể ở khâu quản lý cấp dưới, quen thủ tục hành chính, áp dụng một cách máy móc. Quản lý dưới móc quá thì giáo viên khổ.

Lường trước những điều này, mấy năm nay, trong các hướng dẫn năm học, Bộ GD-ĐT đã trao quyền chủ động cho giáo viên, hiệu trưởng.

Ví dụ, nhà trường phải xây dựng kế hoạch phát triển riêng. Trong quá trình dạy, giáo viên được quyền điều chỉnh nội dung cho phù hợp, chứ không phải nhất nhất như trước đây.

Một cái máy móc nữa, ở chính bản thân giáo viên, hiểu rằng "đánh giá bằng nhận xét" có nghĩa "cái nào cũng phải viết", trong khi, với nhiều hoạt động học tập, giáo viên quan sát rồi góp ý, trao đổi, khích lệ hoặc tư vấn với học sinh luôn, thế là xong.

Rồi trước đây có sổ điểm, còn bây giờ thay bằng sổ theo dõi chất lượng, hay còn gọi là nhật ký giáo dục. Anh em cũng hiểu nhầm là HS nào cũng phải viết, đánh giá, viết vào sổ theo dõi. Trong khi đó, chỉ nhận xét những điểm nổi bật, những điều cần lưu ý và những biện pháp để giúp HS hoàn thành tốt, hay kích thích các em học giỏi hơn.

Sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có công văn gửi các sở, yêu cầu giảm bớt thủ tục hành chính, gánh nặng sổ sách cho giáo viên.

{keywords}

Mang lại niềm vui, hứng thú cho các em, tạo động lực cho các em yêu thích việc học- mới là cái đích quan trọng. Ảnh: HA

Ngoài thầy cô, không ít phụ huynh cũng phản ứng sự thay đổi này?

Trong chương trình "Chuyện đương thời" mới đây bàn về Thông tư 30, các khách mời là HS tiểu học đều nói học vì điểm, vì bố mẹ.

Lâu nay, nói đến "đánh giá HS", chúng ta nghĩ ngay đến điểm số. Câu hỏi cửa miệng của cha mẹ khi đón con ở trường về là "Hôm nay con được mấy điểm?". Vô tình, chúng ta chỉ quan tâm đến khâu cuối là "ghi nhận kết quả", mà chưa quan tâm đúng mức tới "quá trình dẫn đến kết quả".

Một thời gian dài, giáo viên có thói quen đánh giá bằng cách cho điểm, thậm chí chẳng có lời phê, chẳng sửa sai. Đánh giá theo Thông tư 30 là "coi trọng chất lượng thực sự của HS" chứ không phải điểm số đạt được. Quan trọng hơn, mang lại niềm vui, hứng thú cho các em, tạo động lực cho các em yêu thích việc học.

Ở đây, hiểu cho đúng bản chất thì không sợ sai.

Mục tiêu của đổi mới giáo dục là phát triển năng lực và phẩm chất. Cái làm nên "năng lực và phẩm chất" là nội dung học tập.

Làm thế nào để HS hứng thú với nội dung học tập? Thì phải tổ chức dạy học sao cho hấp dẫn, mà đánh giá bằng nhận xét là một phương thức thúc đẩy.

Có thể hiểu, Thông tư 30 còn có mục đích yêu cầu phụ huynh phải quan tâm hơn tới con mình?

Đúng. Có người nói, cái này cũng nhắc nhở phụ huynh quan tâm hơn.

Một vài khảo sát ngẫu nhiên có sự tương đồng. Trên VietNamNet, hơn 75% bạn đọc vẫn chọn phương án "đánh giá thường xuyên bằng điểm số" , ở chương trình "Chuyện đương thời" của VTV con số này 76%, và trên báo Tuổi Trẻ Online thì khoảng ¾ vẫn ủng hộ điểm số. Vậy những người làm chính sách phản ứng thế nào khi tỉ lệ không đồng thuận quá lớn?

Trước hết, phải nói tới bản chất của vấn đề . Làm thế nào để vì quyền lợi của học sinh, đó là điều mà người làm chính sách hay cô giáo thầy giáo phải quan tâm nhất. Phụ huynh người ta cũng quan tâm vì lợi ích của con người ta.

Quan điểm của mình, vẫn tiếp tục làm vì lợi ích của học trò. Còn những điều gì cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, ví dụ như về thủ tục hành chính phải cương quyết bỏ. Chuyện các cô giáo phải ghi để đối phó về quản lý, là cách làm hình thức thì không cần thiết. Ngay một việc đó thôi, để giải phóng cho giáo viên, anh em quản lý ở sở, phòng, rồi hiệu trưởng phải có tinh thần hợp tác và hỗ trợ giáo viên, chứ áp đặt, rồi bắt bẻ, phê bình là không được rồi.

Như tôi đã nói ở trên, đánh giá bằng nhận xét là công việc là công việc thường xuyên, hàng ngày rồi, bây giờ giáo viên phải làm trách nhiệm hơn nữa.

Cứ kêu gọi, rồi mong muốn đổi mới chất lượng giáo dục, thay đổi cách đánh giá là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng. Nếu không làm thì đến bao giờ mới làm đây?

Có thể do hiện nay công việc của giáo viên đang nhiều quá. Ông thấy có cần phải rà soát lại xem công việc của giáo viên đang nhiều quá không?

Có chứ. Tới đây chúng tôi sẽ thành lập nhóm công tác chuyên trách về "đánh giá bằng nhận xét", trong đó, có nội dung xem cường độ lao động của giáo viên thế nào. Hiện nay theo quy định, giáo viên dạy không quá 23 tiết/tuần.

Mình không né tránh, tức là không làm việc gì, còn cứ "giữ mình" thì làm sao thay đổi được.

Cũng là 23 tiết mỗi tuần, nhưng cô giáo dạy 35 HS/lớp khác với cô giáo dạy 50 - 60 HS/lớp. Khi rà soát cường độ, giáo viên căng thẳng quá, Bộ GD-ĐT cũng phải có kiến nghị bên Bộ Nội vụ về chính sách cho giáo viên?

Từ quan điểm "dạy lớp có 35 HS" sang "dạy 35 HS một lớp" là hai cái khác nhau đấy.

Tức là trước đây, dạy lớp có 35 HS hay bao nhiêu, thì thầy cô cứ thao thao bất tuyệt, không cần biết đến ai, dạy đồng loạt. Còn giờ dạy 35 HS/ lớp nghĩa là dạy từng em.

Chúng tôi cũng trao đổi với Bộ trưởng là nên đề nghị các Sở GD-ĐT địa phương tham mưu cho chính quyền các giải pháp hỗ trợ lớp học có sĩ số đông như: giáo viên hỗ trợ, rồi hỗ trợ giáo viên ở các lớp có HS đông.

- Tức là không chỉ hỗ trợ bằng người mà còn hỗ trợ bằng tiền nữa?

- Sẽ có ý ấy.

Tôi cũng muốn nói thêm là, bây giờ nhiều cái đổi mới về chỉ đạo lắm, không máy móc như ngày xưa đâu. Nhưng anh em ở dưới vẫn chỉ đạo máy móc lắm.

Bộ có chủ trương "giao quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên" . Điều này khác gì tạo cảm giác bị tước hết mọi công cụ quản lý?

Bây giờ quản lý nó khác. Không dùng quyền lực được. Quyền lực nó chỉ có mức độ thôi. phải bằng kỹ thuật, bằng tất cả những cái gì để giúp cho công việc tốt hơn thôi, chứ cứ áp đặt máy móc thì không thể làm tốt được.

Cảm ơn ông.

  • Hạ Anh