Bằng việc xưng vương trong cuộc thi PISA mới đây, các cô cậu học trò tuổi teen đến từ Trung Hoa đại lục đã trở thành những ngôi sao học thuật thượng thặng trên toàn thế giới. Nhưng đằng sau vầng hào quang chói lọi đó là cái giá phải trả không nhỏ đối với những tâm hồn mới lớn.

Việc các học sinh trung học Thượng Hải đứng đầu trong cuộc thi PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Sinh viên Quốc tế) trong lần đầu tham dự đã khiến cho Phương Tây kinh ngạc và thán phục. Người ta đang nói về sự trỗi dậy mạnh mẽ như một siêu cường giáo dục của Trung Quốc, sau tư cách là siêu cường về kinh tế và chính trị.

Tại Mỹ, giới chức và báo chí dường như chột dạ khi chứng kiến sức mạnh đang trỗi dậy của giáo dục Trung Quốc. Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan kêu gọi công dân Mỹ “thức dậy trước thực tế giáo dục hiện nay”.

Tổng cộng 5.115 học sinh Thượng Hải tuổi vị thành niên đến từ 152 trường học đã tham gia các cuộc thi PISA 2 tiếng đồng hồ mới đây, và ghi điểm cao nhất trong các môn đọc hiểu, toán và khoa học, vượt qua 70 nước đối thủ thuộc khối OECD, kể cả Nauy, nước nổi tiếng là một siêu cường về giáo dục. Đây là lần đầu tiên học sinh Trung Hoa đại lục tham dự một kỳ sát hạch PISA, được coi là thước đo về sự phát triển giáo dục của một nước.


Trong khi dư luận ngoài nước về kết quả cuộc thi là ngạc nhiên và thán phục thì dư luận trong nước là rất hoan hỉ. Tuy nhiên, những thầy trò Thượng Hải bên cạnh việc đáng được ngưỡng mộ thì một số nhà phân tích vẫn có cảm giác xót xa, đắng cay cho các em học trò tuổi vị thành niên.

Đối với những ai am hiểu hệ thống giáo dục của Thượng Hải và Trung Quốc ngày nay thì điều đó không có gì là ngạc nhiên.

Cũng như nhiều quốc gia Châu Á khác như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước có kết quả tốt trong các cuộc thi PISA trước đây, sau suốt chín năm được khổ luyện nghiêm ngặt, các học sinh ở độ tuổi 15 ở Thượng Hải đã trở thành những chuyên gia thi cử chuyên nghiệp.

Trên thực tế, để có kết quả trong một kỳ thi quốc tế hóc búa như PISA, các sĩ tử Trung Quốc đã phải trải qua chín năm liên tiếp sôi kinh nấu sử bằng kỷ luật sắt, thậm chí còn ngặt nghèo hơn nhiều so với cuộc thi vào đại học. Và các em thực sự đã trở thành những cỗ máy thi cử siêu phàm ở bất cứ giá nào.

Và thường thì để đạt được mục tiêu lớn thường phải trả giá rất đắt. Trước hết là niềm vui của tuổi thơ.

Câu chuỵện bắt đầu từ độ tuổi đi nhà trẻ. Khi đó, hầu hết trẻ em Thượng Hải được phụ huynh gửi vào học các lớp học thêm từ toán cho đến tiếng Anh. Ngay từ khi còn bé xíu, những cặp sách nặng trĩu và khối lượng bài tập về nhà khổng lồ, việc vui chơi giải trí là quá xa xỉ đối với các em. Thậm chí việc đi ngủ đủ giờ cũng là một khái niệm xa lạ.

Nếu bạn đến một khu dân cư ở Thượng Hải vào dịp cuối tuần, bạn sẽ thấy rất hiếm trẻ em vui chơi ở đây. Những lớp học thêm và hàng tấn bài tập về nhà khiến các em liên tục phải thức rất khuya để làm.

Trong khu dân cư Flushing ở New York, một khu phố người Hoa lớn, tình hình cũng không khá hơn. Trong số hàng trăm, đôi khi hàng nghìn đứa trẻ hồn nhiên vui chơi trong hàng tá sân chơi thể thao ở khu Flushing Meadows sau giờ tan học hay dịp cuối tuần, chỉ có vẻn vẹn vài em nhỏ Trung Quốc.

Học sinh Thượng Hải ngày nay được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt hơn và có mức sống cao hơn. Tuy nhiên, tuổi thơ của các em, bị thống trị bởi những kỳ thi và các lớp học, mất đi niềm hạnh phúc lớn lao được trải nghiệm cuộc sống, được vui chơi, được nuôi dưỡng tâm hồn. Các em phải chịu một cuộc sống tinh thần nhiều mất mát, nếu không muốn nói là rất bất hạnh, so với thế hệ cha mẹ, những người lớn lên trong thiếu thốn vật chất nhưng ngập tràn những ký ức đẹp đẽ trong tâm hồn.

Khi người Phương Tây khâm phục các học sinh Thượng Hải với màn trình diễn ngoạn mục tại kỳ sát hạch PISA vừa qua, thì cụm từ “các cỗ máy thi cử vĩ đại” đã trở thành một thuật ngữ châm biếm, ngụ ý rằng các sĩ tử Trung Quốc xuất sắc trong các bài thi nhưng yếu kém về năng lực tưởng tượng và sáng tạo.

Làm sao bạn có thể trở nên giàu tưởng tượng và sáng tạo khi tất cả những gì bạn được yêu cầu là nhớ lại những gì các giáo viên và sách giáo khoa đã dạy, khi bạn được dạy rằng chỉ có một câu trả lời đúng cho một câu hỏi, và khi các thầy giáo coi mình là hiện thân của chân lý tuyệt đối, nghiêm cấm việc phản biện hay tranh luận học thuật?

Tư duy phản biện, rủi thay, chưa bao giờ là một phần trong hệ thống nhà trường Trung Quốc.

Đó có lẽ là lý do tại sao ngày càng nhiều phụ huynh trong nước bất mãn và bất hợp tác với hệ thống giáo dục của nước này. Thay vào đó, họ gửi con em của mình đi học ở nước ngoài.

Khi du học tại những nước như Mỹ, sinh viên Trung Quốc luôn cảm thấy hào hứng và say mê với phương pháp giáo dục mở tại đây. Các trường học ở Mỹ luôn luôn khuyến khích sinh viên tư duy cởi mở, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ rào cản, luôn được thoải mái  đặt câu hỏi phản biện và thách thức học thuật với giáo viên. Năng lực tư duy phản biện được trang bị từ nhỏ được coi là một điều kiện thiết yếu đối với bất kỳ công dân nào muốn thành công về sau, trong học tập lẫn trong sự nghiệp và cuộc sống khi trưởng thành. Điều đó, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là yếu tố giúp Hoa Kỳ vượt xa Trung Quốc về số lượng và chất lượng các phát minh cải tiến với một khoảng cách không dễ gì đuổi kịp như hiện nay.

Người ta không chắc rằng vầng hào quang chói lói trong cuộc thi PISA của các cô cậu học trò tuổi 15 đến từ Thượng Hải có bù đắp được những mất mát mà các em phải gánh chịu hay không. Có lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này.

Trung Quốc cần một cuộc cách mạng lớn về tư duy giáo dục. Sự lớn mạnh của Trung Quốc có bền vững hay không, và tương lai của quốc gia này có giàu triển vọng hay không, trông chờ vào việc thế hệ con cháu nước này có biết tư duy một cách độc lập, phản biện và sáng tạo hay không. Sứ mạng dân tộc đó không thể đựợc hoàn thành với những bộ óc được đào tạo trở thành những cố máy thi cử.

  • Lam Sơn Lê (Tổng hợp từ Internet)