Trường dân lập nhưng được tổ chức Công đoàn đầu tư vốn

Theo tài liệu của PV Báo Lao Động, tiền thân của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (tên tiếng Anh: Ton Duc Thang University - TDTU) là Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định số 787-TTg ngày 24.9.1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do LĐLĐ TPHCM sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng Quản trị nhà trường do Chủ tịch LĐLĐ TP thời đó làm chủ tịch.

Trường có nhiệm vụ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho giai cấp công nhân thành phố, phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu CNH- HĐH, góp phần đào tạo nhân tài, nhân lực, thực hiện nghiên cứu để phục vụ hệ thống sản xuất, xã hội ở TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Cũng cần nói rõ, sở dĩ có chữ “dân lập” trong tên trường dù chủ trương thành lập lẫn bộ máy nhân sự hoàn toàn là người của LĐLĐ TPHCM, là bởi lúc đó trên địa bàn thành phố (TP) đã có nhiều trường ĐH công lập, Chính phủ không cho mở thêm trường công lập. Và tiếng là trường dân lập nhưng kể từ khi mới đi vào hoạt động, Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng đã được LĐLĐ TPHCM cấp nhiều kinh phí, cũng như tạo điều kiện tối đa để hoạt động. Vốn thành lập trường 500.000.000 đồng - cũng là kinh phí của LĐLĐ TPHCM, không có vốn của bất kỳ một cá nhân nào tham gia.

Ngoài số vốn ban đầu, nhà trường còn được cấp xe ôtô Toyota Camry (51A-2428) trị giá 90 triệu đồng; cấp vốn mua nhà xưởng tại 98 Ngô Tất Tố, phường 19, quận Bình Thạnh là 6,6 tỉ đồng; cấp vốn đầu tư phòng thí nghiệm và thư viện (trong các năm từ 2000-2003) là hơn 1 tỉ đồng…

Vậy là trong giai đoạn “khởi nghiệp” những năm đầu 2000, tổng số vốn TDTU được LĐLĐ TPHCM cấp lên tới tới 8.337.250.000 đồng. Chưa kể sau đó, LĐLĐ TPHCM còn cho nhà trường vay hơn 33 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Như vậy, ngay từ cơ sở vật chất ban đầu, trụ sở, đất đai... của TDTU đều do Nhà nước, tổ chức Công đoàn đầu tư, chứ không hề có chuyện do các cá nhân đóng góp như trường dân lập khác.

Từ dân lập, bán công, sang công lập - dấu ấn của tổ chức Công đoàn

Từ số vốn cùng những chính sách hỗ trợ ban đầu của Công đoàn, Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng ngày càng lớn mạnh và phát triển. Nhưng để phù hợp với điều kiện thực tế và tăng cường cơ chế để nhà trường phát triển, LĐLĐ TPHCM đã đề xuất và làm hồ sơ xin Chính phủ chuyển đổi trường Tôn Đức Thắng từ mô hình trường dân lập sang bán công.

{keywords}
Trường ĐH Tôn Đức Thắng 

Trước thực tế đó, ngày 28.1.2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng sang loại hình trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc UBND TPHCM. Trong giai đoạn này, UBND TPHCM vẫn giao tổ chức Công đoàn quản lý trường.

Nhờ vậy, Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng được giao 90.725m2 đất tại phường Tân Phong (quận 7). Số tiền đền bù cho dân để nhận đất trên vào khoảng 50.000.000.000 đồng, do ngân sách của UBND TPHCM chi trả.

Việc chuyển từ mô hình dân lập sang bán công, rồi công lập đều là chủ trương của tổ chức Công đoàn và nhằm mục tiêu duy nhất là để tạo mọi cơ chế, chính sách, điều kiện tốt nhất để TDTU phát triển.Đến ngày 11.6.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) và chuyển sang mô hình trường công lập, trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Sau khi tiếp nhận trường, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường phát triển theo xu thế đổi mới giáo dục đại học, phát huy tính tự chủ. Trên cơ sở đề xuất của Tổng LĐLĐVN, trường đã được Chính phủ tạo điều kiện áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, được các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất…

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho TDTU hoạt động hiệu quả, tổ chức Công đoàn nhiều lần cho trường vay không tính lãi. Tính từ ngày 10.2.2009 đến ngày 15.9.2015, Tổng LĐLĐVN đã không ít lần cho TDTU vay đầu tư cơ sở vật chất, thời điểm số tiền vay nhiều nhất lên tới 150 tỉ đồng.

Ngoài những khoản hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, TDTU còn được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước và TP. Trong đó, vốn trái phiếu của Chính phủ phân bổ cho dự án ký túc xá sinh viên của trường theo quyết định đầu tư điều chỉnh là 62,064 tỉ đồng.

Cùng với nguồn lực vật chất vô cùng quan trọng đó, sự tận tâm, nhiệt huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Công đoàn TPHCM và Tổng LĐLĐVN đã để lại dấu ấn quan trọng với TDTU.

Khi mới thành lập, TDTU do LĐLĐ TPHCM quản lý thông qua hội đồng quản trị nhà trường và Chủ tịch LĐLĐ TP làm chủ tịch. Khi chuyển sang trực thuộc Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Hội đồng nhà trường là Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Sự gắn bó xuyên suốt đó đã tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa tổ chức Công đoàn với TDTU.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức Công đoàn và UBND TPHCM, TDTU có rất nhiều nguồn lực quan trọng để phát triển. Vì là trường công lập nên TDTU có nhiều lợi thế tuyển sinh hơn so với các trường dân lập có điều kiện giảng dạy và cơ sở vật chất tương đương.

Thành tựu đáng tự hào

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, bước ngoặt của TDTU là vào thời điểm năm 1999, khi LĐLĐ TP mời được toàn bộ Ban giám hiệu Trường Đại học Đại cương (vừa giải thể do cơ cấu lại Đại học Quốc gia TPHCM) về thay thế ban giám hiệu cũ.

Từ đây, cùng với sự sát sao của các cấp lãnh đạo cơ quan chủ quản, việc dạy và học của TDTU có nhiều khởi sắc, bắt đầu gây dựng được uy tín. Đặc biệt, thời điểm từ năm 2006, với sự điều hành của TS Lê Vinh Danh, dưới sự định hướng, tạo cơ chế và giám sát của hội đồng quản trị nhà trường, sau này là hội đồng trường, thì tên tuổi của TDTU lại càng được củng cố, phát triển.

Đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, TDTU đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo. Trường được Green Metric xếp trường hạng 142 trong TOP 750 đại học phát triển bền vững nhất thế giới; trở thành thành viên Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục ASEAN; được QS Châu Á xếp hạng TOP 291-300 trong hơn 500 đại học tốt nhất Châu Á.

Đặc biệt, năm 2019, nhà trường được bình chọn TOP 25 đại học/cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN theo thống kê của Web of Science (ISI); được tổ chức Time Higher Education THE xếp TOP 200 đại học có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nhất thế giới.

Vào tháng 8.2019, trường là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được hệ thống xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU) xếp hạng số 1 Việt Nam và thuộc TOP 1.000 đại học tốt nhất thế giới năm 2019. Trong nước, Trường được Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam xem là điển hình thành công nhất về tự chủ đại học.

Có được thành công này là sự góp công, góp sức của tổ chức Công đoàn, của tập thể lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của TDTU. Và không thể không nhắc tới những cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước, của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, để TDTU được tự chủ, phát triển và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào như hiện nay.

Hơn 20 năm qua, TDTU đã nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Năm 2014 nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Tổng LĐLĐVN; Năm 2016: Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Năm 2017: Cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào, Bằng khen của UBND TPHCM…

Hiện trường có 60 đơn vị trực thuộc gồm 17 khoa chuyên môn, 1 khoa trực thuộc, 5 viện nghiên cứu và 18 Phòng - Ban - Trung tâm chức năng. Ngoài ra, có 63 nhóm nghiên cứu khoa học - công nghệ trọng điểm.

Theo laodong.vn

Sẽ xử lý về mặt chính quyền đối với ông Lê Vinh Danh

Sẽ xử lý về mặt chính quyền đối với ông Lê Vinh Danh

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, theo quy định pháp luật, sau khi xử lý về Đảng, sẽ tiếp tục xử lý về chính quyền đối với ông Lê Vinh Danh.