- Trong quy hoạch của nhiều khu đô thị (KĐT) mới đều nói có xây dựng trường học, chợ,..liền với việc xây các khu nhà cao tầng. Nhưng như một vị quản lí KĐT Linh Đàm (Hà Nội): “Biết là thế nhưng phải đợi dân vào đông rồi mới tính chuyện đó sau!”


BÀI LIÊN QUAN
Thiếu chỗ học, áp lực đổ vào trường điểm?
Báo động thiếu chỗ học cho trẻ đúng tuyến


Nghe ngóng rồi mới xây


Ngày 24/5 PV VietNamNet tìm đến một số KĐT Linh Đàm, Yên Hòa...

Anh Nguyễn Văn Du, Đội trưởng Đội quản lí nhà, KĐT Linh Đàm cho biết: “Quy hoạch chung của chúng tôi có việc xây dựng chợ, trường học. Nhưng trước đây, anh chỉ tay về khu mọc lên nhiều nhà cao tầng - khi mới phát triển nơi này còn hoang sơ, cỏ ngập đầu chứ đâu đẹp và phát triển chóng mặt như hôm nay. Thế nên chuyện xây trường mầm non hay tiểu học phải…nghe ngóng, đợi dân vào đông rồi mới làm được”.


Hiện nay tại Hà Nội, hàng loạt các dự án xây dựng KĐT, nhà cao tầng mọc lên như "nấm sau mưa" nhưng đã mấy nơi tính đến việc xây dựng trường học cho người mua nhà đến ở? (Ảnh  Văn Chung)
"Trước mắt việc xây nhà phải có dân đến ở trước đã!" - anh Du nói. Lúc xây chung cư không nghĩ dân lại ở đông thế.

Hiện tại 2 khu nhà trong KĐT có 17 khối nhà cao tầng, trung bình mỗi khối 12 tầng, mỗi tầng 10 phòng, mỗi phòng tính trung bình có 4 người - chưa kể dân cư tại các khu biệt thự chỉ có 2 trường mầm non công lập.

Trước đây (năm 2005, 2006) khu nhà đưa vào sử dụng, người dân kêu thiếu trường lớp, mùa tuyển sinh nào cũng kêu "không biết cho con học ở đâu" - nhưng theo anh Du: “khi KĐT tiến hành đầu tư xây Trường Mầm non Hoa hướng dương (tư thục) và trường hoạt động năm 2008 thì không thấy có phản ánh gì”.

Cũng theo anh Du, hiện nay trong KĐT chưa có trường mầm non nên học sinh thường phải sang các phường lân cận để theo học các trường công lập. Một bộ phận có điều kiện cho con học trường quốc tế và tư thục. "Sắp tới trong quy hoạch mở rộng của KĐT như chia sẻ của người quản lí này thì cũng sẽ có đất dành cho phát triển chợ, trường học nhưng anh chưa biết chính xác địa điểm và khi nào thì khởi công" - anh Du cho biết.

Trên phố Trung Kính (thuộc khu vực quận Cầu Giấy-Hà Nội) hàng loạt chung cư cao tầng, KĐT mới với những tòa nhà cao ngất đang mọc lên với tốc độ “nấm mọc sau mưa” nhưng số trường mầm non, tiểu học cũng hãn hữu, đếm trên đầu ngón tay.

Một nhân viên tòa nhà chung cư cao tầng trên phố Trung Kính cho hay, hiện ở khu vực này có 3 khối nhà cao tầng (nhà cao nhất có 19 tầng) và sắp tới có thêm vài khu nữa. Dân nhập cư ngày một đông nhưng trường công lập không thấy xây thêm nên rất thiếu chỗ học.

Trường “công, tư” đều “cháy” chỗ

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa hướng dương, Nguyễn Thị Dương Liễu cho biết 80% trong số 375 học sinh với 11 lớp học đa phần là dân sống tại bán đảo Linh Đàm và khu bắc Linh Đàm gửi đến. 20% chỉ tiêu còn trường nhận học sinh của học sinh nơi khác nếu có nhu cầu.


Theo lời anh Nguyễn Văn Du, cán bộ quản lí KĐT Linh Đàm hiện trong quy hoạch mở rộng đơn vị đầu tư đã có kế hoạch xây khu chợ, trường học nhưng địa điểm và thời gian khởi công cụ thể thì anh không nắm được. (Ảnh Văn Chung)
Bà Liễu cho biết: “Năm nay trường chỉ tuyển thêm 100 cháu nữa và tất nhiên sẽ có nhiều cháu không được nhận vào”.

Mức tiền khoảng 2,1 triệu đồng/tháng mà cha mẹ phải chi trả cho các con khi học tại trường theo bà Liễu đã “khá phù hợp” với đại đa số dân sống quanh khu vực này: không quá cao so với các trường công lập và quá đắt như theo học ở các trường có mô hình gần như tương tự mà vẫn đảm bảo chất lượng dạy, học của cô, trò.

Nhiều phụ huynh còn phải trả mức phí trên dưới 4 triệu đồng để cho con học các trường ngoài công lập mà lắm lúc vẫn không có đủ chỗ gửi con. Hiện gần 10 trường mầm non tư thục và 2 trường mầm non công lập đang chia nhau “gánh” 50% số học sinh trong khu vực”.

Mới đi vào hoạt động từ năm 2008 nhưng số lượng lớp và học sinh tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (nằm trong KĐT mới Yên Hòa - Cầu Giấy -Hà Nội) tăng chóng mặt theo từng mùa tuyển sinh.

Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm học 2008-2009 trường tuyển sinh 7 lớp với hơn 200 học sinh. Đến năm học 2009-2010 số lớp đã tăng lên gấp đôi, với 14 lớp (khoảng 600 em). Và năm học 2010-2011 số lớp nhập học tăng lên 22....

Lý giải tốc độ tăng "chóng mặt" về số lớp và số học sinh là do trường chú trọng đến chất lượng giáo dục là hàng đầu; Nguyên nhân thứ hai có thể do trường nằm trong KĐT với nhiều nhà cao tầng nên số hộ có hộ khẩu đúng tuyến ngày một tăng

Bà Ngọc tâm sự: năm đầu tiên mình nghĩ trường nằm ở nơi “đồng không mông quạnh” thế này thì chỉ nghĩ tuyển được học sinh khối lớp 1 vào đã là khá nào ngờ các em ở khối lớp 2-5 đến có nhiều đơn nộp”.

Năm học 2011-2012 tới, trường dự kiến xin tuyển 5 lớp 1 với số lượng khoảng 200 em, nhưng nhiều khả năng số có nguyện vọng cho con theo học sẽ nhiều hơn.

Phát sinh “cò”

Đa phần học sinh được nhận vào trường, như bà Ngọc cho biết đều thuộc diện có sổ hộ khẩu tại khu vực. Số ít còn lại là các em trái tuyến. “Tuy nhiên, tất cả việc làm của trường đều có báo cáo lên trên và được chấp nhận thì mới tiến hành”.

Năm học 2010-2011, trường nhận 20 em học sinh trái tuyến song cũng thuộc diện gia đình đã chuyển về các khu nhà ở KĐT Yên Hòa cạnh ngay trường, nhưng cha mẹ chưa xin chuyển được sổ hộ khẩu về đây”.

“Việc trường dạy tốt, cô giáo tận tình, có năng lực khiến trường không cần quảng cáo mà hữu xạ tự nhiên hương, nhiều người biết đến, muốn xin cho con vào đây nhưng khả năng tiếp nhận của chúng tôi cũng có hạn nên đã xảy ra một vài điều đáng tiếc” – bà Ngọc trăn trở.

Bà Ngọc không khỏi buồn lòng khi chia sẻ câu chuyện “được má vạ sưng” của trường: Năm ngoái vào mùa tuyển sinh tại trường đã xảy ra tình trạng “cò mồi” lừa tiền của phụ huynh muốn cho con vào học trong trường rằng “mình có quan hệ với lãnh đạo” có thể “chạy” cho trường hợp của gia đình.

"Tôi khẳng định 100% trường không có chuyện tiêu cực trong tuyển sinh" - bà Ngọc nói. Vậy là khi phụ huynh bị lừa vỡ lẽ thì trường lại là người gánh “búa rìu”. Rồi nữa là khi nguyện vọng không được đáp lại, một số phụ huynh gây áp lực có những lời lẽ không hay về nhà trường”.

Để tránh tình trạng này năm học này, vào mỗi buổi chiều thứ 2 đích thân bà Ngọc bố trí lịch tiếp, giải quyết mọi thắc mắc của phụ huynh liên quan đến công tác tuyển sinh của trường.

“Nhu cầu, nguyện vọng của người dân là một chuyện nhưng nhà trường cũng chỉ tiếp nhận được số lượng nhất định các cháu để đảm bảo chất lượng dạy và học” – bà Ngọc cho hay.

Việc các KĐT mọc lên với tốc độ chóng mặt, theo bà Ngọc, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trường không thể đáp ứng tất cả các nguyện vọng của người dân muốn cho con em mình theo học tại đây.

Theo tính toán của bà Ngọc chỉ khoảng 5 năm nữa số lượng học sinh có nhu cầu học sẽ nằm ngoài khả năng tiếp nhận của nhà trường. Chuyện “cháy” chỗ nhận học sinh là điều hiện hữu.


  • Kiều Oanh – Văn Chung