- Năm học mới sắp đến cùng với những háo hức của các em là nỗi lo, thách thức đặt ra cho đội ngũ giáo viên, lãnh đạo những ngôi trường vùng cao.

Trước thềm năm học mới 2013-2014, các lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện vùng cao Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị của tất cả 14 xã, thị trấn trong huyện.

{keywords}

Phụ huynh Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đang sửa nhà nội trú cho giáo viên. Ảnh: Sở GD Nghệ An

Tại Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thế Cầm cho biết hiện trường có 3 điểm trường, 1 điểm chính và 2 điểm lẻ. Điểm chính có 8 lớp với 163 học sinh, 2 điểm lẻ có 7 lớp với 77 học sinh. Năm nay nhà trường cũng huy động được hết 45 em 6 tuổi vào học lớp 1.

Theo ông Cầm, việc vận động các em tới trường những năm gần đây cũng không còn khó khăn như trước nhờ sự tác động của các chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được việc này, từ ngày 3/7, nhà trường đã phải tổ chức dạy thêm cho các em, tất nhiên là xuất phát từ sự tự nguyện của đội ngũ giáo viên, các em không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào. Riêng các em mới vào lớp 1, các cô giáo hướng dẫn để các em nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt.

Các trường khác của huyện như Trường Mầm non Cắm Muộn, Trường Tiểu học Tiền Phong 2, Trường THPT Quế Phong cũng đang ráo riết chuẩn bị cho năm học mới.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiền Phong 2 - bà Nguyễn Thị Nga cũng thừa nhận “cái khó nhất là nâng cao chất lượng của học sinh và giữ cho các em khỏi bỏ học”. Trường Tiền Phong 2 tuy ở trung tâm huyện nhưng lại có điểm đặc thù riêng. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt: bố mẹ ly hôn, tù tội, bỏ đi làm ăn xa… nên năm nào nhà trường cũng phải cưu mang trên 10 em có hoàn cảnh khó khăn bằng chính những đồng lương của mỗi giáo viên góp lại.

Ông Hồ Mậu Sự - Phó Phòng GD huyện cho biết, đội ngũ giáo viên hiện không những không thiếu mà còn đang thừa, tuy nhiên cơ sở vật chất vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đến nay, Quế Phong vẫn còn 100 phòng học làm bằng tre và 2 phòng học mượn.

Tại Trường Mầm non Cắm Muộn, Hiệu trưởng Hoàng Thị Đài cho biết năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tựu trường là phụ huynh lại phải mang vật liệu đến tự tay sửa sang các phòng làm bằng tranh tre để có chỗ cho con em mình học.

Bước vào năm học 2013-2014, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn có 31 trường học ở cả 3 cấp với 381 phòng học. Trong đó, phòng học kiên cố có 75 phòng, bán kiên cố có 194 phòng, 69 phòng phòng học tạm và 43 phòng học nhờ, mượn chủ yếu là bậc học tiểu học, mầm non, đây là khó khăn lớn trong công tác dạy và học hiện nay.

{keywords}

Phụ huynh xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn góp công lao động, làm đường cho trường mầm non của xã. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Để giải quyết khó khăn này, chính quyền huyện cùng các bậc phụ huynh đã chung tay dựng lớp học cho các cháu, mặc dù còn đơn sơ nhưng bước đầu đã có chỗ cho cô, trò có nơi học tập. Tại xã Thượng Ân, phụ huynh cũng góp ngày công lao động mở tuyến đường vài trăm mét dẫn lên trường để việc đi lại thuận tiện hơn. Năm học này, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn vẫn duy trì tổ chức mô hình nhà bán trú dân nuôi đối với cả 3 bậc học. Tại các xã vùng cao, hầu hết học sinh đều được mượn sách giáo khoa của trường.

Hiện tại, công tác chuẩn bị cho năm học mới của ngành giáo dục huyện đã cơ bản hoàn thành.

Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã trích kinh phí để mua sắm bàn ghế theo mẫu của Bộ GD&ĐT để thay cho loạt bàn ghế cũ, đồng thời tu sửa, đầu tư xây mới các trường. Dự kiến trong năm học mới 2013-2014, Vị Xuyên có trên 30 công trình trường học được tu sửa, xây mới, nâng số phòng học kiên cố lên 633 phòng, phòng cấp 4 là 323 phòng.

Ngay từ tháng 6/2013, Phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng dự toán các hạng mục công trình và nhu cầu kế hoạch cần tu sửa cơ sở vật chất trường, lớp học trong dịp nghỉ hè. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện Mèo Vạc chi 1,6 tỷ đồng tu sửa 66 công trình phòng học tại 41 điểm trường của 18 xã, thị trấn… Trước ngày khai giảng, những công trình này đã được tu sửa xong.

Nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân 4 thôn trong xã, năm nay Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS số 2 Nậm Xây (Văn Bàn, Lào Cai) sẽ có phòng sinh hoạt chung là 5 gian nhà sàn bằng gỗ 2 tầng dùng để đọc sách, xem ti vi và làm phòng ăn rộng rãi, thoáng mát.

May mắn hơn những huyện vùng cao khác, cơ sở vật chất của các trường ở xã Phìn Ngan, Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai đã tương đối kiên cố, rộng rãi. Để đón năm học mới, đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh đã cùng nhau dọn dẹp, sửa sang để trường lớp thêm khang trang, sạch đẹp.

{keywords}

Cô trò Trường Tiểu học xã Phìn Ngan kê lại bàn ghế. Ảnh: Báo Lào Cai

{keywords}
Ảnh: Báo Lào Cai

{keywords}

Học sinh cùng nhau dọn dẹp sân trường. Ảnh: Báo Lào Cai

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)