Ngày 10/7 tại Viethaus (Ngôi nhà Việt) ở trung tâm Berlin, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức giới thiệu Dự án Truyện Kiều song ngữ Đức - Việt.

 {keywords} 

TS Phạm Ngọc Kỳ, TS Trương Hồng Quang và GS Nguyễn Huy Hoàng tại buổi giới thiệu dự án

Đây là một dự án do Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức bảo trợ nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Đức và nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du.

Cuối năm 1954, ngay sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam, cụ Faber đã được dẫn một đoàn đại biểu báo chí CHDC Đức sang Việt Nam và có nhiều dịp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm địa phương, như tới vùng sông Đà, nơi ở của nhiều dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng... Trước khi ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cụ 2 tập "Truyện Kiều" được chú giải bằng tiếng Pháp, những cuốn sách cực hiếm lúc bấy giờ và nói: "Cũng có thể ông làm được việc gì đó với những cuốn sách này!".

  {keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Franz Faber năm 1954

Khi về nước, cụ ông Franz Faber đã hào hứng kể lại câu chuyện và đưa hai cuốn sách trên cho người bạn đời của mình, cụ bà Irene Faber xem. Hai cụ bàn nhau và quyết định tìm cách dịch cuốn truyện này ra tiếng Đức. Là một nhà ngôn ngữ học, cụ Irene không muốn dịch một tác phẩm lớn như "Truyện Kiều" qua một ngôn ngữ thứ ba như tiếng Pháp, vì sợ rằng mất đi bản sắc, mất đi cái "hồn" của tác phẩm, mà đưa ra một quyết định táo bạo là bỏ tiền riêng để đi học tiếng Việt nhằm dịch bằng được "Truyện Kiều" ra tiếng Đức.

Khi còn ở Việt Nam, cụ Faber đã gặp các học giả Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh để lắng nghe ý kiến của họ, khi về Đức, nhiều lúc gặp những điển tích khó, không có tài liệu tra cứu và vì hoàn cảnh lúc bấy giờ không thể sang Pháp tìm hiểu, vì CHDC Đức và Cộng hoà Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với nhau, hai cụ đã phải nhờ cụ ông thân sinh cụ bà Irene Faber đang sống ở Cologne, CHLB Đức, sang Paris, vào Viện Hàn lâm Pháp để tra cứu giúp. Cứ như vậy, ròng rã trong 7 năm trời, hai cụ đã hoàn thành bản dịch. Trong suốt thời gian này, hai cụ như nhập tâm vào nhân vật, có cảm giác như mình là người châu Á, là người Việt Nam vậy.

Năm 1964, bản dịch "Truyện Kiều" đầu tiên bằng tiếng Đức được ra mắt độc giả và 10 giờ ngày 6/3/1965, trong một buổi lễ lọng trọng tại Đại sứ quán CHDC Đức ở Hà Nội, hai cụ Irene và Franz Faber đã trân trọng kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cuốn trong lần xuất bản đầu tiên này. Từ đó tới nay, "Truyện Kiều" bằng tiếng Đức của hai cụ đã được tái bản 3 lần năm 1976, 1980 và 2000.

Như vậy, đây sẽ là lần tái bản thứ tư, nhưng là lần đầu tiên sẽ ra mắt dưới dạng sách song ngữ Đức – Việt với bìa sách là tranh của họa sĩ Claudia Việt Đức Borchers, người thân và là người thừa kế những di cảo của hai cụ Franz và Irene Faber.

  {keywords}

Họa sĩ Claudia Việt Đức Borchers giới thiệu tranh bìa Truyện Kiều song ngữ

Họa sĩ Borchers đã giới thiệu ý tưởng của mình khi vẽ tranh, thể hiện mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng, những xiềng xích vùi dập cuộc đời chìm nổi như con thuyền của Thúy Kiều và thanh gươm biểu tượng cho sự bạo hành của giới đàn ông.

(Theo Thoibao.de)