Tốt nghiệp THPT, sau một thời gian vào miền Nam lập nghiệp nhưng không mấy thuận lợi, anh Nguyên quyết định ngược ra Bắc để theo học nghề nấu ăn tại Trường CĐ Du lịch Hà Nội.

Sau thời gian học nghề rồi đi thực tập, anh Nguyên được nhận vào làm đầu bếp chính thức ở khách sạn Hilton Hanoi Opera - một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội.

Năm 2004, anh Nguyên nhận được suất tuyển thẳng vào đại học khi giành Huy chương Vàng trong  Kỳ thi tay nghề quốc gia rồi Kỳ thi tay nghề ASEAN. Vì thế, năm 2005, anh quyết định vừa đi làm vừa đi học đại học, theo đuổi chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp khách sạn du lịch của Trường ĐH Thương mại. 

“Lúc đó, mình vừa là nhân viên chính thức của khách sạn nhưng cũng là sinh viên của trường đại học”, anh Nguyên kể.

{keywords}
Anh Đỗ Công Nguyên vừa là giảng viên Trường ĐH Thương mại vừa là một đầu bếp có tay nghề cao và từng giành Huy chương Vàng nghề Nấu ăn tại Kỳ thi tay nghề ASEAN. Trong ảnh, thầy giáo Nguyên đang hướng dẫn sinh viên Nhật Bản nấu ăn.

Đến cuối năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyên tham gia thi và trúng tuyển làm giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch của Trường ĐH Thương mại.

Cũng kể từ đó, ngoài việc giảng dạy chính tại Trường ĐH Thương mại, anh Nguyên còn dạy nghề bếp tại các trung tâm, trường nghề; tư vấn, đào tạo đầu bếp, nhân viên nấu ăn ở các nhà hàng;...

“Sau những giờ dạy trên giảng đường, mình quay trở lại với không gian bếp để chế biến những món ăn ngon. Cũng nhiều người bất ngờ khi thấy tôi đi làm đầu bếp bởi tưởng chỉ giảng viên đại học và cả ngược lại. Có người còn bất ngờ ái ngại hỏi hôm trước thấy nghe nói anh dạy ở Trường ĐH Thương mại mà, sao lại đến nấu ăn ở đây. Mình hay nói đùa rằng con người có hay tay, hai chân nên có thể làm nhiều việc khác nhau”.

{keywords}
Thầy giáo Nguyên bên căn bếp của gia đình.

Nhiều thời điểm, ngoài thời gian dạy ở Trường ĐH Thương mại, anh Nguyên tham gia nấu ăn tại các nhà hàng.

“Nhiều hôm, khi tôi đang sắp sửa vào giờ dạy ở trường, học trò nghề bếp vẫn gọi điện, nhắn hỏi cách nấu một món ăn thế nào cho ngon. Nhưng là giảng viên, nguyên tắc của tôi khi lên lớp là phải đúng giờ và tắt điện thoại, nên có lần, đang hướng dẫn nấu ăn cho đầu bếp một nhà hàng đến giữa chừng đành phải tắt máy để vào lớp. Lần đó, bên kia chẳng khác nào chơi Ai là triệu phú, gọi điện cho người thân nhờ trợ giúp mà mới tư vấn được một nửa đã hết giờ. Rất may, hôm đó, bạn nhân viên đó cũng nấu rất đạt và thậm chí còn ngon nhờ tự sáng tạo sau đó. Đó chỉ là một tình huống nhưng cũng là một câu chuyện rất thú vị, cho thấy rằng bản thân các bạn cũng có nhiều tiềm năng, tố chất nhưng nhiều khi không chịu tìm tòi, suy nghĩ và hay bị tâm lý dựa dẫm vào người khác, gặp cái gì cũng hỏi. Còn nếu như chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề, cố gắng, nỗ lực thì chắc chắn là làm được. 

Anh Nguyên cho rằng, thực tế 2 công việc anh đang làm cũng hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Có nhiều kiến thức thực tế thì những bài giảng, ví dụ của anh đưa ra đối với sinh viên cũng sinh động, thuyết phục và cập nhật sát thực tế hơn.

“Thực ra không chỉ hướng dẫn, đào tạo nấu ăn mà khi đi làm, với vai trò một bếp trưởng, mình cũng nắm được kiến thức về quản trị, điều hành mọi việc. Những điều này hoàn toàn có thể đưa vào trong việc đào tạo, giảng dạy sinh viên về quản trị khách sạn, nhà hàng,... Ngược lại, khi ra ngoài hướng dẫn mọi người cách nấu ăn, pha chế,... cũng cần rất nhiều yếu tố sư phạm và kinh nghiệm của một giảng viên giúp mình rất nhiều trong việc chỉ dẫn, truyền đạt”, anh Nguyên chia sẻ.

{keywords}
Từ đầu bếp trở thành giảng viên đại học.

Khi ở nhà, thầy giáo Nguyên vẫn thường xuyên vào bếp nấu đồ ăn cho cả nhà. “Vợ tôi cũng học ngành Khách sạn - Du lịch, nấu ăn cũng rất giỏi nên gần như không có sự phân chia mà lúc nào ai tiện việc gì thì làm việc đó. Chỉ khi gia đình có việc cỗ bàn lớn thì mình được giữ trọng trách nấu ăn. Hằng ngày, vợ chồng cũng thường xuyên trổ tài sáng tạo, chế biến những sản phẩm, món ăn mới để mời các thành viên trong gia đình và bạn bè thưởng thức”, anh Nguyên cười.

Ngày 4/10 vừa qua, thầy giáo Đỗ Công Nguyên tiếp tục được vinh danh Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ hai liên tiếp.

Anh Nguyên cho hay, việc được trao vinh dự này càng khiến anh cảm thấy phải trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội, cố gắng làm sao để lan tỏa tình yêu, tạo ảnh hưởng tích cực lên mọi người, đặc biệt đối với các bạn trẻ để họ hiểu rõ vai trò và sự cần thiết phải có kỹ năng nghề.

{keywords}
Thầy giáo Đỗ Công Nguyên (áo xanh, giữa) được tôn vinh một trong các Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam. 

Anh dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ban chuyên gia các cuộc thi tay nghề; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các học viên thông qua các kênh thông tin khác nhau,... Qua đó, lan tỏa, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, giúp xã hội hiểu hơn về sự cần thiết của việc nâng tầm trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Còn với vai trò của một giảng viên đại học, anh Nguyên muốn tổ chức nhiều hơn những buổi chia sẻ, tư vấn định hướng giúp các sinh viên hiểu sâu hơn về những yêu cầu của nghề nghiệp.

“Mình cũng gắng vận dụng những mối quan hệ để kết nối với các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc tiếp cận môi trường thực tế, học hỏi, làm thêm, thậm chí mở ra các cơ hội việc làm”, anh Nguyên nói.   

Thanh Hùng

Lùi thời gian tổ chức thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021

Lùi thời gian tổ chức thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021

Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam vừa thông báo hoãn việc tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 theo kế hoạch ban đầu. Thời gian thi sẽ được lùi vào khoảng từ ngày 2/12 đến 12/12/2021.