Để làm tốt bài thi môn Vật lý, thầy Nguyễn Thanh Sơn, giáo viên Vật lý, Trường THPT Chuyên Thái Bình đã đưa ra một vài lưu ý cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Phải tô hết các câu hỏi trong phiếu trả lời

Theo thầy Sơn, ngay khi nhận được đề thi, thí sinh cần đọc lướt qua một lần để xem câu nào quen thuộc, chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết, không mất thời gian tính toán.

Sau đó, thí sinh phân bổ thời gian hợp lý, cố gắng hoàn thành các câu lý thuyết (thường là 28 câu đầu tiên) trong 15 – 20 phút đầu và không được phép sai sót bất cứ câu nào. 

“Đôi khi ngay cả ở phần câu hỏi nhận biết hoặc thông hiểu, nếu học sinh không nắm chắc lý thuyết cũng dễ gây mất thời gian đọc đề và lựa chọn phương án trả lời.

Nhiều học sinh thường có thói quen để lại các câu khó hoặc câu chưa chắc chắn đáp án, tuy nhiên khi thời gian hết mà vẫn chưa làm tới hoặc chưa làm được hết sẽ quên không tô câu trả lời. Kết quả chấm của câu này chắc chắn không có”, thầy Sơn nối.

Do vậy, theo thầy Sơn, để có một chút hy vọng, thí sinh phải lựa chọn một phương án trả lời và tô vào phiếu với các câu hỏi đó. Điều đó có nghĩa không được bỏ trống bất cứ câu nào mà không có phương án trả lời. Phải tô ngay vào phiếu trả lời khi tìm ra đáp án, đồng thời đánh dấu vào đề để tiện kiểm tra lại.

“Việc mất nhiều thời gian cho một bài tập khó (thường là từ câu 32 đến 40) mà không tìm ra được phương án trả lời, nhất là đối với các bài tập về điện xoay chiều sẽ làm giảm cơ hội kiểm tra lại những phương án chưa chắc chắn ở phần dễ hơn”.

Một số lỗi cơ bản thường gặp

Theo thầy Sơn, có nhiều câu hỏi Vật lý “gài bẫy” thí sinh, bởi chỉ cần thay một vài từ trong câu đã khiến ý nghĩa của câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Do đó, thí sinh cần gạch dưới hoặc khoanh tròn những từ khóa, không bỏ sót từ nào để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc do đọc đề bài sơ sài, không phát hiện ra yếu tố khác biệt.

Một số lỗi cơ bản khác trong bài thi môn Vật lý thí sinh thường gặp phải là tính toán nhầm đơn vị, nhầm bậc số mũ, giá trị số thập phân. Do đó, thí sinh nên tóm tắt đại lượng ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.

Khi làm xong các phép tính, thí sinh cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi xem đáp số có phù hợp với thực tế không.

Việc nhầm công thức, khái niệm, tính chất vật lý cũng là lỗi khá phổ biến nhiều học sinh mắc phải, ngay cả với học sinh giỏi.

“Lỗi này phần lớn là do tính chủ quan, không chú trọng lý thuyết hoặc đọc không kỹ đề bài, phương án đưa ra nên chọn sai. Trong đó các phần dễ bị nhầm lẫn nhất là về công thức dao động và sóng cơ, mạch điện xoay chiều; lý thuyết về tính chất và đặc điểm các loại dao động, các loại bức xạ, quang phổ,…”.

Ngoài ra, nếu thí sinh không nắm chắc, chưa hiểu rõ bản chất hiện tượng và lý thuyết liên quan đến câu hỏi sẽ không xác định được đúng trọng tâm; hiểu đúng nội dung các phương án đề bài đưa ra; xác định sai “dư lệnh” của câu hỏi nên lựa chọn phương án không đúng, nhất là các câu hỏi lý thuyết.

Ngoài ra theo thầy Sơn, thí sinh cần đọc kỹ cả 4 bốn phương án lựa chọn, không bỏ qua bất cứ phương án nào. Nhiều thí sinh thường dừng ngay ở đáp án bản thân cảm thấy “có vẻ đúng” mà không đọc các phương án tiếp theo. Điều này dẫn tới việc chọn nhầm đáp án, đôi khi chỉ khác nhau một vài chữ.

Ngoài ra, còn một số lỗi thường gặp khác khiến thí sinh dễ bị mất điểm là tô ẩu vào phiếu trả lời, tô không kín hết vùng tô hoặc đậm nhạt không đều; tẩy, xóa phần tô sai không hết dẫn đến máy chấm nhận dạng không chính xác phương án trả lời của thí sinh.

Bên cạnh đó, khi học và thi, thí sinh không xác định đúng được năng lực và thế mạnh của mình để đề ra “chiến thuật” làm bài hợp lý; học dàn trải ngay cả đối với nội dung bản thân không hiểu hoặc bài tập khó đối với năng lực của mình cũng là nguyên nhân khiến thí sinh dễ bị mất điểm đáng tiếc.

Thúy Nga

Để không mất 'oan' điểm môn Toán thi tốt nghiệp THPT

Để không mất 'oan' điểm môn Toán thi tốt nghiệp THPT

Thủ khoa khối A1 năm 2019 lưu ý những lỗi thường gặp, dễ bị mất điểm và cả những bí quyết đạt điểm cao ở bài thi môn Toán.