- Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đề xuất  giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là có cơ sở. Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến về vấn đề này và hướng đến tinh thần chỉ giám sát chứ không làm thay.

Trong buổi làm việc này, TP.HCM đã đưa ra những đề xuất lớn để thay đổi diện mạo giáo dục đào tạo thành phố trong thời gian tới.

Cùng với ý kiến của Bí thư Đinh La Thăng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ có kết luận về những đề xuất, kiến nghị của thành phố.

“Thành phố đã xác định giáo dục của thành phố phải đi theo xu hướng hội nhập, và sẽ làm kiên quyết, hiệu quả” – ông Phong khẳng định và cho rằng giáo dục vừa qua có những việc chạy theo thành tích, không đi theo giá trị thực, bằng cấp đạt được nhưng cử nhân không được các nước công nhận, đi qua các nước khác phải học lại. 

“Tại sao họ vẫn dạy vĩ mô, vẫn nói bằng micro mà bằng cấp họ được công nhận còn chúng ta phải học lại?” – ông Phong đặt câu hỏi.

Theo ông Phong, thành phố đang có nhiều bất cập như việc tăng dân số cơ học, có năm tăng lên tới 85.000 học sinh. Hạ tầng không đáp ứng được nên ngành giáo dục bị đuối. Nhưng chính sách của thành phố là người dân nào hiện diện trên thành phố, kể cả người nhập cư hay không nhập cư thành phố đều phải lo. Vì vậy, ông Phong đề nghị Bộ ủng hộ đề án của thành phố.

“Sắp tới thành phố sẽ tổ chức hội đồng hiệu trưởng các trường đại học, do chủ tịch UBND thành phố làm chủ tịch. Hội đồng này xác định những trường đào tạo theo nhu cầu, phân bố lại không gian các trường đại học, phát huy cơ chế đặt hàng những cái thành phố cần…” – ông Phong cho biết.

Còn ông Tất Thành Cang, phó Bí thư Thường trực Thành ủy thì đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm ba việc.

Theo đó, việc đầu tiên là cho phép Sở GD-ĐT TP.HCM chủ động chương trình để giảm tải, tránh lòng vòng xin phép. “Hệ thống chính trị của thành phố sẽ vào cuộc để giảm tải chương trình phổ thông” – ông Cang cho biết.

Việc thứ hai là thành phố ban hành mạnh cơ chế xã hội hóa, để người dân có cơ hội chọn trường. Việc thứ ba, là Bộ có chỉ đạo, biện pháp để giáo viên qua đào tạo đáp ứng được yêu cầu.

Ông Cang cũng cho rằng qua thực tiễn cho thấy việc đào tạo nhân lực của thành phố có nhiều bất cập, lý thuyết và thực hành không đi với nhau. Vì vậy phải điều chỉnh để bớt đi thời gian đào tạo không cần thiết.

“Thành phố cũng đã tạo điều kiện cho các trường di dời theo quy hoạch để có cơ sở vật chất rộng rãi hơn. Tuy nhiên, đã 15 năm kể từ khi bắt đầu kế hoạch nhưng việc di dời rất chậm do một số trường trực thuộc Bộ vừa muốn đi vừa muốn giữ đất ở trung tâm. Chúng tôi cũng mong Bộ quan tâm tới vấn đề này” – ông Cang đề nghị.

TP.HCM không thành lập trường đại học mới

Hồi đáp lại những đề nghị của TP.HCM, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng hiện nay số cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố đã vượt quá quy hoạch mạng lưới các trường đại học. Vì vậy, Bộ đề nghị thành phố không cho phép thành lập trường đại học mới, đồng thời sắp xếp lại các trường đại học yếu, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn.

Cũng theo ông Ga, thành phố nên tập trung đầu tư vào các ngành nghề phục vụ hội nhập quốc tế, phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân chất lượng cao. Bộ đã cho phép các chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Trước đề nghị từ phía thành phố về việc vấn đề tự chủ, phân quyền, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng thành phố trước hết phải tận dụng và thực hiện đúng cơ chế pháp luật đã có.

“Các trường đại học hiện nay đã được tự chủ ở mức độ cao – tự xây dựng chương trình đào tạo, quyết định học liệu, nhập khẩu chương trình giáo dục nước ngoài đã qua thẩm định”.

Bà Phụng cho rằng có một số nội dung thành phố nên chuẩn bị nhân lực tốt hơn. “Ví dụ như Đề án 911 (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ) tuyển sinh trên toàn quốc nhưng năm nào cũng tuyển thiếu chỉ tiêu. Thành phố nên chuẩn bị nhân lực để tận dụng chính sách đào tạo nhân lực này”…

Bộ sẽ hướng dẫn, giám sát chứ không làm thay

Trước kiến nghị của thành phố về việc giao quyền cho thành phố kiểm tra, đánh giá xét tốt nghiệp THPT, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2016.

"Việc thành phố đề nghị giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là có cơ sở. Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến từ cơ sở và xem xét với tinh thần hướng dẫn, giám sát chứ không làm thay” – ông Nhạ nêu phương hướng.

Ông Nhạ cũng đề nghị thành phố một vài vấn đề khác ngoài những kiến nghị đã đưa, trong đó có việc không cho dạy thêm học thêm.

 “Tôi đề nghị TP.HCM quyết liệt trong việc thực hiện dạy thêm học thêm. Bộ GD-ĐT cũng sẽ chỉ đạo 62 tỉnh thành còn lại thực hiện vấn đề này. Đây không phải việc lựa chọn làm hay không mà là trách nhiệm” – ông Nhạ khẳng định.

Thành phố cũng cần chủ động rà soát cắt giảm những gì không cần thiết trong chương trình đào tạo.

 “Đôi khi Bộ rà soát sẽ không sát được như thành phố. Thành phố cứ kiến nghị, Bộ sẽ đồng ý, những cái gì mới quá sẽ thực hiện thí điểm. Cần mạnh dạn giảm tải để cấm dạy thêm học thêm. Đây cũng là việc mà thành phố làm được ngay”.

“Tôi rất muốn việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục gắn với mô hình cụ thể, sau một thời gian sẽ có kết quả. Việc đổi mới phải gắn với địa phương chứ không phải đổi mới từ phía Bộ GD-ĐT”.

Định hướng đến năm 2020 của giáo dục TP.HCM

1. Đến cuối năm 2020, 100% các trường học trên địa bàn Thành phố đạt chuẩn Quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất.

2. Đảm bảo đầy đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn quy định ở các cấp học, ngành học. Đến năm 2020 có 50% giáo viên các cấp đạt trình độ trên chuẩn (Mầm non 80%, Tiểu học 97%, THCS 90%, THPT 15%).

3. Đảm bảo đến năm 2020, 50% học sinh thành phố sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ có thể tự tin trong giao tiếp và tiếp tục theo học các chương trình đại học, cao đẳng quốc tế, 70% học sinh các cấp đạt được trình độ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.

4. Phổ cập và nâng cao trình độ Tin học cho học sinh phổ thông, đảm bảo cho học sinh có thể ứng dụng tin học trong học tập, trong nghiên cứu khoa học.

5. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập bậc trung học.

6. Đến năm 2020, có 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 65% học sinh THCS và 40% học sinh THPT học 2 buổi/ngày.

7. Đến năm 2020, có 100% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo; 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không bị suy dinh dưỡng cân nặng; giảm tỉ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%.

8. Đến năm 2020, có 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm Giáo dục thường xuyên được đánh giá ngoài và công nhận mức chất lượng giáo dục; đạt diện tích bình quân từ 8 đến 10 m2 /học sinh.

9. Có 100% các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc Sở GD&ĐT công bố chuẩn đầu ra và thực hiện đúng cam kết chuẩn đầu ra, thu hút 30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo…

  • Ngân Anh - Lê Huyền

CHUYẾN LÀM VIỆC CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT TẠI TP.HCM

NGÀY 7/6

NGÀY 8/6