Những tác phẩm thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, tình yêu quê hương đất nước đã được chọn làm chất liệu trong đề thi môn Ngữ văn các khối C, D kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay.


Thí sinh có thể tra cứu điểm thi TẠI ĐÂY



Thí sinh sau giờ làm bài thi. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là đề bài để thí sinh thể hiện sự hiểu biết về tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Bác đồng thời cũng là văn bản tuyên bố độc lập bất hủ của dân tộc.

Bên cạnh đó, đề thi của hai khối C, D đều khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc của học sinh qua những áng thơ trữ tình của hai nhà thơ nổi tiếng của văn đàn Cách mạng Việt Nam: Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm (khối C) và Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên (khối D).

Đây đều là những câu hỏi chiếm nhiều điểm nhất (5 điểm) trong mỗi bài thi.

Là những tác phẩm khó, nhiều hình ảnh trừu tượng và ý nghĩa hàm ẩn, những tác phẩm xuất sắc của văn học cách mạng sẽ yêu cầu thí sinh không chỉ là kiến thức văn học mà còn là tình yêu và lòng tự hào dân tộc.

Trong phần gợi ý giải đề thi, tổ giáo viên trang luyện thi trực tuyến “Học mãi” giải thích nghĩa của việc trích dẫn các bản tuyên ngôn trong tác phẩm "Tuyên ngôn Độc lập" là nhằm xác lập cơ sở pháp lí vững chắc cho bản Tuyên ngôn, tạo tiền đề để khẳng định quyền độc lập chính đáng của dân tộc Việt Nam. Việc nước Việt Nam tuyên bố độc lập là hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế, được nhân loại tiến bộ thừa nhận.

Không chỉ vậy, còn  ngầm cảnh báo âm mưu xâm lược của kẻ thù: nếu xâm lược Việt Nam chính là phản bội tổ tiên mình, làm vấy bẩn lá cờ nhân đạo thiêng liêng của những cuộc cách mạng vĩ đại của họ mà được cả thế giới ngưỡng vọng. Đó là cách dùng "gậy ông đập lưng ông".
Còn với câu hỏi “ăn” tới 50% điểm bài thi,  đoạn trích từ bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện rõ nét tư tưởng Đất nước của nhân dân trong một khía cạnh độc đáo nhân dân chính là chủ thể tạo lập nên Đất Nước. Nét riêng biệt, mới mẻ trong cách cảm nhận, lí giải của nhà thơ về Đất Nước nằm ở việc phát hiện và khẳng định, ngợi ca vai trò của nhân dân với Đất Nước.

Chị Hoàng Lan, giáo viên môn Ngữ văn ở Thanh Hóa phân tích: Nhìn ở một góc độ khác, đề thi môn Ngữ văn khối C là một ẩn dụ hoàn thiện. Câu hỏi nghị luận xã hội viết về lòng tự hào và nỗi xấu hổ, đặt trong bối cảnh khẳng định về chủ quyền độc lập dân tộc và tư tưởng đất nước của nhân dân sẽ là điều mà ít thí sinh nào có thể nghĩ tới. Nhưng những câu hỏi nóng bỏng chốn trường thi đã đặt ra cho không ít "sĩ tử" người lớn ngoài  trường đời.

  • Nguyễn Hường

Đề thi ĐH khối C năm 2011 môn Ngữ văn:

 Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (05 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì?

Câu 2 (3 điểm):

Biết tự hảo về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600) từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

PHẦN RIÊNG (5 điểm):

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IIIa và câu IIIb):

Câu IIIa. Theo chương trình chuẩn (05 điểm):

Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Câu IIIb: Theo chương trình nâng cao (05 điểm):

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

(Đất Nước- Trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12 Nâng cao, tập 1, NXB Giáo dục 2009, tr.117-118)

Phân tích đoạn thơ trên để làm rõ những cảm nhận riêng, độc đáo về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.


Đề thi ĐH môn Ngữ Văn năm 2011, khối D: 

 Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu I. (2,0 điểm)

Trong đoạn trích bài thơ Việt Bắc (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2009), Tố Hữu đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật giàu tính dân tộc nào? Những phương tiện đó phù hợp với việc diễn tả tình cảm gì của người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc?

Câu II. (3,0 điểm)

Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

 “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn trữ tình đượm buồn.

 Anh/chị hãy phân tích khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

“Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

   Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường

   Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

   Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

   Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

   Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

   Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12 Nâng cao,

    Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 106)

 Phân tích đoạn thơ trên để thấy được chất suy tưởng triết lí và nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên.

***********************************
Ý kiến độc giả về đề thi tuyển sinh đại học năm nay xin gửi về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn!