Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh, 36 tuổi, hiện đang là bảo mẫu một trường tiểu học vừa hoàn thành tốt nghiệp lớp 12 hệ TTGDTX và xuất sắc giành 24,75 điểm của khối C trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua.

Nỗ lực của "học sinh" 36 tuổi

Dù rời ghế nhà trường gần 20 năm, có gia đình và có công việc làm bảo mẫu tại một trường tiểu học, nhưng do chưa có bằng tốt nghiệp lớp 12, nên chị Hạnh muốn học để lấy bằng tốt nghiệp.

Chia sẻ về quyết định đi học lại, chị cho biết, “các thầy cô chỗ làm khuyên tôi nếu có điều kiện thì đăng kí học bổ túc vào ban đêm để lấy bằng tốt nghiệp. Hai năm qua tôi đăng kí học thêm tại TTGDTX với mong muốn có được tấm bằng tốt nghiệp 12”

Với một người bình thường, việc đi học ban đêm là một cố gắng. Với chị Hạnh, để có được tấm bằng là một nỗ lực gấp nhiều lần. Ngoài cùng chồng lo thu nhập cho gia đình, bản thân chị phải lo cơm nước cho hai con. 

“Mỗi ngày tôi đều cố gắng dậy sớm để thu xếp công việc trước khi tới chỗ làm. Do phải làm cả ngày đến 5 giờ chiều. Đến 6 chiều tôi lại lọ mọ đi học. Ban đêm chỉ còn một ít thời gian để nghỉ ngơi và ôn bài. Nhiều hôm đi làm về chỉ kịp ăn vội bát cơm tới lớp. May mắn tôi được ông xã và các con ủng hộ, được thêm mẹ ruột hỗ trợ thêm việc nhà nên mới hoàn thành được” – chị Hạnh tâm sự.

Chị Hạnh cũng chia sẻ thêm, dù trở thành học sinh ở độ tuổi gần 40 nhưng chị không thấy ngại vì ở lớp chị đã có bạn.

“Ở lớp, ngoài tôi ra còn một chị cũng lớn tuổi cũng theo học nên cũng thấy vui. Hơn nữa được học cùng các em trẻ tuổi, có gì không hiểu thì có thể giúp đỡ nhau vì các em rất năng động”

Học từ sách giáo khoa

Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh là thí sinh dành được số điểm khá cao trong kì thi vừa qua. Cụ thể điểm thi của chị Mỹ Hạnh tại cụm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì  4 môn như Ngữ Văn: 7,5 điểm,  Lịch Sử: 9,25 điểm,  Địa Lý: 8 điểm  và Toán 5,75. Nhưng chị Hạnh cho biết, chị không có thời gian học nhiều mà chủ yếu tập trung nghe giảng và học từ sách giáo khoa. 

{keywords}
Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh dành được 24,75 điểm  xét tuyển vào đại học (Ảnh:NVCC)

“Các thầy cô dạy ở trung tâm rất nhiệt tình và giảng bài dễ hiểu nên học buổi nào tôi cố gắng nắm vững kiến thức buổi đó. Nếu chưa hiểu chỗ nào tôi hỏi lại các thầy cô hoặc các bạn trong lớp. Vì về nhà tôi không có thời gian ôn nên ở lớp học được cái gì thì tốt cái đó. Trước kì thi vừa tôi mới dành 1 tháng để ôn tập” chị Hạnh chia sẻ.

Trong 4 môn học chị Hạnh đăng kí dự thi, môn Lịch Sử dành được điểm cao nhất với 9,25 điểm. Chia sẻ về vấn đề này chị cho biết. Dù được điểm cao nhưng chủ yếu là học kiến thức từ sách giáo khoa và tập trung nghe cô giảng. Ngoài ra đọc và nghiên cứu thêm đề cương cô giáo cho chứ không học thêm vì không có thời gian.

“Đề thi vừa qua có nhiều câu hỏi theo hướng mở. Ngoài kiến thức đã học tôi cũng lồng ghép nhiều kiến thức thực tiễn đã biết nên được điểm khá cao” 

Chị Hạnh cũng cho biết thêm, khi biết được điểm cao trong kỳ thi vừa qua, gia đình và các thầy cô chỗ làm, trung tâm chị học đều rất vui mừng. Nhiều người khuyên chị đăng kí xét tuyển vào trường sư phạm. 

40 tuổi ra trường –tôi sợ thất nghiệp

Trong 4 môn thi, với tổng điểm ba môn khối C Văn- Sử - Địa là 24,75 điểm, chị Hạnh có thể đỗ vào rất nhiều trường đại học top trên. Nhưng chị cho biết hiện đang cân nhắc có nên học đại học không.

“Tôi rất muốn có tấm bằng tốt nghiệp THPT và đã làm được. Còn về học đại học, tôi cũng từng mong được trở thành một giáo viên vì rất thích nghề giáo. Nhưng tôi cũng phải cân nhắc. Hiện tại mỗi tháng làm bảo mẫu tôi thu nhập được 5 triệu đồng, với thu nhập này không nhiều nhưng tằn tiện gia đình có thêm nguồn trang trải. Nếu  đi học, phải nghỉ việc, gia đình không có thêm khoản này mà lại tốn kém thêm tiền đi học”

Ngoài ra, một vấn đề nữa khiến chị Hạnh phân vân là hiện chị đã 36 tuổi, nếu học đại học 4 năm, 40 tuổi chị mới ra trường sẽ không xin được việc. 

“Hiện nay các trường đều nhận giáo viên trẻ có nhiều kinh nghiệm. Người trẻ cũng năng động và dễ thay đổi. Nếu tôi học đại học, 40 tuổi mới ra trường thì có ai nhận tôi vào làm không”

Nhưng nữ bảo mẫu cho biết, “nếu tìm được một lớp học tại chức ban đêm có thể suy nghĩ lại”

Lê Huyền