{keywords}
Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội). Ảnh: Thanh Hùng

Đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp khó khăn hơn

Chia sẻ với VietNamNet, ông Tiến cho biết, số người lao động ở nông thôn được doanh nghiệp tuyển vào đào tạo theo hình thức học nghề, tập nghề để làm cho doanh nghiệp là rất lớn. 

“Công nghiệp điện, điện tử; may mặc; giày da hút rất nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên những ngành nghề này thì tuổi đời làm nghề cũng giảm. Bởi đây là những nghề có yếu tố độc hại. Đến nay đang có tình trạng là lao động 18 tuổi hăm hở vào làm những ngành nghề này 5-6 năm tích được một số tiền, bỏ công việc này và rồi bổ sung vào lực lượng thất nghiệp ở các đô thị. Đây là một vấn đề về việc sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả hay không. Bây giờ chúng ta đang tính chuyện đào tạo lại số này”.

Trong khi đó, theo ông Tiến, hiện nay các lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghệ ô tô, hàn đang rất thiếu lao động, kể cả ở doanh nghiệp trong nước lẫn đi nước ngoài, song người lao động lại không đăng ký học.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Tiến cho biết việc đào tạo nghề nông nghiệp gặp khó hơn so với nghề phi nông nghiệp.

“Với nghề phi nông nghiệp, người lao động có thể được nhận ngay khi đào tạo ra đúng vị trí doanh nghiệp cần. Còn nghề nông nghiệp thì khó, bởi có rất nhiều nhưng chọn ngành gì để đào tạo lại là câu hỏi lớn. Cũng về vùng trồng lúa, vùng chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả nhưng không phải chỉ là dạy những kỹ thuật trồng hay chăn nuôi mà ngày thường họ vẫn có thể làm dù không cần học. Nếu dạy nghề nông nghiệp theo đúng tinh thần phải là đào tạo một bộ phận nông dân để làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại – đó mới là mục tiêu của Đề án 1956 - đề án đào tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện nay, sau học xong thì kiến thức, kỹ năng người lao động và năng suất có tăng. Họ biết cách sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khoa học hơn, tiết kiệm chi phí hơn và thu nhập có tăng. Tuy nhiên, để tạo ra một sự chuyển biến thực chất về sản xuất cũng như năng suất lao động thực sự trong sản xuất nông nghiệp thì chưa nhiều. Bởi khi xác định được nghề phù hợp với vùng địa phương rồi thì cũng không phải tất cả các hộ đều làm cái đó mà phải chọn hộ có điều kiện triển khai. Và khi đã chọn để học và làm nghề thì phải làm quy mô lớn, trang trại. Chứ làm tự canh tự túc thì không cần học”, ông Tiến nêu thực trạng.

Thậm chí, sau khi bàn bạc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt ra chỉ tiêu là 50% đào tạo nghề nông nghiệp hướng tới yêu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp nông nghiệp, 20% là phát triển hợp tác xã nông nghiệp và 30% là an sinh xã hội (tức là dạy tiếp tục làm nghề cũ nhưng để có thu nhập cao hơn). “Song vừa qua theo tổng kết thì nhóm an sinh xã hội lại lên tới 60%, còn nhóm dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp lại xuống dưới 20%”.

Cần doanh nghiệp tiên phong

Do đó, ông Tiến cho rằng, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn kể cả nông nghiệp lẫn phi nông nghiệp thì cần có doanh nghiệp tiên phong. Tức là tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau đó cho lao động.

{keywords}
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải có doanh nghiệp tiên phong!

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa mấy mặn mà và thực tế chỉ một số ít đầu tư vào việc này. Thực tế có những trường hợp những trường nghề và doanh nghiệp dù khoảng cách địa lý khá gần nhau nhưng sự kết nối gần như không có.

“Việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp dù đã có những định hướng, quy định nhưng thực tế chưa trở thành được một môi trường sinh thái tự nhiên. Có thể liên kết tới nhau chỉ nhờ cơ duyên biết nhau của những người đứng đầu. Trong khi đó, theo nhu cầu nội tại thì thực tiễn trường rất cần, doanh nghiệp cũng cần dù chưa cấp thiết, sống còn.

Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tính tới các giải pháp khắc phục bằng cách thu hút đầu tư vào nông thôn qua việc kêu gọi doanh nghiệp về và nhu cầu lao động ra sao thì sẽ đào tạo lao động nghề đó. “Thứ hai là phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tức tất cả phải để doanh nghiệp dẫn dắt. Sau đó các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng chương trình theo đúng hướng đó. Như vậy sẽ là một quy trình khép kín doanh nghiệp đi trước, là người đặt hàng, nêu yêu cầu, giám sát và rồi sử dụng”, ông Tiến nói.

Được biết,- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Theo đó, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thế xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiêp được giao đất, cho thuê đất, cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động GDNN.

Thanh Hùng 

Chỉ 37% doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động

Chỉ 37% doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động

-Một trong những thách thức của đào tạo nghề nghiệp cho lao động, đặc biệt ở khu vực nông thôn là trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt.