Sáng ngày 24/6, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia đã thực hiện bài thi cuối cùng của kỳ thi này - bài thi tổ hợp Khoa học xã hội bao gồm các môn thành phần là Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân.

Nhận xét về đề thi môn Địa lý, thí sinh Hoàng Lê Khánh Linh ở điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, TP.HCM cho rằng, so với đề thi tự luận, đề thi trắc nghiệm dễ hơn. Trong 40 câu hỏi, Linh làm được 30 câu. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu phải suy luận, tính toán. Ngoài ra có một số câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải biết thực tế như môi trường ở miền Trung. 

Thí sinh Ngô Thuỳ Phương Anh cũng ở điểm thi này cho biết đề thi rất “dễ thở”, ngoài những câu hỏi lý thuyết kiểm tra trí nhớ học sinh, đề thi còn những câu hỏi yêu cầu kiểm tra kiến thức học sinh như suy luận. Phương Anh cho biết em làm được khoảng 6 điểm vì có 4 - 5 câu hơi khó. 

Thí sinh Đinh Phương Anh cũng nhận xét rằng đề thi không khó, có một số câu hỏi liên hệ với thực tế như vấn đề thất nghiệp. Phương Anh tự “chấm điểm” cho mình từ 7-8 điểm. 

{keywords}
Thí sinh vui vẻ ra về sau buổi thi cuối (Ảnh: Đỗ Quang Đức)

Thí sinh Ngọc  Anh cho biết thi mã đề 320, so với đề minh họa trước đó, đề thi không khác nhiều làm rất tốt. Ngoài ra, đề còn có nội dung hỏi về thống kê, biểu đồ hỏi hình tròn hay kết hợp, vận dụng kiến thức thực tế như vấn đề thất nghiệp hiện nay xảy ra nhiều ở đâu...

Đối với môn Lịch sử, cũng tại điểm thi này, sau khi rời phòng thi nhiều thí sinh cho biết đề thi vừa sức và hợp lý. 

Là thí sinh tự do thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Bộ Công an, Nguyễn Linh nhận xét đề thi không khó, không có nhiều câu hỏi đánh đó và đòi hỏi trí nhớ như số liệu. 40 câu hỏi làm trong trong 50 phút là rất thoải mái vì nhiều câu chỉ hỏi kiến thức rất sơ đẳng. 

Còn thí sinh Quang Nam cho biết đề thi có nhiều câu hỏi liên quan đến giai đoạn lịch sử như câu hỏi liên quan đến giai đoạn 1930 - 1931, 1936 - 1939. Ngoài ra có câu hỏi liên quan đến Mỹ và Tây Âu. Quang Nam cho biết bản thân là một người yêu thích môn Lịch sử nên rất hài lòng với đề thi cũng như hài lòng với kết quả bài thi.

Em Đào Tuyết Mai, thí sinh tại điểm Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) cho biết hình thức thi trắc nghiệm đối với các môn Khoa học Xã hội năm nay không gây ra quá nhiều khó khăn đối với các em. Các bạn có học lực TB có thể đạt được 5-6 điểm. 

{keywords}
Ảnh: Đỗ Quang Đức

"Tuy chỉ có điều là thi 3 môn xã hội liên tục đòi hỏi thí sinh phải nhớ một lượng kiến thức khá lớn nên em cảm thấy hơi mệt. Theo em, môn lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khá là khó vì đòi hỏi thí sinh phải hệ thống hóa logic từng mốc sự kiện, không gian, thời gian của lịch sử và xuyên suốt. Còn môn Giáo dục công dân thì khá thú vị vì có nhiều tính huống sát với thực tế cuộc sống, tạo cảm hứng làm bài cho thí sinh. Những tình huống đó khá hữu ích cho đời sống".

Ghi nhận của VietNamNet tại Hà Nội, em Đàm Xuân Huy (Trường THPT Trần Hưng Đạo) chia sẻ:

“Việc thi Lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm giúp em chọn đáp án nhanh và dễ đưa ra được đáp án hơn so với việc phải nhớ kiến thức và trình bày như thi tự luận như những năm trước đây. Tuy nhiên chắc chắn việc thi trắc nghiệm như thế này cũng khiến chúng em không tập trung nhớ các kiến thức bằng thi tự luận”.

{keywords}
Ảnh: Đỗ Quang Đức

Với môn Giáo dục công dân là năm đầu tiên xuất hiện, Huy chia sẻ đề khá dễ và việc đạt được từ 5-6 điểm phục vụ xét tốt nghiệp THPT nằm trong tầm tay.

Huy tự tin dự kiến mỗi môn mình có thể kiếm được từ 8 điểm trở lên.  

Em Vũ Khánh Linh (Trường THPT Nhân Chính) nhận xét đề thi môn Lịch sử có phần hơi khó nhưng đề Địa lý và Giáo dục công dân thì dễ, đặc biệt Giáo dục công dân em cảm thấy rất dễ khi chỉ mất tầm 10 phút để làm xong đề thi.

“Đề có nhiều câu liên hệ thực tiễn và đáp án khá là dễ để chọn được. Em nghĩ bởi phụ thuộc vào kiến thức xã hội của học sinh thôi chứ trong sách không nhiều. Em ấn tượng với những câu hỏi về xâm phạm quyền tự do,…”, Linh nói.

Linh chia sẻ bản thân em cảm thấy thích hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Lịch sử. “Thứ nhất là chúng em đỡ phải học thuộc hơn và thậm chí là nếu có không câu trả lời chính xác thì khi có các đáp án đưa ra thì mình vẫn có thể phân tích, thậm chí đoán để khoanh một đáp án nào đó. Tuy là kiến thức đều phổ rộng như nhau cả thôi nhưng thi trắc nghiệm có thể đoán được, còn thi tự luận thì điều đó là không thể và chắc chắn phải học nhiều hơn”.

Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội ngày sáng 24/6 được nhiều thí sinh tại Hải Phòng đánh giá là dễ. Hầu hết thí sinh thở phào vì đề thi vừa sức, kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình học.
{keywords}
Thí sinh Hải Phòng ra về sau khi kết thúc môn thi cuối
Theo thông tin từ Hội đồng thi số 3 điểm thi Hải Phòng, số thí sinh dự thi môn Lịch sử là 10.838/10.920 thí sinh, vắng 82 thí sinh so với đăng ký.
Môn địa lý tham có 10.605/10.681 thí sinh dự thi, vắng 76 thí sinh. Môn Giáo dục công dân có 9.280/9.318 thí sinh dự thi, vắng 38 thí sinh.
Không thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Quỳnh Hương

Lê Huyền - Thanh Hùng - Quang Đức