- Chiều 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nêu 5 thông điệp trao đổi với giảng viên và sinh viên Hutech; đồng thời, gửi tới các trường đại học ngoài công lập khác.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thứ nhất, ông cho rằng Hutech đã định hướng hợp lý khi đi theo hướng đại ứng dụng. Tuy nhiên, trường phải chọn được sự khác biệt. Đó không phải là số lượng sinh viên đông, ra trường có việc làm ngay hay cơ sở vật chất hiện đại mà sự khác biệt phải được thể hiện trong chất lượng dịch vụ, đi vào những ngành đào tạo mà nền kinh tế cần, trong thời kì hội nhập – là những ngành đào tạo mà các trường ĐH khác chưa chuẩn bị kịp.

Về mô hình đào tạo, ông Nhạ cho rằng trong khi nhiều trường đại học còn loay hoay với mô hình tự chủ, thì Hutech đã có khởi đầu rõ nét, mạch lạc. Ông Nhạ đề nghị trường càng “đi” càng phải vững vàng, không để xảy ra kiện cáo. Mô hình đào tạo của trường gắn chặt đào tạo với thực tế, khắc phục được căn bệnh phổ biến hiện nay là tính hàn lâm trong đào tạo rất cao, sinh viên ra trường ngơ ngác, quá trình học tập và khởi nghiệp sau này tách biệt. Điều này gây lãng phí rất lớn.

 “Các trường công đang say sưa với đào tạo tiến sĩ, đâu đó xao lãng với đào tạo đại học. Hutech cần bám chắc việc đào tạo đại học để tạo sự khác biệt”- ông Nhạ lưu ý

Vần đề thứ hai mà ông Nhạ trao đổi là về ngành nghề đào tạo. Ông Nhạ đề nghị nhà trường rà soát ngành nghề có tiềm năng tốt, điều chỉnh các ngành nghề phù hợp với xu thế hội nhập.

Thứ ba, về nghiên cứu khoa học, ông Nhạ cho rằng, khác với trường công, nghiên cứu khoa học ở trường tư như Hutech trước hết để nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo. Cần kéo giảng viên, sinh viên vào nghiên cứu, nghiên cứu gắn với khởi nghiệp…Đây là xu hướng rất mới.

{keywords}
Ảnh Lê Huyền

Thứ tư, về giảng viên, theo ông Nhạ, tỷ lệ 500/800 cán bộ, giảng viên của trường có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, đối với một trường đại học theo hướng thực hành không cần quá nhiều tiến sĩ mà quan trong chất lượng. Hutech cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng lại giảng viên, tránh để xảy ra tình trạng giảng viên chạy theo bằng tiến sĩ.

“Chạy theo tiến sĩ sẽ thành tiến sĩ ảo. Tôi đánh giá cao nỗ lực của các thầy cô theo đuổi việc làm tiến sĩ. Nhưng theo tôi nếu không có công nhận quốc tế thì chất lượng cũng khó nói” – ông Nhạ bày tỏ quan điểm.

Ông Nhạ cũng lưu ý trường về vấn đề tài chính, cần tính toán để tái đầu tư, tránh tình trạng chia lợi nhuận sớm. “Hiện nay, mô hình của trường chưa phải theo hướng phi lợi nhuận. Nhưng trường nên có cách làm để sau này mọi người nhìn vào thấy đây là trường vì chất lượng”.

Vấn đề cuối cùng mà ông Nhạ đề cập tới là việc quản trị đại học. Theo ông Nhạ việc quản trị phải hướng tới chuẩn quốc tế. “Kinh nghiệm cho thấy chúng ta nên học mô hình quản trị của các trường đại học tư ở một số nước”…

Trước đó, ông Hồ Đắc Lộc, hiệu trưởng Hutech cho biết, trường có 21 năm thành lập, là một trong hai trường đầu tiên thí điểm mô hình tư thục. Hiện nay, trường đào tạo từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Trường có hai mô hình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ và liên kết quốc tế. Trường xác định thuộc đại học ứng dụng.

Ông Lộc cũng cho biết từ năm đầu tiên thành lập với cơ sở thuê mướn tại 12 địa điểm, có dưới 100 cán bộ, giảng viên, đến nay trường đã có trên 800 cán bộ giảng viên. Tổng số tiền cổ đông đóng góp nhà trường hơn 1.500 tỷ.

Lê Huyền- Ngân Anh