- Trao đổi với báo chí sau khi công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2017 của 63 tỉnh, thành chiều nay(6/7), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết hiện tượng nhiều bài thi điểm 10 không phải là bất thường.

"Nhiều điểm 10: Không bất thường"

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông có thể đưa ra những đánh giá về công tác công bố điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm nay tính đến thời điểm này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc công bố điểm thi vào ngày 6/7 là trước 1 ngày so với kế hoạch.

Năm nay, Bộ rất cẩn trọng trong việc công bố kết quả thi, rà soát kỹ càng.

Không chỉ là đối chứng tên, tuổi, số báo danh, mà còn kiểm chứng cả những sai sót trong suốt quá trình chấm thi bằng cách vẽ lại phổ điểm của tất cả bài thi trên cơ sở dữ liệu gốc của tỉnh gửi về.

Hai phổ điểm trùng nhau nghĩa là kết quả chấm của địa phương nghiêm túc.

Bộ đánh giá cao sự nghiêm túc của các địa phương, chấm sít sao. 

Đến 18h30 ngày hôm nay 6/7 tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước đã công bố kết quả thi suôn sẻ.

{keywords}
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: "Đối với thi trắc nghiệm khách quan thì đừng nên so sánh điểm 10 năm nay nhiều hơn điểm 10 năm ngoái". Ảnh: Lê Anh Dũng

- Thống kê sơ bộ từ 63 tỉnh, thành cho thấy có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10, gấp nhiều lần con số của năm 2016. Theo ông,điểm thi cao như vậy có phải do đề thi năm nay dễ quá hoặc việc coi thi không thực sự nghiêm túc?

Để đánh giá giá một cách chỉn chu về kết quả thi năm nay và so sánh với năm ngoái, cần phân tích sâu về cơ sở dữ liệu; cần có phổ điểm cụ thể. Không phải số bài thi điểm 10 tăng cao có nghĩa là đề quá dễ hoặc coi thi không nghiêm túc.

Hiện nay, các tổ kĩ thuật của Bộ đang phân tích kết quả đối với từng môn thi và kết quả các tổ hợp xét tuyển ĐH. Bộ sẽ sớm công bố các kết quả phân tích này để thí sinh nghiên cứu quyết định việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, phổ điểm các môn thi năm nay rất tốt, phân bố đều, tính phân loại cao, điểm trung bình khoảng từ 4-6 điểm đối với hầu hết các môn thi. 

Do yêu cầu đề thi phải đạt cả hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH nên ban đề thi đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo chất lượng đề thi năm nay. Phổ điểm kết quả thi một số môn thi điển hình Vật lý, Sinh học, Lịch sử dưới đây thể hiện rất rõ chất lượng đề thi tốt.

Sau khi có phổ điểm của tất cả các môn thi, chúng ta có thể so sánh với phổ điểm năm ngoái để có sự phân tích đánh giá cụ thể.

{keywords}
{keywords}
{keywords}

Phổ điểm các môn Vật lý, Sinh học, Lịch sử. Đồ họa: Bộ GD-ĐT

- Tuy nhiên, năm 2016, số lượng điểm 10 chưa đến 100 điểm. Trong khi đó năm nay có tới hơn 4.000 điểm 10. Sự chênh lệch này gợi ra rất nhiều suy nghĩ?

- Năm nay là năm đầu tiên chúng ta sử dụng đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi chuẩn hóa. Đề thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa có sự khác biệt cơ bản so với đề thi tự luận.

Đề thi này được rút ra từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa bao gồm những ô chứa câu hỏi có mức độ khó dễ khác nhau.

Ví dụ ô câu hỏi dễ bao gồm tất cả những câu hỏi tương đương trong tất cả các chương của giáo trình; ô chứa câu hỏi rất khó cũng bao gồm tất cả các chương trong giáo trình.

Khi thi bằng phương pháp tự luận, mỗi đề thi chỉ có một vài câu khó nên không thể bao quát hết chương trình được. Vì thế chỉ những thí sinh “trúng tủ” mới làm được các câu hỏi khó.

Nay thi trắc nghiệm khách quan với 24 mã đề thi khác nhau thì số câu hỏi khó rất nhiều và bao quát hết chương trình nên nhiều thí sinh có thể làm được. Đó là ưu điểm của thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa, giúp giảm học lệch, học tủ ở phổ thông.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận với việc coi thi nghiêm túc, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh chỉ có một vài phút để làm một câu hỏi thế mà các em đã làm đúng hết tất cả các câu hỏi của bài thi bao quát toàn bộ chương trình thì các em hoàn toàn xứng đáng đạt điểm 10.

Bên cạnh một số em đạt điểm 10 thì cũng có rất nhiều em đạt điểm 0, điểm 1 và phổ điểm không lệch về phía phải (phía điểm cao). Vì thế đề thi không phải là dễ.

{keywords}
Thống kê ban đầu, điểm trung bình môn Toán năm nay là 5,19; nhỉnh hơn năm 2016 (là 5,02). Đồ họa: Lê Văn

Thí sinh sẽ không bị thiệt

- Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích đã “đi” được nửa chặng đường. Liệu với kết quả điểm thi cao thì có đạt được mục đích thứ 2 là xét tuyển đại học?

- Trong vài ngày tới, Bộ sẽ phân tích kết quả thi và đến ngày 12/7, hội đồng xác định ngưỡng điểm đầu vào.

Khi có số liệu đầy đủ để phân tích thì sẽ hình dung được điểm trúng tuyển vào các trường, điểm chuẩn vào các ngành khác nhau.

Điều này phụ thuộc vào phổ điểm tổng hợp của 3 môn mà trường lựa chọn.

Nếu việc phân bố đều, không bị dốc thì việc chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi hơn.

Bởi vì khi ta tăng hoặc giảm nửa điểm thì số lượng thí sinh không tăng hoặc không giảm nhiều.

Đó là điều mà các trường rất mong muốn để chọn được thí sinh phù hợp.

Trong trường hợp phổ điểm bị “dốc” thì các trường buộc phải sử dụng các tiêu chí phụ để chọn học sinh sẽ vất vả hơn một chút.

Tôi có thể dự đoán phổ điểm năm nay sẽ không “dốc”.

Số thí sinh đạt điểm 10 nhiều, nhưng cũng nhiều em đạt điểm 0, 1 và phổ điểm tập trung chủ yếu ở vùng trung bình, tức là điểm từ từ 4 đến 6.

- Nhưng với điểm số cao như năm nay, việc xét tuyển sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo thí sinh không bị thiệt thòi, điểm cao mà vẫn trượt đại học?

Theo quy chế, TS được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi của mình.

Đó là đối với các trường, còn đối với TS, sẽ ưu tiên trúng tuyển NV cao nhất trong danh sách các em đăng ký.

Vì vậy, nếu như một em đăng ký NV10 điểm cao hơn em NV1 thì em NV10 vẫn trúng chứ không phải là em NV1.

Nhưng các em đăng ký nhiều NV từ 1 đến 10 thì đương nhiên nếu trúng NV1 thì những NV sau em không được xét tuyển nữa.

Như vậy việc xét tuyển năm nay sẽ tạo thuận lợi cho TS. Và sau khi có kết quả các em không cần phải điều chỉnh NV.

Ví dụ như khi các em đã đăng ký rồi thì khi xét vào một trường nào đấy, nếu điểm cao hơn đăng ký NV trước thì vẫn trúng tuyển bình thường chứ không cần phải điều chỉnh NV.

Xin cảm ơn ông!

  • Lê Văn - Nguyễn Thảo (Ghi)

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT): Điểm toán dưới 5 xấp xỉ 49,2%

 

Theo số liệu phân tích sơ bộ, môn Toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. 

Những thí sinh có bài thi điểm 10 chứng tỏ sức rất tốt. Ở môn Toán, có 1.577 em có điểm từ 1 trở xuống (điểm liệt) tức là bị trượt tốt nghiệp. Vậy con số này cũng rất lớn. Điểm trung bình của môn Toán là 5,18 điểm. Điểm toán dưới 5 chiếm xấp xỉ 49.2%. 

Kết quả cho thấy hoàn toàn có thể phân loại thí sinh ở kết quả phổ điểm. Tuy nhiên, cũng cần phải rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ thầy cô, học sinh và toàn xã hội về đề thi để có những điều chỉnh tốt hơn cho những năm tới.

Thanh Hùng (Ghi)