Từ những trải nghiệm khi làm việc với giới trẻ ở Mỹ và Việt Nam, ThS Ngô Trí Trung, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh, Sinh viên, Khoa Quốc tế (ĐHQG Hà Nội) đã đưa ra gợi ý về cách chọn ngành, chọn trường cho những học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh đại học năm 2021.

{keywords}

ThS Ngô Trí Trung, Phó trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên, Khoa Quốc tế (ĐHQG Hà Nội) 

Học đại học có thật sự cần thiết?

Theo ThS Trung, thay vì bắt đầu với việc chọn trường đại học trước rồi mới chọn ngành, thí sinh cần phải hiểu điều mình thực sự đam mê là gì; mình phù hợp với ngành nghề nào.

“Nếu bạn không thực sự hiểu bản thân mình đang cần gì thì bạn sẽ không đủ sự kiên định để bước tiếp trên con đường mà mình lựa chọn”.

Nam giảng viên cũng cho rằng, trường đại học sẽ mang đến ảnh hưởng nhất định đối với quãng đường của người học sau này, nhưng đây không phải là con đường duy nhất để chuẩn bị cho 40 năm tiếp theo của cuộc đời.

Do đó, thí sinh nên bắt đầu với việc tìm hiểu rõ bản thân mình muốn gì, sau đó liên hệ điều đó với một ngành nghề cụ thể và bước cuối cùng là mới nên chọn trường đại học để giúp bản thân tiếp cận với ngành nghề đó.

“Khi làm thêm cho một tổ chức xã hội ở Mỹ, tôi đã từng gọi điện cho rất nhiều anh chị người Mỹ để hỏi tại sao họ lại thấy ngành này có giá trị? Tại sao với họ, ngành này lại đem tới hạnh phúc? Hàng ngày, anh chị làm những gì, học được những gì? Điều gì trong công việc khiến anh chị vui/ buồn mỗi ngày?”, ThS Trung chia sẻ.

Để có thêm thông tin về ngành học, theo ThS Trung, người học nên hỏi kinh nghiệm của những anh chị đi trước, những người đã làm trong nghề để giúp mình có cái nhìn tổng quan nhất.

Tiêu chí nào để chọn một trường đại học phù hợp?

Bên cạnh đó, ThS Trung cũng cho rằng, điều quan trọng nhất khiến học sinh chưa có tâm thế đúng đắn khi lựa chọn trường đại học là các em chỉ lo lắng không có đủ sức và không đủ tốt để vào trường.

Thay vào đó, học sinh hãy tiếp cận theo hướng ngược lại: Liệu trường học sẽ cho chúng ta được điều gì? Liệu trường có giúp cho chúng ta được nhiều điều như kỳ vọng không? Liệu trường có những giá trị mà chúng ta tìm kiếm hay không?

“Trường đại học không phải là nơi làm khó chúng ta. Mục đích của trường đại học là cho chúng ta giá trị hỗ trợ trung chuyển cho các bước tiếp theo của cuộc đời. Một môi trường đại học tốt là nơi có thể cung cấp cho sinh viên các kỹ năng từ sớm bên cạnh việc giảng dạy kiến thức.

Người học nên mạnh dạn hỏi ngôi trường mà mình định theo học xem trường sẽ cho mình kỹ năng và trải nghiệm như thế nào.

Ví dụ: “Lần gần nhất trường làm hoạt động gì và làm như thế nào? Bao nhiêu bạn sinh viên ra trường làm việc đúng ngành nghề? Tại sao em nên chọn trường mình? Trường có những cơ hội/hoạt động nào? Câu lạc bộ nào để cho em rèn luyện những kỹ năng? Những kỹ năng đó cụ thể là gì? Lần gần nhất trường tổ chức cuộc thi cho sinh viên là khi nào? Năm nhất em có được định hướng về nghề nghiệp không? Trường đang có danh mục hợp tác với bao nhiêu doanh nghiệp?…

Khi các em đưa ra được đáp án cho những câu trả lời đó thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn cho câu hỏi nên theo học ngôi trường nào”, ông Trung nói.

Ngoài việc lấy thông tin từ cán bộ tuyển sinh của trường, một kênh thông tin hữu hiệu khác, theo ông Trung, chính là những người làm trong ngành, là cựu sinh viên của trường. Đây đều là những chia sẻ chân thật nhất về trường.

“Hãy tránh chọn trường có điểm đầu vào cao, khiến mình có cảm giác tự hào vì thấy mình giỏi, nhưng khi ra trường lại chưa chắc mình đã giỏi như mình tưởng. Thay vào đó hãy chọn cho mình một ngôi trường mà khi từ đầu vào mình đang dừng ở nấc “3-4”, đến khi ra trường sẽ được ở nấc “7-8”.

Giá trị bản thân không nằm ở danh hiệu trên tấm bằng. Bởi dù các bạn có học tập tại một ngôi trường tốt nhất thì khi đi làm mới là lúc chúng ta học thực sự. Môi trường đại học chỉ là chất xúc tác, còn điều quan trọng vẫn là những nỗ lực của chính bản thân mình”, ThS Trung chia sẻ.

Thời Vũ

Thí sinh 'đổ' vào nhóm ngành nào đông nhất?

Thí sinh 'đổ' vào nhóm ngành nào đông nhất?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có 1/3 số lượng nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý. Trong khi đó, ở ngành Giáo dục mầm non, lượng nguyện vọng đăng ký thậm chí chưa đạt tới mức chỉ tiêu của các trường đề ra.