- Chiều 8/9, Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc Gia, Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khai trường với chủ đề "Phát triển bền vững”.

{keywords}

TS. Seko Hiroshige – Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Tiến sĩ danh dự của ĐH Quốc gia Hà Nội) – đã có bài diễn thuyết về tương lai của Việt Nam

Mở đầu, GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật đã có bài phát biểu khai mạc hội thảo. Trong bài phát biểu của mình, GS.TS Furuta Motoo nêu sứ mệnh của trường: cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao; tiếp nhận chuyển giao tri thức từ Nhật Bản; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản; và tác động tích cực đến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng. Do vậy "Phát triển bền vững" là triết lý xuyên suốt trong các hoạt động học thuật của Trường. Triết lý giáo dục này cũng chính là chủ đề cho Hội thảo khoa học đầu tiên Trường tổ chức.

Giáo sư Furuta cũng thay mặt Nhà trường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội và các đại học đối tác của cả hai nước Việt Nam, Nhật Bản trong thời gian tới.

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, phân hóa giàu nghèo, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa... thì phát triển bền vững đang trở thành chủ đề rất được quan tâm. Chính vì vậy, nội dung mà các diễn giả Việt Nam và Nhật Bản trình bày tại hội thảo cũng xoay quanh các vấn đề như “Tương lai của Việt Nam”, “Biến đối toàn cầu & tính bền vững”…

Trong phần diễn thuyết kỉ niệm, TS. Seko Hiroshige, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói về chủ đề “Tương lai của Việt Nam”. Với chủ đề này, TS. Seko Hiroshige đã đề cập đến hai ý chính: dòng chảy của tự do thương mại trên thế giới và đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian qua, các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong dòng chảy tự do thương mại trên thế giới. Đó là một xu hướng không thể ngăn chặn.

Theo TS. Hiroshige, Việt Nam có những tiềm năng phát triển kinh tế không thể phủ nhận, nhưng để những tiềm năng đó trở thành hiệu quả thực tế, chúng ta cần có những cải cách mạnh mẽ, trong đó quan trọng nhất là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là sứ mệnh của Trường Đại học Việt Nhật. Và để bắt đầu hiện thực hóa xứ mệnh này, Trường Đại học Việt Nhật đã lựa chọn 6 ngành đào tạo là thế mạnh của Nhật Bản và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, bao gồm: Công nghệ Nano, Kỹ thuật Hạ tầng, Kỹ thuật Môi trường, Chính sách công, Khu vực học và Quản trị kinh doanh.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT, ĐHQGHN, cũng đồng ý với quan điểm của ông Kitaoka Shinichi. Trong bài phát biểu “So sánh văn hóa Việt Nam và Nhật Bản”, GS. Giang đã phân tích rõ hơn những điểm tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản về điều kiện tự nhiên, văn hóa, các mô hình tổ chức nhà nước và cách ứng xử với văn hóa ngoại lai. Giáo sư đi đến kết luận, dù khi mới nhìn qua Việt Nam và Nhật Bản tương tự như nhau, những khi đi vào phân tích kĩ, Việt Nam và Nhật Bản gần như trái ngược nhau. “Hai dân tộc như hai bàn tay trái phải – trái ngược nhưng không xung khắc mà có thể hỗ trợ bổ khuyết cho nhau. Do vậy chúng ta cần kết hợp, bổ sung cho nhau để cùng phát triển mạnh hơn trong tương lai”, GS.TSKH. Vũ Minh Giang khẳng định.

{keywords}

GS. TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội có bài diễn thuyết so sánh văn hóa Việt Nam và Nhật Bản

Giới thiệu tổng quan về Trường ĐH Việt Nhật, PGS.TS. Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong khóa 1, trường chỉ tuyển sinh 72 học viên thạc sĩ với quan điểm “Không thỏa hiệp về chất lượng”.

Trong bài giảng mở về biến đổi toàn cầu và tính bền vững, GS.TS. Kensuke Fukushi - ĐH Tokyo cho rằng, để có thể phát triển bền vững, con người cần cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Ông Fukushi cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội với Việt Nam. Chính vì vậy, Trường ĐH Việt Nhật được thành lập để đào tạo nên nguồn nhân lực có khả năng ứng phó với những thách thức và cơ hội này.

Tham gia hội thảo, GS.TS. Sumi Akimasa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản đã mang đến bài giảng với chủ đề “Lý thuyết cơ bản về Biến đổi khí hậu”. GS. Akimasa đã đưa ra các căn cứ khoa học, xem xét hiện tượng nóng lên toàn cầu dưới khía cạnh vật lí để làm rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với tương lai của thế giới trong đó có Việt Nam.

Với chủ đề “Hướng tới xã hội thích ứng với biến đổi của khí hậu”, GS.TS. Mimura Nobuo, Giám đốc Đại học Ibaraki, Nhật Bản đã đưa ra một số thông tin về biến đổi khí hậu toàn cầu trong 150 năm qua và mô hình dự đoán nhiệt độ toàn cầu năm 2100. Cũng như GS.TS. Sumi Akimasa, GS.Nobuo cũng nhấn mạnh để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chính phủ và xã hội cần có cái nhìn tổng thể và chung tay tìm ra, thực hiện các biện pháp ứng phó và thích nghi.

Sau chương trình hội thảo, 7 trường đại học đối tác của Nhật Bản ở 6 chuyên ngành mà ĐH Việt Nhật đào tạo cùng với 6 trường đại học hợp tác khác đã cam kết sẽ cùng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho học viên Trường Đại học Việt Nhật trong học tập, thực tập và nghiên cứu.

  • Nguyễn Thảo