Các chuyên gia nhận định, việc phát triển mô hình trồng nấm ở huyện Krông Ana là một cách đào tạo nghề bền vững qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Bà chủ hợp tác xã nấm tiên phong

Huyện Krông Ana từ lâu được đánh giá là địa phương có khí hậu ôn hòa để phát triển các nghề trồng nấm ở Đắk Lắk. Đi tiên phong trong việc phát triển nghề trồng nấm ở huyện nhà không thể không nhắc đến bà Đinh Thị Danh - Giám đốc Hợp tác xã nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

{keywords}
Bà Đinh Thị Danh trong một lần kiểm tra chất lượng nấm.

Hợp tác xã của bà Danh được đánh giá là một trong số những cơ sở sản xuất nấm quy mô lớn nhất nhì tỉnh với 15 thành viên tham gia liên kết.

Để có được thành công như ngày hôm nay, ít ai biết bà Đinh Thị Danh đã mất nhiều năm tìm hiểu thị trường, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.

Bà Danh kể, năm 2012 bà được đi học lớp nghề trồng nấm thương phẩm ở huyện Krông Ana. Sau khi học về một năm sau, bà quyết định đầu tư vốn xây dựng khu nhà trại rộng 50 m2, trồng gần 6.000 bịch nấm linh chi.

“Ban đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên lứa nấm đầu tiên bị hư hỏng toàn bộ. Toàn bộ tiền bạc đầu tư vào cây nấm đều mất trắng. Không nản chí, tôi tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nấm trên mạng và những người đi trước để có phương pháp lựa chọn giống, các kỹ thuật trồng nấm hiệu quả” – bà Danh kể lại.

{keywords}
Nấm linh chi được xem được người nông dân xem là loại nấm thế mạnh của huyện Krông Ana vì giá bán ra thị trường khá cao.

Bà Danh cho biết thêm, điều làm nên uy tín cũng như chất lượng thương hiệu nấm Krông Ana nói chung và nấm ở hợp tác xã của bà Danh chính là việc lập ra một quy trình sản xuất an toàn từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào và các bước sản xuất. Một điều đáng mừng hơn nữa là trong năm qua, HTX bà Danh đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, với nguồn thu nhập khá từ nghề trồng nấm.

Hiệu ứng tích cực

Từ thành công của hợp tác xã nấm linh chi của bà Đinh Thị Danh, năm 2015, anh Phan Xuân Anh (tổ dân phố 3, thị trấn Buôn Trấp) đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trên mạng và sách vở theo đuổi nghề trồng nấm.

Trước đó,anh Xuân Anh từng làm hợp đồng ở một cơ quan nhà nước cấp huyện. Công việc nhà nước tuy có thu nhập nhưng gò bó về  mặt thời gian. Từ lý do này nên anh Xuân Anh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để trồng nấm tại nhà.

Với diện tích đất sẵn có, vợ chồng anh Xuân Anh đã xây dựng trang trại sản xuất nấm với quy mô 500m2.

Anh mạnh dạn đầu tư mua máy hấp nguyên liệu sản xuất 2 loại nấm bào ngư và linh chi.

“Hiện cơ sở nấm của gia đình tôi tạo việc làm thường xuyên cho 5 thành viên và khoảng 3 lao động thời vụ, với mức thu nhập trên 250 nghìn đồng/ngày. Mỗi năm cơ sở của tôi bán ra thị trường khoảng 3 tấn nấm bào ngư và 1 tạ nấm linh chi” – anh Xuân Anh chia sẻ.

{keywords}
Khởi nghiệp bằng trồng nấm ở Đắk Lắk

Theo tìm hiểu, để nghề trồng nấm của người dân và các HTXở huyện Krông Ana đạt được nhiều kết quả như hôm nay phải nhờ đến sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể là từ nhiều năm nay, công tác đào tạo, dạy nghề đối với nghề trồng nấm được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana chú trọng.

Ông Đào Văn Phương – Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana cho biết, đối với việc người dân, các tổ, hợp tác xã trồng nấm, trung tâm thường hỗ trợ về mặt kỹ thuật và cung cấp lao động đã qua dạy nghề. Riêng trong năm 2019, Trung tâm dạy nghề huyện đãmở 1 lớp tập huấn về nghề trồng nấm với 35 học viên tham gia. Phần lớn học viên sau khi học đều có việc làm từ nghề trồng nấm, người có vốn mở cơ sở sản xuất, người không có vốn làm thuê tại các tổ, HTX.

{keywords}
Nghề trồng nấm phát triển giúp người dân ở huyện Krông Ana có thêm thu nhập  trong cuộc sống.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Krông Ana, từ những thành công ban đầu của người trồng nấm như bà Danh, anh Xuân Anh, vào cuối năm 2018, mô hình tổ hợp tác làm nấm tại xã Quảng Điền cũng đã được thành lập.

Tổ hợp tác này ra đời với mục đích liên kết các hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất để phát triển nghề trồng nấm theo hướng liên kết chuỗi, tận dụng hiệu quả sản phẩm phụ trong trồng trọt, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Hiện tại tổ hợp tác có khoảng 20 tổ viên tham gia, phần lớn vốn tự huy động của các tổ viên. Trong quá trình hoạt động, các tổ viên sẽ hỗ trợ giúp nhau trong quá trình sản xuất, hộ có kinh nghiệm sẽ truyền đạt lại cho các hộ mới, tổ viên qua đào tạo nghề sẽ giúp đỡ những người chưa tham gia học nghề.

Từ tháng 7/2018, Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana đã phối hợp với Đại học Nông nghiệp Hà Nội chuyển giao “Công nghệ phân lập giống và nâng cao năng lực sản xuất giống nấm” nhằm chủ động giống nấm cho việc sản xuất phôi bịch phát triển các mô hình và cung cấp giống các hộ dân trên địa bàn huyện và ngoài huyện; triển khai “Xây dựng mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi tại huyện Krông Ana” giai đoạn năm 2018 và đã hoàn thành hồ sơ nghiệm thu đề tài mô hình trồng nấm mộc nhĩ tại huyện Krông Ana.

Trùng Dương