Sau sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái tại Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La, ở từng mắt xích tổ chức kỳ thi năm 2019, các vị trí đều thận trọng, lo lắng hơn với trách nhiệm của mình được giao.

Trước ngày thi THPT quốc gia 2019, bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh chia sẻ “Trong thi cử không dám nói chắc điều gì, nhưng chúng tôi xác định hết sức nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế để tổ chức tốt nhất kỳ thi năm nay, tránh xảy ra những việc gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành và địa phương. Tất cả các khâu chúng tôi sẽ đều cố gắng làm sát sao”.

Bà Vũ Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh Quảng Ninh nhận định những vi phạm càng ngày càng tinh vi tới mức khó tưởng tượng, được giao trọng trách là trưởng ban chỉ đạo thi, bản thân bà có lẽ chưa thể yên tâm kể cả khi thi xong.

“Tôi cũng chỉ cố gắng hết sức chứ cũng không thể đến cầm tay chỉ việc từng vị trí. Tôi tin ở các địa phương có vi phạm năm ngoái, những người đứng đầu phải có vấn đề, chứ nếu đã vào cuộc hết sức mà trên địa bàn tỉnh có vấn đề thì tôi thấy không ổn”, bà Thủy bày tỏ lo lắng.

Tỉnh Quảng Ninh cũng phân rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kỳ thi. Theo đó, giám đốc Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bất cứ vi phạm quy chế nào.

Nhìn vào bài học của các địa phương để xảy ra tiêu cực năm ngoái, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh, cho hay sẽ chú ý hơn ở cơ chế giám sát.

“Chúng tôi có suy nghĩ nếu sự việc xảy ra ở phương mình thì không biết bao giờ mới lấy lại được niềm tin của người dân, vậy nên quyết tâm phải tổ chức kỳ thi công bằng và an toàn nhất. Chúng tôi xin hứa sẽ làm việc có trách nhiệm và đúng quy chế”, bà Lĩnh nói.

{keywords}
 Đoàn kiểm tra thi của Bộ GD-ĐT xuống làm việc tại địa phương

Đại diện các đơn vị công an cũng bày tỏ sự cảnh giác, thận trọng ở mức cao nhất. 

Thậm chí, vị Trưởng phòng PA03 Công an tỉnh Thái Bình, kiến nghị các trường xem xét gỡ hẳn hệ thống camera sẵn có (trước nay để quản lý nhà trường) trong thời gian kỳ thi THPT quốc gia diễn ra để tránh chuyện lộ lọt đề thi.

Ông Phạm Đình Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho hay bên cạnh hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về hệ thống camera chung thì năm nay, công an tỉnh còn bố trí thêm một số camera giám sát ở ngoài hành lang khu vực lưu trữ bài thi, chấm thi. Qua đó có thể theo dõi các diễn biến, hạn chế tối đa nguy cơ nảy sinh tiêu cực.

Ở Quảng Ninh, năm nay ban chỉ đạo thi cấp tỉnh quyết định không phân số lượng cố định mà tùy thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi điểm thi để bố trí lực lượng công an phù hợp. Công an tỉnh đã chỉ đạo công an địa phương phải đến khảo sát trực tiếp từng điểm thi. Công an địa phương thấy khu vực nào cần bao nhiêu người mới đảm bảo được an ninh thì sẽ đề xuất và bố trí đủ, không hạn chế số lượng.

Một cán bộ được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay điều động về coi thi tại Lạng Sơn chia sẻ bản thân khá lo lắng và áp lực khi địa phương này cũng là một “điểm nóng” trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sau sự lên tiếng của toàn xã hội, kỳ thi năm nay chắc sẽ hạn chế tiêu cực hơn rất nhiều. Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều phương án chống tiêu cực, nhiệm vụ của cán bộ coi thi là thực hiện đúng theo quy trình đã đề ra. Theo tôi, để có thể can thiệp vào kết quả thi một cách mạnh mẽ nhất thì giai đoạn chấm thi sẽ dễ hơn trong lúc tổ chức thi. Do đó, những cán bộ làm công tác tại khâu chấm thi có lẽ sẽ chịu áp lực nhiều hơn".

Khá tự tin về nghiệp vụ và kinh nghiệm coi thi của mình qua nhiều năm, song vị này chia sẻ không thể chủ quan. “Tất nhiên không ai dám chắc chắn là sẽ không có thiếu sót, nhưng tôi phải luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình”.

Trong rất nhiều lần kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 luôn nhấn mạnh đến vấn đề con người, chọn người tham gia công việc.

“Dù quy trình có chặt chẽ đến đâu, có lắp mấy chục camera đi chăng nữa nhưng nếu những người tổ chức thi móc ngoặc với nhau thực hiện hành vi tiêu cực thì cũng khó để kỳ thi thành công”, ông Trinh lưu ý với mong muốn các địa phương lựa chọn những nhân sự uy tín, có trách nhiệm làm nhiệm vụ.

Theo ông Trinh, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải chọn được những trưởng điểm tinh thông, trách nhiệm, nói được làm được. Bởi đây là những cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo thi.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng lưu ý những cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi hướng xử trí khi gặp các vấn đề bất thường. “Sẽ có một nghìn lẻ một các sự việc bất thường diễn ra trong quá trình thi cử. Tuy nhiên, khi có sự việc xảy ra, cần xử lý theo 3 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất không giấu thông tin, cán bộ báo cáo lên trưởng điểm và các cấp cao hơn. Thứ hai là tôn trọng quy chế. Và thứ ba là phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên quyền lợi cán bộ coi thi".

Thanh Hùng

"Không được giấu thông tin bất thường về thi THPT quốc gia 2019"

"Không được giấu thông tin bất thường về thi THPT quốc gia 2019"

Ngày 5/6, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Thái Bình.