Sáng nay 4/4, hội nghị đại biểu chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đã thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội báo cáo một số nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo bộ luật này.

Học sinh có thể không thi, được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp

Trong đó, có nội dung đáng chú ý liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT.  

Theo báo cáo, một số ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Có ý kiến đề nghị vẫn giữ lại và giao các địa phương thực hiện.

{keywords}
Trước giờ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh tư liệu: Thanh Hùng.

Ủy ban cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, điều chỉnh việc dạy học và kiểm tra đánh giá quá trình giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên trong tương lai.

Do đó, Dự thảo Luật chỉ đặt ra thi tốt nghiệp, không quy định phương thức và quy mô tổ chức. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Và như vậy, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện thì được dự thi; học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”.

"Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa"

Về sách giáo khoa (SGK), Ủy ban đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật, mỗi môn học có một hoặc một số SGK.

Ủy ban cho rằng, trên nguyên tắc chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh thống nhất trong cả nước, chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số SGK là rất cần thiết, tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành; cũng như tạo điều kiện Bộ GD-ĐT tập trung vào công tác quản lý nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo quy định một điều riêng về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Điều 33).

Đồng thời dự thảo luật quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; trình UBTVQH trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 103).

{keywords}
Dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp

Lương giáo viên sẽ phù hợp với đặc thù nghề nghiệp

Nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách tiền lương ưu tiên đối với nhà giáo; đề nghị quy định cụ thể tiêu chuẩn, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác (không phải là nhà giáo) trong cơ sở giáo dục.

Uỷ ban cho rằng, vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán. Hiện, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp (Điều 77).

Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hoá trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới.

Dự thảo Luật cũng đã rà soát, điều chỉnh quy định về hiệu trưởng, quy định được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng. Đối với giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục, Ủy ban đề nghị giao Chính phủ quy định ở văn bản dưới luật để phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của cơ sở giáo dục theo từng loại hình, từng cấp học.

Không quy định trường công lập chất lượng cao để đảm bảo môi trường học bình đẳng

Dự thảo Luật không quy định cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao để bảo đảm môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đồng thời quy định khuyến khích phát triển giáo dục chất lượng cao ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm huy động sự chia sẻ, tham gia của cộng đồng, của xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học.

Về mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học, dự thảo luật giữ nguyên quy định về trường phổ thông nhiều cấp học (TH, THCS, THPT) phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương theo tinh thần đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thanh Hùng

Thí sinh bị trượt oan vì gian lận thi cử, tổn thương ai lo?

Thí sinh bị trượt oan vì gian lận thi cử, tổn thương ai lo?

Đó là câu hỏi nhức nhối mà dư luận cũng như nhiều gia đình, thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018 đặt ra.