- Tại hội thảo "Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp" do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng 26/4, nhiều trường phổ thông tư thục ở Hà Nội cho rằng quy định mốc thời gian được kiểm tra đánh giá năng lực và tuyển sinh hiện nay quá cứng nhắc.

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie phát biểu tại hội thảo 

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho hay mặc dù thông tư quy chế của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh đầu cấp với các trường đặc thù có tính “mở”, nhưng về đến cấp địa phương thì câu chuyện không còn như vậy.

Hầu hết các địa phương đều trao quyền tự chủ cho các trường tư, nhưng Hà Nội lại yêu cầu kèm theo các trường phải “làm đề án, lập tờ trình” xin UBND quận/huyện phê duyệt, đối với tuyển sinh lớp 6. Trường chúng tôi cũng đang chờ quận Nam Từ Liêm phê duyệt và không biết đến khi nào”.

Điều mà ông Khang cũng như nhiều trường không hài lòng là thời gian tuyển sinh phải theo ngày/tháng cụ thể như quy định của thành phố. Tức là các trường ngoài công lập sẽ kiểm tra đánh giá năng lực đồng loạt vào 1 trong 2 ngày 29 và 30/6.

“Các trường đều mong khoảng thời gian, sớm hơn so với thời gian đối với các trường công lập không đặc thù. Để trường này thực hiện kiểm tra đánh giá, tuyển sinh vào hôm này, còn trường kia vào hôm khác. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các trường mà còn cho học sinh và các gia đình. Khi bỏ tiền cho con vào trường tư, người ta phải cân nhắc lắm. Lý gì lại chốt chỉ vào một hai ngày”.

Ông Khang cho hay, dù có xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ khang trang mà không tuyển được học sinh thì trường tư không thể tồn tại. 

Đại diện trường này cũng cho biết đã sẵn sàng chịu phê bình của Sở GD-ĐT Hà Nội trong việc tuyển sinh vào lớp 1 bởi trên thực tế “chúng tôi đã tuyển xong trước thời gian sở quy định 2 tháng”.

“Mồng 4-6/5 chúng tôi sẽ làm thủ tục nhập học cho các em được tuyển vào lớp 1 của nhà trường năm học 2018-2019 trước kế hoạch của UBND TP Hà Nội 2 tháng. Bởi nếu cháu nào không được vào trường thì để các cháu có lựa chọn khác”.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng cho biết "sẵn sàng nhận kỷ luật để mang lại lợi ích cho người học".

"Theo quy định thì ngày 1-3/7, chúng tôi mới được tuyển sinh lớp 1. Phải nói nghiêm túc rằng không trường nào mà không có những động thái để tuyển sinh trước những ngày quy định này. Hiện nay, chúng tôi đã cho đăng ký online và lên tới hơn 2000 đơn trong khi chỉ tiêu chỉ là 500. Nếu đợi đến ngày 1/7 thì khó khăn lại rơi vào phụ huynh, họ không biết tình hình như thế nào để nếu không được thì xoay xở trường khác”.

Theo bà Hiền, quy định các trường tư cùng kiểm tra đánh giá năng lực học sinh đồng loạt 2 ngày gây khó cho phụ huynh hơn là các trường.

“Phải trong tình thế của phụ huynh cân nhắc, đắn đo như thế nào khi quyết định chọn cho con học công hay tư mới hiểu. Nhiều phụ huynh đã tìm hiểu trước tận 1 năm, nhưng không biết là trường này có nhận con họ hay không trước ngày 1/7, để còn tìm sang trường khác”.

Bà Hiền cho hay cũng vì tuyển sinh vào cùng 1 ngày gây khó khăn cho học sinh, nên buộc các trường phải tìm cách “lách”. "Chúng tôi đã tự chủ về tài chính, nhân sự thì xin được cho tự chủ về tuyển sinh”.

{keywords}
Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh.

Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Có cho tự chủ tuyển sinh nhưng chỉ cho trong 2 ngày đồng loạt với tất cả các trường, Sở đang tạo cánh cửa hẹp cho học sinh trong chuyện vào lớp 10”.

Theo bà Na, như vậy không thể gọi là tự chủ và kiến nghị được tự chủ trong mọi vấn đề.

Bà Phạm Thị Thu Phương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ban Mai cũng kiến nghị nên nới rộng thời gian tuyển sinh cho các trường tư thục, đặc biệt để phụ huynh có thời gian tìm hiểu về các trường trước khi ra quyết định lựa chọn.

“Có những phụ huynh chia sẻ trước khi đến trường tôi đã đi tìm hiểu ít nhất 5 trường khác rồi, như vậy cũng cần phải có thời gian cho phụ huynh nữa. Trường công thì không cần tìm hiểu quá nhiều, nhưng trường tư, không cần quá sớm nhưng có thể cho phép từ tháng 3 đến tháng 5 là thời gian trường tư được phép tiếp cận phụ huynh, học sinh. Cũng như xây dựng một gia đình, có thời gian tìm hiểu đủ dài thì hành phúc mới bền vững, với các trường và phụ huynh cũng vậy. Phải có thêm thời gian để tìm hiểu và chỉ khi hiểu kỹ được tinh thần, định hướng thì mới đạt được các mục tiêu giáo dục”.

{keywords}
GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị các cơ quan quản lý cần quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với trường tư thục, bởi sự quan tâm hiện nay còn ít. Ông dẫn lời nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khi đương chức cho thấy việc thành lập nên một trường tư là rất khó khăn rằng “muốn mở được trường phải có được 9 chữ ký, 9 con dấu”.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đề nghị cho các trường tự chủ hơn nữa.

“Nếu chỉ cho co lại trong 1-2 ngày thì làm sao tránh khỏi việc phụ huynh xếp hàng. Có những trường lượng hồ sơ đăng ký 2.000 nhưng chỉ lấy 500 chỉ tiêu, mà chỉ trong vài ngày, ai cũng muốn sớm nên phải khổ sở đi sớm. Trên thực tế, các trường ở Hà Nội đủ khả năng để đón nhận 100% con em vào, vậy việc gì phải quy định trong một vài ngày để tạo ra chuyện cầu lớn hơn cung “ảo” như thế và buộc người dân phải xếp hàng”.

Ông Hòa cho rằng, nếu tư duy theo kiểu quản lý siết chặt thì không thể phát triển sáng tạo. “Nếu không có tư duy sáng tạo thì đất nước sẽ không thể phát triển được”.

Các đại biểu cũng nêu lên những thực trạng khó khăn mà các trường tư phải tự tìm cách bươn chải về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đội ngũ giáo viên,…

{keywords}
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, thời gian qua Bộ đã ban hành Thông tư 05 theo hướng có nhiều thay đổi trong vấn đề tuyển sinh đầu cấp. Trong đó cho phép các trường được tự chủ trong việc kiểm tra đánh giá năng lực khi tuyển sinh vào lớp 6.

Bộ đã yêu cầu các sở GD-ĐT có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện tuyển sinh và tuyệt đối không có yêu cầu nào buộc các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh, phải trình các cấp xét duyệt.

“Chủ trương của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, về phương thức, các nhà trường được chủ động về kiểm tra, đánh giá. Phải giao cho các trường quyền tuyển sinh, kiểm tra đánh giá học sinh theo những năng lực mà các trường mong muốn”

Ông Thành cũng cho rằng, về mặt thời gian, phải đủ đề phụ huynh và học sinh được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về nhà trường và có thời gian cân nhắc để quyết định.

Thanh Hùng

Lịch khảo sát chất lượng đầu vào lớp 1 của các trường tư ở Hà Nội

Lịch khảo sát chất lượng đầu vào lớp 1 của các trường tư ở Hà Nội

Để con lớp 1 vào được các trường tư mong muốn, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đang rất quan tâm tới lịch tổ chức khảo sát năng lực đầu vào học sinh của các trường.

Trường công, trường tư và rủi ro của con trẻ

Trường công, trường tư và rủi ro của con trẻ

Những rủi ro lớn nhất cho môi trường học tập của con cái hầu hết đến từ sự lựa chọn của mẹ cha, khi họ gửi con vào những ngôi trường mà chi phí vượt quá khả năng chi trả lâu dài của bản thân.

Phụ huynh tranh cãi nảy lửa về việc chọn trường cho con: Bán nhà cũng phải cho bé học trường tư!

Phụ huynh tranh cãi nảy lửa về việc chọn trường cho con: Bán nhà cũng phải cho bé học trường tư!

Chưa mùa khai giảng nào lại ngưng "tiếng súng" tranh cãi về việc chọn trường cho con. Dù có đứng về phía trường công hay tư, cha mẹ đều có những lý lẽ “đanh thép” riêng khiến “phe đối lập” lại được phen “hùng hổ” tranh luận đến cùng.