- Việc xây dựng chuẩn đầu ra tất cả các ngành nghề và bậc trình độ theo Khung trình độ quốc gia có thể mất từ 10-20 năm.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm chính sách phát triển và thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam diễn ra mới đây.

Ông Nguyễn Văn Đường, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, Khung trình độ quốc gia của Việt Nam được xây dựng từ năm 2013 và được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt năm 2016. Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành thì dễ còn phát triển, thực hiện và quản lý thì rất khó.

{keywords}
Việc xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành nghề, bậc trình độ trong khung trình độ quốc gia có thể phải mất từ 10-20 năm. Ảnh minh họa.

"Kinh nghiệm các quốc gia khác, việc xây dựng và phát triển khung trình độ quốc gia chiếm thời gian rất là dài, có thể phải đến hàng 10-20 năm mới có thể xây dựng cho tất cả các ngành nghề đào tạo" - ông Đường nhận định.

Từ đó, ông Đường cho rằng, nếu không có chuẩn bị dài hạn không có bước phát triển cũng như triển khai, vận hành, quản lý khung trình độ quốc gia sẽ không như mong muốn.

Phạm Xuân Thu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH cũng khẳng định, theo kinh nghiệm thế giới, việc triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia mất khá nhiều thời gian.

"Quy mô xây dựng là rất lớn vì phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành nghề và các bậc đào tạo. Kinh nghiệm thế giới cho thấy phải mất khoảng thời gian 10-20 năm. Tuy nhiên, chắc khoảng thời gian này phải có sự nỗ lực rất lớn của giáo dục nghề nghiệp may ra là có thể đạt được" - ông Thu cho hay.

Ông Thu cho biết, chỉ riêng việc xây dựng chuẩn đầu ra, cấu phần cốt lõi trong việc thực hiện khung trình độ quốc gia cũng đã tốn nhiều thời gian.

"Bản thân xây dựng chuẩn đầu ra đòi hỏi thời gian nhất định. Trong khi nguồn lực hiện nay còn hạn chế như vậy thì cần thời gian nhiều hơn" - ông Thu nói.

Xây dựng chuẩn đầu ra thí điểm của 4 ngành

Ông Phạm Xuân Thu cho biết, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai khung trình độ quốc gia ở một số trường chất lượng và ngành trọng điểm để từ đó rút kinh nghiệm.

Theo ông Thu, trong năm 2016, song song quá trình xây dựng và ban hành khung trình độ quốc gia, Bộ LĐTBXH cũng đã thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra cho 2 ngành là Quản trị khách sạn và CNTT ở các bậc trình độ thuộc GD nghề nghiệp, do Bộ LĐTBXH quản lý.

Ông Thu cũng cho biết, trong năm 2017, Bộ LĐTBXH cũng sẽ tập hợp chuyên gia để phát triển, xây dựng 60 chuẩn đầu ra ở bậc cao đẳng, trung cấp và 30 chuẩn đầu ra trình độ sơ cấp.

Theo ông Thu, chuẩn đầu ra sẽ là căn cứ để các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, tổ chức hoạt động đào tạo tiếp theo cho phù hợp với Khung trình độ quốc gia.

Tại hội thảo, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh đã cho biết, theo đề nghị của Bộ GD-ĐT cũng như Tổng cục Dạy nghề, Hội đồng Anh Việt Nam đã và đang thực hiện nghiên cứu khả thi để tiến tới việc thực hiện thí điểm phát triển Khung trình độ quốc gia với trọng tâm là xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề thuộc bốn lĩnh vực bao gồm Kế toán, Xây dựng và Vật liệu, Dệt May và Công nghệ thông tin.

Cần có sự tham gia của doanh nghiệp

Các ý kiến tại tọa đàm cũng thống nhất rằng, việc xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành nghề, bậc học cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng lao động.

Bên cạnh sự hài hòa giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học, khung tham chiếu trình độ ASEAN, quản lý và đảm bảo chất lượng, bà Cherry Gough, cho rằng, sự tham gia của các nhà tuyển dụng chính là một trong 4 trọng tâm trong việc thực hiện Khung trình độ quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Đường cũng khẳng định, để thực hiện Khung trình độ quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành nghề, phía sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm tham gia nghiên cứu đề xuất các kiến thức, kỹ năng của vị trí việc làm trong lĩnh vực của mình, đồng thời tham gia đánh giá chất lượng đào tạo và đối chiếu chuẩn đầu ra.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Thu cho biết, qua thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra đối với 2 ngành CNTT và Quản trị khách sạn, thì nhận thấy trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động chưa được nhận thức rõ ràng.

Từ đó, ông Thu cho rằng, cần phải đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra. "Mong muốn của chúng ta là nguồn nhân lực, tiêu chuẩn đào tạo ngày càng gần tiếp cận gần với phía việc làm. Do đó, để rút ngắn khoảngc ách đó cần phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp" - ông Thu khẳng định.

Lê Văn