Trong vòng hai tháng từ tháng 4 - 6/2018, gần 200 sinh viên ngành môi trường từ hai trường ĐH Tài nguyên & Môi trường và ĐH Hoa Sen đã đến tham quan nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang.

Môi trường là vấn đề không của riêng ai nhưng với phần lớn các công ty sản xuất, vấn đề mà họ đối mặt lớn hơn rất nhiều khi phải kiểm soát nước, không khí, tiếng ồn để tránh làm ảnh hưởng đến môi sinh. Về phía giáo dục, các sinh viên trong ngành môi trường cần sớm tiếp cận với các công nghệ kiểm soát, xử lý thải hiện đại cũng như công nghệ sản xuất tiết kiệm nguyên, nhiên liệu thực tế tại các nhà máy để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và làm việc sau này.

Do đó sinh viên cần được tạo cơ hội cọ xát thực tế tại các nhà máy và đóng góp ý kiến. Việc này vừa giúp doanh nghiệp nhận thức và chỉnh sửa những thiếu sót từ góc nhìn trẻ, vừa góp phần đầu tư vào tương lai môi trường sống bằng hành động tiếp đón những kỹ sư môi trường trong tương lai.

Với sinh viên, khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành sẽ luôn chênh lệch nếu không có cơ hội trải nghiệm thực tế. Riêng đối với ngành môi trường, những chuyến tham quan để tìm hiểu về dây chuyền sản xuất, công nghệ xử lý thải sẽ đem lại những bài học và giá trị thiết thực.

{keywords}
Sinh viên cần được các nhà máy sản xuất tạo điều kiện để học hỏi từ thực tế.

Từ thực tế trên, trong vòng hai tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2018, gần 200 sinh viên ngành môi trường từ hai trường ĐH Tài nguyên & Môi trường và ĐH Hoa Sen đã đến tham quan nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang.

{keywords}
Đoàn sinh viên ĐH Tài nguyên & Môi trường học hỏi về các kỹ thuật sản xuất ở công ty giấy Lee&Man

PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết: “Là người trực tiếp tham gia đào tạo các kỹ sư môi trường tương lai tại một số trường ĐH, tôi nhận thấy việc tham quan các công trình xử lý môi trường tại các công ty là cơ hội tiếp cận với thực tế giúp sinh viên học hỏi thêm theo phương châm "kiến thức phải gắn liền với thực tiễn". Điều này vô cùng quan trọng, không sách vở nào có thể dạy được, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp khi sinh viên có thể đóng góp ý kiến cho họ”.

Mang tinh thần chào đón, không ngại tạo điều kiện để sinh viên trải nghiệm thực tế, doanh nghiệp giấy tỉnh Hậu Giang Lee&Man nhận được phản hồi tích cực từ phía nhà trường lẫn sinh viên sau những đợt tham quan.

Ngoài các đoàn sinh viên, Lee&Man còn đón tiếp đội ngũ giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng. Điển hình là trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ đã cử 3 giảng viên thuộc các chuyên ngành công nghệ giấy và cơ khí đến tham quan, tìm hiểu về công nghệ sản xuất, quy trình xử lý nước thải của nhà máy để trau dồi kiến thức, phục vụ cho việc giảng dạy.

{keywords}
Giảng viên trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ đến tham quan, tìm hiểu về công nghệ của nhà máy Lee&Man để tìm hiểu về công nghệ, kỹ thuật.

Hiện tại, ngành Công nghệ & Kỹ thuật Môi trường và ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường thuộc top những chuyên ngành có nhu cầu tuyển dụng khá cao tại Việt Nam. Việc các công ty tích cực tạo điều kiện cho sinh viên tham quan học hỏi sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế - những người được đào tạo toàn diện cả về lý thuyết lẫn thực hành.

Vũ Minh