- Thông tin ngưng tuyển trung cấp ngành y theo quy định của Bộ Y tế khiến các trường trung cấp y dược lao đao vì không tuyển được học sinh.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi quản lý nhà nước từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐTB-XH từ đầu năm 2017 khiến các trường lúng túng trong việc tuyển sinh.

Không tuyển sinh được vì thông tư của Bộ

GS. TS Lê Ngọc Trọng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách đào tạo cho biết, việc Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 26, 27, 28 trong đó quy định từ năm 2021 không tuyển dụng người có trình độ trung cấp với 4 ngành: dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên đã gây ra hiểu lầm trong xã hội, khiến các trường trung cấp y dược gặp khó khăn trong tuyển sinh.

"Bây giờ toàn xã hội hiểu là học trung cấp ra là không làm việc được. Phụ huynh và học sinh không muốn cho con vào học các trường trung cấp. Các trường sẽ đóng cửa vì không tuyển sinh được" - ông Trọng phân tích.

{keywords}
GS Lê Ngọc Trọng cho rằng, thông tư của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đang gây ra hiểu nhầm trong xã hội, gây khó khăn cho các trường trung cấp y dược. Ảnh: Lê Văn.

Đại diện trường Trường Trung cấp Phương Nam, bà Đào Thị Ngọc cho biết, bằng giờ mọi năm trường bà đã tuyển được 300-400 học sinh nhưng hiện nay, trường tuyển sinh chưa được nổi 50 học sinh. "Đó là điều rất đau lòng".

Theo bà Ngọc, nếu tình hình không được cải thiện, sớm muộn gì trường bà cũng diệt vong. "Thực tế một tháng phải trả gần 1 tỉ đồng cho cán bộ giáo viên mà học sinh chỉ có năm mấy học sinh thì làm sao hoạt động nổi".

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, trường ông có nguy cơ tan vì không có học sinh.

Theo ông Phúc, thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã không lường hết được thực tế. Trong khi lực lượng tuyển vào viên chức các cơ sở y tế công lập chỉ khoảng 5%, 95% còn lại là y tế cơ sở và y tế nhân dân thì lại không được tính đến.

Mong muốn được các bộ ban ngành "cứu" các trường trung cấp y dược vì đã "chết đến nơi", đại diện các trường Trung cấp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước mới là Bộ LĐTB-XH cho phép họ chuyển đổi từ trường trung cấp lên thành trường cao đẳng.

Theo lý giải của đại diện các trường trung cấp y dược thì việc nâng cấp lên thành trường cao đẳng sẽ giúp các trường tránh được hiểu nhầm trường trung cấp học ra không ai nhận như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch HĐQT, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho rằng, vướng mắc hiện nay là quy định điều kiện đối với trường cao đẳng quá cao, các trường khó có thể đáp ứng được chẳng hạn như quy định phải có diện tích 5ha và vốn là 100 tỷ.

Đây cũng là điểm mấu chốt mà các trường trung cấp y dược mong muốn được cơ quan quản lý nhà nước mới là Bộ LĐTB-XH tháo gỡ, bởi nếu để các trường trung cấp y dược phá sản thì không chỉ "gây nguy hiểm cho nguồn tài chính của xã hội" mà nền y tế cơ sở cũng "có nguy cơ tan rã vì không ai làm".

Lúng túng xây dựng chương trình và tuyển sinh

Theo đại diện các trường trung cấp y dược, việc chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ GD-ĐT về Bộ LĐTB-XH từ đầu năm 2017 đã dẫn đến nhiều lúng túng trong các trường trong hoạt động, đặc biệt là khâu tuyển sinh.

Theo ông Vũ Đức Mối, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y - Dược Hà Nội, lâu nay, chương trình của các trường trung cấp y dược được xây dựng theo niên chế, sau đó là theo học phần, học trình nay chuyển sang Bộ LĐTB-XH lại yêu cầu xây dựng theo tín chỉ.

Trong khi đó, ông Phan Văn Các, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Y Dược Hà Nội cho rằng, ngành y là ngành đặc thù nên việc xây dựng chương trình phải có sự tham gia của Bộ Y tế, hướng dẫn các trường xây dựng chương trình theo quy định của Bộ LĐTB-XH chứ không thể mỗi trường một chương trình.

Bên cạnh đó, đại diện các trường trung cấp y dược cho rằng, hiện nay, nhiều trường chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh nên chưa biết năm nay sẽ tuyển sinh thế nào.

{keywords}
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH giải thích các thắc mắc của đại diện các trường trung cấp y dược. Ảnh: Lê Văn.

Chưa kể, việc chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước buộc các trường phải chuyển đổi con dấu nhưng hiện tại Bộ LĐTB-XH vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này. "Nhiều việc hành chính phải đóng dấu ký tên. Rồi học sinh đã tuyển sinh từ trước thì liệu có thể đóng dấu mới vào bằng cũ do Bộ GD-ĐT cấp được không?" - ông Phan Văn Các đặt câu hỏi.

Giải thích về các thắc mắc này, đại diện Bộ LĐTB-XH, cho biết, theo quy định của Bộ LĐTB-XH, các trường cao đẳng, trung cấp trước thuộc Bộ GD-ĐT nay chuyển sang Bộ LĐTB-XH thì phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sau khi đăng ký thì các trường tự xây dựng đề án tuyển sinh chứ Bộ không giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Đối với việc xây dựng chương trình, đại Bộ LĐTB-XH cho biết, việc chuyển sang xây dựng chương trình theo tín chỉ là căn cứ theo Khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành. Tuy nhiên, trong việc dạy thì các trường vẫn có thể lựa chọn 1 trong 3 phương thức là dạy theo niên chế, module hoặc tín chỉ. Bộ LĐTB-XH cũng đã làm việc với Bộ Y tế về việc xây dựng chương trình.

Còn đối với việc chuyển đổi con dấu, đại diện Bộ LĐTB-XH thừa nhận việc này cần có lộ trình.

Lê Văn