- Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, thời gian vừa qua trường chịu khá nhiều áp lực, từ thay đổi vùng tuyển sinh đến thông báo tăng học phí.

Ông Xuân cho biết:  Tự chủ đại học là một chính sách lớn của nhà nước. Với yêu cầu hội nhập quốc tế trước sau gì các trường đại học cũng phải thực hiện tự chủ. Tự chủ tài chính toàn phần chỉ là bước đầu của tự chủ đại học vì vậy nhà trường tiến tới tự chủ là đúng luật, đúng quy định.

{keywords}
PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Đa phần hiện nay các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM đều thực hiện tự chủ (ngoại trừ bệnh viện Nhân Ái và bệnh viên Phong Bến Sắn), do vậy mức đóng kinh phí thực hành lâm sàng cũng thay đổi rất nhiều. 

Trước đây, kinh phí thực hành lâm sàng được ngành hỗ trợ thì nay trường phải tính toán tới những vấn đề nhỏ nhất từ đôi găng tay, xà bông rửa ta, áo mổ…. để sinh viên đi thực hành lâm sàng. Nếu không chi trả những vấn đề này, sinh viên trường y sẽ không được thực hành lâm sàng tại các bệnh viện.

Thu nhập trung bình của một giảng viên của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ ở mức từ 8 đến 9 triệu/tháng, trong khi đội ngũ của trường có trình độ từ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên. 

Thu nhập thấp dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám rất nhiều. Trong những năm qua chúng tôi phải chứng kiến rất nhiều giảng viên giỏi của trường đi sang các trường tư hoặc các bệnh viện vì ở đấy có thu nhập cao hơn.

Mặt khác, do không có kinh phí nên chúng tôi không thể mời giảng viên có kinh nghiệm đến thỉnh giảng. 

Trước đây, chi phí để trả cho giảng viên thỉnh giảng là 150.000 đồng/giờ dạy, nay chỉ còn 30.000 đồng/giờ dạy. Nếu tiếp tục duy trì trường trong tình thế này, chắc chắn nguồn kinh phí này cũng bị cắt bỏ.

Ngân sách thành phố hỗ trợ cho trường từ 18 triệu/sinh viên/năm nay đã hạ xuống chỉ còn 9 triệu/sinh viên gần như không bù nổi vì số lượng sinh viên tăng, giảng viên tăng, các hoạt động đều tăng.

Vì vậy, sau buổi làm việc của Bí thư Đinh La Thăng, Văn phòng Thành uỷ có kết luận chỉ đạo trường “chấm dứt áp dụng tuyển sinh hộ khẩu thành phố, thực hiện tuyển sinh đầu vào với học sinh cả nước, xây dựng chế độ học phí tính đúng tính đủ theo cơ chế thị trường, góp phần tạo điều kiện nâng cơ sở vật chất, tăng gấp đôi thu nhập cho giảng viên của nhà trường…áp dụng từ năm học 2017-2018”, trường đã xây dựng đề án tuyển sinh và đề án tự chủ tài chính theo chỉ đạo này. 

Hiện tại chúng tôi đã làm đề án trình UBND thành phố chờ phê duyệt, nếu được trường bắt đầu tự chủ từ tháng 1 năm 2018.

Nguy cơ nào nếu đề án xin tự chủ của Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch không được UBND thành phố phê duyệt thưa ông?

Bao nhiêu năm nay, trường “sống” được nhờ thành phố hỗ trợ ngân sách. 

Chúng tôi không thể “ôm” mãi nguồn này và bù lỗ trong điều kiện ngân sách thành phố khó khăn, phải lo nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. 

Nếu đề án tự chủ được phê duyệt thì tháng 1 năm 2018 mới thực hiện. Như vậy trước mắt trường cũng phải bù lỗ khoảng 10 tỷ đồng cho đến lúc đó. Hiện tại trường cũng đã xây dựng chính sách cho sinh viên nghèo học giỏi, sinh viên con chính sách, sinh viên có khó khăn về tài chính.

Đào tạo ngành y rất tốt kém, tốn gấp 5 lần các ngành khác. Nếu tự chủ, học phí 44 triệu/năm vẫn không đủ, nhưng trường thực hiện theo luật.  

Khi nguồn ngân sách hỗ trợ từ thành phố bị cắt giảm trường đã xoay xở như thế nào đề thu đủ bù chi thưa ông? 

Cách đây bốn năm trường có đào hệ B (đào tạo ngoài ngân sách) và hệ liên thông, có mức cao hơn nên dôi dư để bù lỗ. 

Những hệ này đã chấm dứt đào tạo từ năm 2015 nên 2 năm nay trường không có nguồn thu nào để bù. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này chắc chắn sẽ không cầm cự được.

Với việc thay đổi vùng tuyển sinh trường có nghĩ đến việc kêu gọi địa phương có sinh viên theo học hỗ trợ một phần tài chính?

Đây là khoá đầu tiên trường được tuyển sinh cả nước nên chưa dám nghĩ tới điều này vì không biết có bao nhiêu thí sinh ở địa phương theo học. Tuy nhiên sang năm trường sẽ xin phép và xây dựng chính sách cho năm tới. Trước mắt trường sẽ phải giữ vững chất lượng đào tạo cho tới tháng 1/2018 nếu đề án tự chủ được chấp nhận 

{keywords}
(Ảnh: Lê Văn)

Chúng tôi thông báo học phí trong nhưng ngày qua là cách nhà trường công khai để các thí sinh quyết định khi điều chỉnh nguyện vọng để có lựa chọn cho riêng mình. 

Còn sinh viên các khoá đang theo học  không bị ảnh hưởng nhiều vì trường không thu học phí các em ở mức mới mà chỉ tăng một chút so với mức cũ. Mặt khác, những sinh này vẫn được thành phố hỗ trợ qua đặt hàng của Sở Y tế.

Cảm ơn ông!

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 -2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:

  Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo

Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018

Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020

Năm học 2020-2021

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

1.750

1.850

2.050

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

2.050

2.200

2.400

3. Y dược

4.400

4.600

5.050

 (Trích Nghị định 86/2015/NĐ-CP)

{keywords}

(Nguồn: Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch)

Lê Huyền