-Ở phần hai của buổi tọa đàm, các khách mời thảo luận về ảnh hưởng của nền giáo dục các nước Pháp, Nga, Mỹ tới giáo dục Việt Nam nói chung và tới phương pháp kiểm tra đánh giá nói riêng.

Các khách mời cũng cùng bàn luận về tác động của phương pháp thi trắc nghiệm khách quan tới việc học tập trong nhà trường phổ thông sau này.

XEM PHẦN MỘT CỦA TỌA ĐÀM TẠI ĐÂY

XEM PHÀN HỒI CỦA BỘ GD-ĐT SAU TOẠ ĐÀM TẠI ĐÂY.

Đề thi tốt hay dở là do người ra đề

Nhà báo Lê Hạnh: Anh Hải khơi ra nhiều vấn đề khá thú vị. Đặt giả thiết giáo dục của mình chịu ảnh hưởng khá lớn của Pháp- Nga như anh nói, và tới đây ý tưởng thi cử đưa môn toán khách quan có hơi hướng của Mỹ. Có thể đưa ra giả thiết đây là dấu hiệu để chúng ta lựa chọn và thoát ly khỏi giáo dục Nga- Pháp và đi hướng qua Mỹ không, và môn trắc nghiệm khách quan là chỉ dấu hay không?

Thứ hai, như anh nói kì thi này rất quan trọng, điều này hình như không đúng lắm, khi giáo dục đại học hiện nay chú trọng đầu vào mà không coi nhẹ đầu ra. Thay vì chúng ta đặt vấn đề này quan trọng thì đặt vấn đề quan trọng khác là giám sát và nâng cao chất lượng đầu ra. Ý của chị Nga như thế nào?

PGS Nguyễn Phương Nga: Thế hệ của tôi, như tôi đã trên 60 tuổi, thấy không ảnh hưởng bởi giáo dục Nga, Pháp. SGK thay đổi nhiều lần nhưng chưa được như ta mong muốn. Nhưng tôi không đồng quan điểm giáo dục của chúng ta chịu ảnh hưởng của giáo dục Pháp hay Nga.

Trắc nghiệm khách quan cũng không phải chỉ của Hoa Kỳ, mà của cả thế giới. Hoa Kỳ có kỳ thi SAT nên được nhiều người tới, nhưng các nước khác cũng thi trắc nghiệm rất nhiều, như Úc.

Mục tiêu đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia là xét tốt nghiệp, không phải thi đại học, các trường có thể lấy điểm thi để xét tuyển. Không thể nói “nhiều khả năng”, đây là việc của hiệu trưởng, quyền của trường. Có trường xét học bạ, thi riêng... tương lai chưa xảy ra, không thể đoán được.

Kỳ thi nào cũng khẳng định thi toán tự luận các em học tủ, vì với dạng thức ra đề này, đề thi chỉ nằm ở một số chỗ thôi. Thi trắc nghiệm, ta chưa nhìn thấy đề thi, nhưng với 50 câu đo được bề rộng nhiều hơn là 10 câu.

{keywords}
PGS Nguyễn Phương Nga (trái) và PGS Nguyễn Xuân Thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Còn độ sâu đến đâu là do người ra đề thi. Tự luận cũng vậy. đề thi tốt hay xấu do thầy ra đề. Tự luận mà ra hời hợt thì người cũng nhanh chóng làm được.

Không ai chứng minh được đề nào hơn đề nào. Cứ khăng khăng bảo tự luận tốt là không khách quan.

Đã có nhiều trao đổi có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp không? Quan điểm của tôi là với thực trạng hiện tại, trong 5, 10 năm tới vẫn phải thi tốt nghiệp. Nếu không thi mà chỉ xét tốt nghiệp, việc học sẽ không được như mong muốn.

Thi để thầy phải dạy, học sinh phải học. Chung một đề thi cho cả nước không chỉ để đánh giá học sinh, mà trên cơ sở đó để hoạch định chính sách, định hướng chiến lược về giáo dục, con người, đầu tư về kinh tế.

Còn việc phân hóa thí sinh để xét tuyển vào đại học nằm ở nửa đề khó hơn. Câu hỏi không chia đều, mà có những câu có thời lượng trả lời rất nhanh. Đề thi bao giờ cũng có câu khó, câu dễ. Nếu nhắm mắt đánh dấu bừa chỉ có học sinh kém. Học sinh kể cả trung bình cũng phải giải mới làm được bài, chứ không phải chọn bừa.

Những giả định chưa thể kiểm soát

Nhà báo Lê Hạnh: Một trong những quan ngại mà anh Hải đưa ra là kỳ thi này được nhiều trường sử dụng để xét tuyển đại học ngay trong năm tới, có thể vài năm nữa thì khác đi. Đứng ở góc độ là một người giảng dạy trong trường đại học thì thầy Thảo tiếp nhận điều này thế nào?

PGS Nguyễn Xuân Thảo: Hiện nay Bộ đã có chủ trương cho các trường tự ra đề từ mấy năm trước. Nhưng chưa trường nào dám đứng ra gánh vác, vì thứ nhất đó là một công việc nặng nề, tổ chức rất nhiều khâu, thứ hai là khi mình ra đề rồi liệu các trường khác có dùng kết quả của mình để chuyển đổi cho học sinh hay không...

{keywords}
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Mà quan điểm như anh Hải nêu là các trường vẫn có xu hướng sử dụng kết quả chung để xét.

Tôi nghĩ Bộ hiện nay đang mở. Thay vì làm mấy bài thi các trường có thể chỉ làm môn mình cần. Các trường hoàn toàn có thể theo hướng đó, tôi nghĩ là hợp lý hơn.

GS Phùng Hồ Hải: Chúng ta đã có ý kiến rất nhiều về đề thi, nhưng tôi nhắc lại nói trên cơ sở giả định là có đề thi tốt và học sinh được chuẩn bị nghiêm túc. Hai giả định đó có kiểm soát được không?

Thứ nhất, về đề thi là chủ quan của Bộ. Về đề thi Toán, Bộ muốn có tính khách quan cao nhất là thí sinh không thể quay cóp. Vậy nên, mỗi thí sinh trong phòng thi có đề riêng.

Tức trong một phòng thi sẽ có 30 đề thi và 1.500 câu hỏi. 1.500 câu hỏi này phải lấy từ ngân hàng. Ngân hàng này phải làm dần và không thể bảo mật 100% vì không thể cách ly các thầy trong 6 tháng.

Như vậy số lượng câu phải đủ lớn để học sinh biết để học chứ không học tủ. Như vậy chúng ta cần bao nhiêu câu và có kịp để đến lúc ấy đã được chuẩn hóa?

Quay lại đề thi của ĐHQG Hà Nội dùng để đánh giá năng lực, hiện nay chưa có một đề thi nào được công bố để đánh giá đề hay hay dở. Tôi rất lo lắng chuyện này và chúng ta cần có bao nhiêu đề để chọn ra 1.500 câu hỏi thi? Số lượng này có làm được không?

{keywords}
GS Phùng Hồ Hải. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Thứ hai, về việc chuẩn bị của học sinh. Trong 7 - 8 năm gần đây đề thi tương đối hợp lý về môn toán. Chúng ta có thể phát huy đề đó để tốt hơn, không phân biệt vùng miền, học sinh ở đâu chỉ cần tập trung học là có thể làm được.

Quay lại chuyện đề thi tự luận, dù không tham gia ra đề nhưng theo quan sát của tôi những năm gần đây, mỗi năm đều có cơ bản và có những câu khó để đánh giá phân loại. Cũng chưa trường nào phàn nàn đề toán trong việc phân loại mà chỉ phàn nàn mô hình xét tuyển.

Năm nào cũng phàn nàn tuyển thừa, thiếu, ảo và Bộ phải lo và là sức ép. Nếu bây giờ thêm một cái sức ép nữa có đáng không? Cơ sở nào để khẳng định nó tốt không là chưa thấy, trong khi 2017 đã ở trước mắt.

Nhà báo Lê Hạnh: Năm nay so với năm trước sự chủ động của Bộ cũng sớm hơn khi đưa ra dự kiến đổi mới từ đầu năm học thay vì từ tháng 3 như trước. Theo các thầy, việc chuẩn bị trước một năm như vậy đủ chín chưa?

Ông Phan Văn Thái: Tâm lý giáo viên khi chưa đặt bút làm cũng hoang mang thật. Còn đặt bút làm rồi thì thấy cũng chỉ gấp gáp vài tháng đầu. Tôi nghĩ là tâm lý sẽ giải tỏa được.

{keywords}
Ông Phan Văn Thái. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tôi băn khoăn nhất là về ngân hàng đề thi, có được1.500 câu hỏi tốt không.

Nhà báo Lê Hạnh: Hôm nay thiếu vắng đại diện bên Bộ nên có những câu hỏi phải để ngỏ. Nhưng ở góc độ nguồn làm đề, với Hội nghề nghiệp như Toán, cũng chưa biết thông tin. Các ông có nghĩ tới phương án huy động nguồn lực trí tuệ không, nếu huy động thì Hội Toán học tham gia như thế nào?

GS Phùng Hồ Hải: Hội Toán học là hội nghề nghiệp và chúng tôi có 1.000 thành viên. Chúng tôi không có nhiều giáo viên phổ thông lắm mà chủ yếu là đại học. Các thành viên có thể tham gia chỗ này chỗ khác nếu Bộ huy động với tư cách cá nhân.

Còn với tư cách của Ban chấp hành hội, chúng tôi sẵn sàng tham gia và thảo luận trước hết là về tư duy, phương thức, cách thực hiện có lý luận hẳn hoi về việc có thực sự cần thi trắc nghiệm không? Nội dung đề cương có đáp ứng được sự thay đổi toàn diện giáo dục không?

Nhưng tôi thấy trong đề cương chỉ có những yêu cầu như chống học tủ, kiểm tra năng lực tư duy còn chưa đề cập đến chuyện thi.

Nhà báo Lê Hạnh: Trước băn khoăn của anh Hải về ngân hàng làm sao đủ lớn, đủ tin cậy với kinh nghiệm từng làm khảo thí, chị Nga có trao đổi gì?

PGS Nguyễn Phương Nga: Trong một tháng Bộ công bố dự thảo, các trường đã chuẩn bị rồi. Đó là điểm tích cực. Tôi thấy không đáng ngại về mặt tâm lý của người học nữa, vì sớm hẳn so với trước kia.

{keywords}
Các khách mời tham gia chương trình.

Ngân hàng câu hỏi số lượng lớn không thể có trong ngày một ngày hai, phải tích lũy, làm thử nghiệm. Số lượng thử nghiệm lớn, khả năng lộ đề không có.

Tôi không biết Bộ làm đến đâu. Dựa trên công bố của Bộ, thì việc Bộ chọn lọc câu hỏi của ĐHQG Hà Nội là đúng, vì đó là đề thi đại học, cần lựa chọn phù hợp.

GS Phùng Hồ Hải: Tôi xin phép có một chỗ không đồng ý với chị Nga là tự luận thì học tủ còn trắc nghiệm là học kĩ, học sâu - tôi không tin điều đó. Quan điểm của tôi tự luận thì học sâu hơn, còn trắc nghiệm thiên về cách làm cách đáp ứng yêu cầu câu hỏi, cái đó không phải học sâu, kĩ mà là học đối phó.

Có ảnh hưởng tiêu cực đến cách học?

Nhà báo Lê Hạnh: Thầy Thái có lo nỗi lo của anh Hải là thi trắc nghiệm có ảnh hưởng tiêu cực đến cách học phổ thông?

Ông Phan Văn Thái: Quan điểm của tôi học sinh học kỹ hơn, sâu hơn. Trước đây một chuyên đề chỉ có thể ra câu hỏi dễ hoặc khó. Bây giờ một chuyên đề ra 8 câu hỏi thì không thể ra cả 8 câu đều dễ cả mà cả dễ cả khó nên phải học sâu hơn.

PGS Nguyễn Xuân Thảo: Qua buổi thảo luận, tôi thấy rằng nói chung mọi người đều tương đối nhất trí thi trắc nghiệm thì vẫn phù hợp nhưng còn băn khoăn về đề hiện nay như anh Hải nói phải ra 1.500 câu thì tốc độ đang đến đâu, thì bây giờ không có người của Bộ Giáo dục ở đây.

Tất nhiên là môn nào thì cũng có hạn chế của nó. Những cái “nếu” mà anh Hải băn khoăn thì những thành viên ngồi đây không có ai đủ tư cách trả lời cả.

{keywords}
PGS Nguyễn Xuân Thảo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Có thể nói, buổi trao đổi hôm nay là tương đối thống nhất, chỉ thiếu ý kiến của Bộ GD-ĐT. Tôi nghĩ tất cả những người ngồi đây đều rất tâm huyết, mong muốn nền giáo dục nước nhà được tốt lên.

PGS Nguyễn Phương Nga: Tôi hy vọng trông chờ Bộ tiếp tục lộ trình đổi mới. Không thể dừng lại vì những dư luận dựa trên phỏng đoán, không có cơ sở khoa học chứng minh, e dè trước thay đổi. Ta đã chấp nhận đi chậm hơn thế giới, bây giờ không đi tắt đón đầu mà chọn lọc những gì hay nhất để áp dụng cho chúng ta.

GS Phùng Hồ Hải: Tôi vẫn muốn nêu lại băn khoăn của mình, tức là học sinh coi kì thi này rất quan trọng nên tìm mọi cách để thi. Tôi giữ quan điểm chúng ta cần xác định lại mục tiêu đào tạo.

Nếu thống nhất với mục tiêu đào tạo thì mới thống nhất tới phương án thi trắc nghiệm môn Toán. Rồi sẽ thấy nó ảnh hưởng thế nào đến học thi, chứ không thể nói một cách lý thuyết là học sâu, học kĩ.

Đối với một bộ phận thôi có một phần như thế, còn trên diện rộng tôi lo lắng không đơn giản như vậy. Việc luyện thi cũng phát triển mạnh hơn và phức tạp hơn.

Ban Giáo dục

Bộ Giáo dục: Thi trắc nghiệm môn Toán năm 2017 là khả thi

Sau khi theo dõi Toạ đàm trực tuyến “Có nên thi trắc nghiệm môn Toán từ năm 2017?” do Vietnamnet thực hiện sáng 27/9, Bộ GD-ĐT đã làm rõ về một số vấn đề mà khách mời còn băn khoăn.