-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói Trường ĐH Việt Nhật cần tạo không gian mở, môi trường văn hoá giàu bản sắc, đề cao tính phản biện, tính đa dạng, quy tắc công bằng, dân chủ, không ngừng tự đổi mới cơ chế, chính sách, phương pháp quản trị.

Chiều 15/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Trường ĐH Việt Nhật (thuộc ĐHQG Hà Nội), lắng nghe những thành tựu bước đầu và các đề xuất phát triển cho mô hình đặc biệt này.

{keywords}
Ảnh: Bùi Tuấn

Được thành lập từ năm 2014, Trường ĐH Việt Nhật có định hướng phát triển theo mô hình trung tâm xuất sắc, dựa trên 2 triết lý cơ bản là giáo dục khai phóng và phát triển bền vững.

Quá trình phát triển của trường được chia thành 3 giai đoạn lớn. Từ năm 2016 – 2020, tập trung triển khai các chương trình thạc sĩ, gây dựng mối quan hệ sâu rộng với các đại học Nhật Bản. Từ năm 2021 – 2025 sẽ mở rộng quy mô đào tạo từ bậc đại học. Sau đó, sẽ là giai đoạn cạnh tranh trực tiếp với các đại học nghiên cứu uy tín ở châu Á.

Trường đặt mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu tập trung vào 2 lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu hoặc yếu là công nghệ kỹ thuật cao và khoa học liên ngành. 

Hiện nay, trường đang triển khai 7 chương trình thạc sĩ là Công nghệ Nano, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hạ tầng, Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh và Biến đổi khí hậu - Phát triển. 

Bên cạnh đó, trường tập trung vào chất lượng cao, có tính quốc tế hoá cao với sự tham gia của các đại học hàng đầu Nhật Bản, và sự liên thông với các trường ĐH thành viên của ĐHQG Hà Nội. 

Trong gần 1 năm qua, Nhật Bản đã phái cử 14 giảng viên dài hạn và 67 giảng viên ngắn hạn; phía Việt Nam có 50 giảng viên tham gia giảng dạy.

GS Futura Motoo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường ĐH Việt Nhật nhận thức rõ vị trí của mình là một thực thế quan trọng góp phần đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trường kinh tế của VN, cung cố mối quan hệ giữa 2 nước.

Trường hiện đang hợp tác sâu với 30 đại học Nhật Bản, trong đó đặc biệt là ĐH Tokyo, ĐH Osaka, ĐH Tsukuba, ĐH Wadesa, ĐH quốc lập Yokohama,v.v.. và có sự quan tâm, hỗ trợ lớn từ phía ĐHQG Hà Nội.

{keywords}Tại buổi làm việc, GS Futura cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành quy chế tài chính đặc thù với sự hỗ trợ đặc biệt cho trường trong 10 năm đầu, tương tự như các trường ĐH Việt Đức và ĐH Việt Pháp trước đây. Nếu ngay năm 2018 chưa kịp có quy chế thì đề nghị hỗ trợ gói tài chính đặc biệt để chia sẻ chi phí đào tạo với Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ sớm thúc đẩy phê duyệt dự án xây trường tại Hoà Lạc, xúc tiến vay vốn ODA để trường mở rộng quy mô 2.000 người học vào năm 2024.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong các buổi làm việc giữa các nhà lãnh đạo, hai phía đều nhấn mạnh hợp tác giáo dục đào tạo và trường ĐH Việt Nhật luôn là một hợp tác cụ thể, ưu tiên cao.

Thủ tướng kỳ vọng Trường ĐH Việt Nhật sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế. Trường không chỉ tập trung vào chuyên môn mà cần chú trọng xây dựng văn hóa, tinh thần kỷ luật trong giới trẻ, phát triển toàn diện từ kỹ năng đến tư cách và khả năng nghiên cứu. Đặc biệt, cần liên kết chặt chẽ và hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp...

Để đạt được những mục tiêu to lớn đó, trường cần mô hình phát triển và bộ máy quản trị theo hướng hiện đại, tiên tiến; chú trọng, phát triển đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cán bộ quản lý có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến...

“Để thực hiện hóa điều này, trường cần tạo không gian mở, một môi trường văn hóa giàu bản sắc, đề cao tính phản biện, tính đa dạng, quy tắc công bằng, dân chủ, không ngừng tự đổi mới cơ chế, chính sách, phương pháp quản trị. Trường phải luôn là hình mẫu về tính tiên phong, nơi tín nghiệm cho những cải cách giáo dục cho cả Việt Nam và Nhật Bản” – Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đang khẩn trương soạn thảo Nghị định về cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập và xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho các trường đại học hợp tác quốc tế, áp dụng cho ĐH Việt - Đức, Đại học Việt – Pháp (nay là Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội), ĐH Việt - Nhật,… (cơ chế về chế độ lương, đãi ngộ, học phí, quản trị, tự chủ,…). 

Chính phủ cũng thống nhất cần có cơ chế riêng, tự chủ cho Trường ĐH Việt Nhật. 

Các Bộ, cơ quan Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành các quy định về việc vay vốn ODA ưu đãi từ Chính phủ Nhật cho xây dựng Trường ĐH Việt – Nhật. 

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản 6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, hai bên sẽ trao đổi thêm về việc này. 

  • Hạ Anh