- Năm 2018, Trường ĐH Luật thuộc ĐH Huế (trường luật duy nhất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên) tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu đại học hệ chính quy.

Trong số này, ngành Luật 700 chỉ tiệu; ngành Luật Kinh tế 500 chỉ tiêu. Với mã trường DHA, trường tuyển các chuyên ngành đào tạo: o Ngành Luật bao gồm: Luật Hành chính; Luật Dân sự; Luật Hình sự; Luật Kinh tế; Luật Quốc tế. o Ngành Luật Kinh tế bao gồm: Luật Hợp đồng; Luật Tổ chức kinh doanh.

Thông tin chi tiết được trường giới thiệu tại Cổng Thông tin Tuyển sinh 2018: http://tuyensinh.hul.edu.vn/

Cơ hội ở cơ quan Nhà nước

“Nhìn chung, sinh viên ngành Luật có kết quả học tập tốt thì cơ hội việc làm rất nhiều, có thể ứng tuyển hầu hết cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp. Riêng với các bạn có định hướng theo khối Nhà nước, việc học tập trong giai đoạn sinh viên càng quan trọng." – Đó là chia sẻ của Mai Thị Diệu Hòa, cựu sinh viên khóa K35 Đại học Luật – Đại học Huế hiện công tác tại Phòng Tham mưu, Công An Tp. Đà Nẵng.

{keywords}
Cơ hội công việc ngành luật tại các toà án

“Với cá nhân mình, làm việc tại các cơ quan Nhà nước không chỉ ổn định, lâu dài mà còn có nhiều cơ hội trực tiếp cống hiến cho xã hội. Không như định kiến của nhiều người cho rằng làm nhà nước dễ nhàm chán, do đặc thù công việc nên ngoài hoạt động chuyên môn, mình còn tham gia các hoạt động xã hội, lực lượng vũ trang phục vụ nhân dân, tuyên truyền, dân vận, thiện nguyện nên không cảm thấy nhàm chán”.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ nay cho đến 2020, Việt Nam cần đến 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 3.000 thẩm tra viên, 2.000 công chứng viên, 300 chấp hành viên thi hành án và thừa phát lại,… Đó là chưa kể nhu cầu cán bộ pháp luật ở các bộ, ngành.

Tuy nhiên, thông thường các cơ quan Nhà nước hàng năm chỉ có 2 đợt tuyển công chức nên đây cũng là khó khăn của các bạn sinh viên ngành Luật. Thu nhập tại các cơ quan Nhà nước cũng khiến các bạn sinh viên trẻ khá e dè khi mức lương cơ sở hiện tại chỉ đạt 1.300.000 triệu đồng.

Khối Doanh nghiệp “khát” nhân sự ngành Luật

Tốt nghiệp cùng khóa, cùng trường với chị Diệu Hòa, anh Lê Hồng Sơn - cựu sinh viên khóa K35 Đại học Luật – Huế lại có hướng đi khác: Giám đốc chi nhánh công ty Luật Hợp danh FDVN Đà Nẵng – chi nhánh Huế, đồng thời phụ trách pháp chế tại một doanh nghiệp truyền thông.

“Thực ra khi bước chân vào cánh cổng đại học, mình cũng chưa hình dung hay định hướng được công việc sau này khi ra trường sẽ là gì. Việc lựa chọn, hay có được, công việc tại cơ quan nhà nước hay tổ chức kinh tế tư nhân không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu xã hội mà phụ thuộc nhiều vào chính bản thân và điều kiện của mỗi người.” – Anh Sơn chia sẻ.

“Tuy vậy, chưa bao giờ cơ hội nghề nghiệp đối với nhân sự ngành Luật rộng mở như lúc này. Trực tiếp làm công tác pháp chế và nhân sự cho nhiều doanh nghiệp, tôi nhận thấy không chỉ các cơ quan nhà nước mà các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội cũng đang rất cần nguồn nhân sự ngành Luật vừa giỏi chuyên môn vừa năng động, nhạy bén trong nắm bắt xu thế xã hội.”

Trong xu hướng ngành nghề chung trên thế giới, Luật là khối ngành luôn có tỷ lệ làm đúng ngành cao, sinh viên ra trường có việc làm thuận lợi với mức lương tốt, có vị thế trong xã hội.

Theo Báo cáo Tóm lược về Việc làm của Liên Đoàn Luật sư Hoa Kỳ, có khoảng 86% sinh viên Hoa Kỳ tốt nghiệp đại học luật có việc làm ngay trong 9 tháng sau khi tốt nghiệp. Theo Forbes, sinh viên tốt nghiệp ngành Luật tại Hoa Kỳ có mức lương khởi điểm cao nhất so với các ngành khác.

Tại Việt Nam hiện nay, thị trường đang ngày càng hoàn thiện về quy luật và hệ thống vận hành, cùng với xu hướng toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức về pháp lý đối với các doanh nghiệp; yêu cầu xây dựng bộ máy pháp lý chặt chẽ làm nền móng để phát triển vững mạnh và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới thành lập hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ kinh phí để xây dựng bộ máy Pháp lý nội bộ. Vì vậy, hệ thống các công ty Luật và các Tổ chức Pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang phát triển mạnh.

Đặc biệt, các sinh viên tốt nghiệp ngành Luật với khả năng ngoại ngữ tốt đang được nhiều doanh nghiệp vốn nước ngoài, Tập đoàn đa quốc gia… săn đón. Tập đoàn Đa quốc gia (MNCs) và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn cần một đội ngũ am hiểu về hành lang pháp lý và những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế. Vì vậy, ngành Luật nói chung và các ngành Luật Kinh tế, Luật Quốc tế nói riêng đang có cơ hội ngày càng lớn trong khối Doanh nghiệp.

Thanh Thuỷ