- Mới sáng sớm ngày 22/6, nhiều phụ huynh đã tranh thủ trước giờ đi làm đến hội đồng thi để xem điểm của con.

Chị Thái Thị Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh có con xét tuyển vào trường THPT Trương Định cho biết, mặc dù đã xem điểm cho con ở trên mạng nhưng vẫn không yên tâm.

Vì thế, sáng sớm chị tranh thủ qua trường, nhìn thấy tên, điểm của con trên bảng tin mới chắc chắn. Con trai chị đạt 46 điểm trong kỳ thi này.

{keywords}
Tranh thủ xem điểm thi của con sáng 22/6.

Chị cho biết, so với điểm chuẩn của trường năm ngoái, con chị có thể đỗ nhưng năm nay, nghe nói điểm chuẩn sẽ cao hơn nên chị vẫn vô cùng lo lắng. Nếu con không đỗ, công lập, lựa chọn thứ hai của gia đình chị là một trường dân lập.

Chị Hà còn cho hay, gia đình chị đã tính đến cả những bước đường vòng do không hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng một số trường dân lập top dưới.

Hơn thế nữa, nếu con học công lập, gánh nặng về chi phí sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy, thời gian qua, dù có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng do “một chốn, hai nơi”, gia đình chị vẫn có hộ khẩu chung với ông bà ở quê gốc Hưng Yên, chị đã cho con về quê tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Chị Hà tính, nếu con không đỗ công lập ở Hà Nội mà đỗ ở quê, gia đình sẽ cho con về Hưng Yên học một thời gian rồi xin chuyển trường ra Hà Nội.

Khác với chị Hà, gia đình anh Hưng mặc dù đã buôn bán, sinh sống ở Hà Nội gần 20 năm nhưng do chưa có hộ khẩu nên con gái anh, dù từ mẫu giáo đến lớp 9 đã học ở đây nhưng em vẫn không được xét tuyển vào lớp 10 công lập. Vì vậy, trong đợt tuyển sinh vào lớp 10 vừa rồi, Thanh Mai, con gái anh Hưng đã tham gia thi đến 3 nơi: kỳ thi chung  của Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ thi riêng của trường THPT Lương Thế Vinh và kỳ thi của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, quê gốc của em. Trong vòng 10 ngày, Mai “chinh chiến” hết 3 cuộc thi.

Anh Hưng chia sẻ: Gia đình anh hi vọng con có thể vào được một trường cấp 3 tốt.

Trước đó, gia đình cố gắng tìm cách để Mai có thể nhập khẩu Hà Nội để em xét tuyển THPT Thăng Long nhưng không thành. Vì vậy, dù biết học phí trường THPT Lương Thế Vinh khá cao, lại xa nơi ở nhưng Mai vẫn đăng ký xét tuyển.

Kết quả, điểm xét tuyển của Mai ở kỳ thi của Hà Nội là 55 điểm. Mặc dù điểm của con khá tốt nhưng gia đình anh vẫn chưa hết lo lắng vì trường Lương Thế Vinh có những năm lấy điểm cao hơn nữa.

Anh Hưng tính, nếu con không đỗ Lương Thế Vinh, anh sẽ cho con về Thanh Hóa học công lập. Trong thời gian chờ điểm chuẩn, gia đình anh vẫn sống trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp.

Một số phụ huynh tại Hội đồng thi Trường THPT Trương Định chia sẻ cho nhau những trường công lập, dân lập có mức xét tuyển khá thấp để có những phương án dự phòng trong trường hợp con trượt nguyện vọng 1. Tâm lý chung của phần đông phụ huynh đều muốn con học xong và có bằng tốt nghiệp THPT.

Chị Trần Thị Hằng, (Nguyễn Đức Cảnh – Hoàng Mai) đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho điểm số của con sẽ thấp.

Nhưng người mẹ này khá thất vọng vì không nghĩ rằng con chỉ đạt 27 điểm.

Mặc dù vậy, được một phụ huynh khác chia sẻ có trường dân lập năm ngoái điểm chuẩn chỉ 22 điểm, chị rất mừng.

Khi được hỏi về phương án vừa cho con học nghề vừa học bổ túc văn hóa cấp 3, không nhiều phụ huynh mặn mà với phương án này. Chị Hằng cho biết, nếu con không đỗ vào trường THPT dân lập nào, chị mới nghĩ đến phương án đó.

Từ hôm biết điểm thi của con gái, gia đình anh Phượng (phường Nam Đồng, quận Hai Bà Trưng) nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Suy đi tính lại, anh "chốt" cho con thi vào Trường THPT Kim Liên (một trong những trường có điểm chuẩn thông thường ở "tốp đầu"). Con gái anh được điểm số 53, chỉ thiếu nửa điểm so với mức thi năm ngoái.

Theo dự báo sơ bộ, điểm chuẩn tốp giữa năm nay sẽ có nhiều biến động; trong khi đó, một số trường ở tốp đầu có khả năng không tăng hoặc giảm nhẹ.

  • Nhã Uyên