- Ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định việc tăng học phí của nhà trường được thực hiện theo đúng lộ trình được quy định. Tuy nhiên, việc truyền thông tới sinh viên còn thiếu sót.

Tính bỏ học vì không theo nổi học phí

Nguyễn Thị T, hiện là sinh viên K57 Khoa học quản lý Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, học phí tăng quá cao đang khiến em đứng trước quyết định bỏ học.

{keywords}
Mức học phí đối với sinh viên K57 (in đậm) của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

“Theo như thông báo của trường, ở kỳ học tới, học phí khoa em sẽ là 450 nghìn/tín chỉ và mỗi kỳ sẽ tiếp tục tăng thêm 30%. Đây là một mức học phí vượt quá khả năng của gia đình em. Với cách tăng như thế này chắc em phải bỏ học mất. Cứ mỗi lần về quê lấy tiền đi học mà thương bố mẹ vô cùng”, T chi sẻ.

T nhẩm tính, mỗi kì khoảng 25 tín chỉ, mỗi năm em sẽ phải hoàn tất 50 tín chỉ. Như vậy, chỉ tính riêng học phí số tiền mỗi năm gia đình em phải bỏ ra cho việc học đại học lên tới 23 triệu đồng.

Nếu tính cả tiền thuê phòng trọ, ăn ở, sinh hoạt, số tiền để nuôi T. ăn học là 4 triệu đồng/tháng.

Kinh tế gia đình chỉ nhìn vào mấy sào ruộng ở quê, năm nhất học phí mới chỉ 355 nghìn đồng/tính chỉ, để có đủ tiền nộp, T. đã đi làm thêm. Nhưng theo T với kiểu tăng này, có đi làm thêm em cũng không thể kiếm đủ tiền hoặc nếu đủ thì bản thân sẽ không có thời gian chuyên tâm vào việc học.

Kinh tế quốc dân là trường ĐH mơ ước của nhiều bạn trẻ, bản thân T. cũng rất thích theo học ngành Khoa học quản lý. Nhưng nếu nhà trường không điều chỉnh về mức học phí, nhiều khả năng T. sẽ bỏ học thi lại vào một trường khác, thậm chí kiếm một công việc để đi làm.

“Em cũng biết sẽ rất phí nhưng điều kiện không cho phép thì cũng đành phải chấp nhận bỏ học thôi chứ biết sao anh”, T. chua xót.

Những ngày gần đây, nhiều sinh viên K57 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phản ánh về học phí năm học 2016-2017 của trường tăng gần 30% so với năm ngoái.

Theo đó, mức học phí của các nhóm ngành 1-2-3 (nhóm ngành hot) lần lượt là 12 triệu/năm - 14,5 triệu/năm và 17 triệu/năm. Trong khi mức học phí của năm ngoái chỉ là 9,5 triệu/năm - 11,5 triệu/năm và 13,5 triệu/năm.

Nhiều sinh viên cảm thấy "sốc" với mức tăng học phí này và cho rằng mức tăng này quá cao.

Trường tăng học phí đúng lộ trình

{keywords}
PGS. TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng mức tăng học phí của trường là đúng theo lộ trình và các quy định đã được ban hành. (Ảnh: Lê Văn)

Trao đổi với VietNamNet, ông , PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc tăng học phí của trường được thực hiện theo đúng lộ trình tại Quyết định 368 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3 phê duyệt đề án tự chủ của trường trong đó có tự chủ về tài chính.

Ông Chương cho hay, theo Quyết định 368 thì mức thu học phí bình quân cho các chương trình đại trà năm học 2016-2017 là 13,5 triệu/ năm. Quyết định này cũng quy định mức tăng học phí tối đa của trường không quá 30%.

Vào tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Nghị định 86 quy định về cơ chế thu và quản lý học phí của các trường ĐH trong đó quy định rõ, mức thu học phí bình quân thì mức trần học phí đối với các ngành kinh tế như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân của năm học 2015-2016 và 2017-2018 là 17,5 triệu đồng.

Như vậy, với mức tăng học phí năm nay của trường là dưới 30% và mức học phí ở nhóm ngành cao nhất theo quy định của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 17 triệu, theo ông Chương vẫn nằm trong phạm vi đã được quy định tại các văn bản này.

"Việc tăng học phí của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là thực hiện cam kết trong Đề án 368 và có vận dụng cả Nghị định 86 của Chính phủ" - ông Chương khẳng định.

Ông Chương cũng cho biết, chỉ có sinh viên K57 của trường mới phải nộp mức học phí mới này và thông tin về mức thu học phí đã được nhà trường thông báo cho các sinh viên từ tháng 3 năm nay.

Theo ông Chương, sở dĩ mức học phí chỉ áp dụng đối với sinh viên K57 của trường vì thời điểm sinh viên khóa này nhập học (9/2015) là thời điểm nhà trường bắt đầu thực hiện đề án tự chủ theo Quyết định 368 phê duyệt vào tháng 3/2015.

Lý giải về lý do nhiều sinh viên cảm thấy "sốc" với mức tăng học phí quá cao, lên tới gần 30%, ông Chương giải thích, mặc dù nhà trường có đã có thông báo tới các sinh viên về mức học phí của năm học tới từ khoảng tháng 3, song có thể việc thông tin không đúng thời điểm hoặc cách thức truyền thông không tốt khiến các sinh viên không chuẩn bị đầy đủ và không có tâm thế tốt nhất.

"Các em sinh viên thường chỉ quan tâm tới học phí khi bắt đầu đăng ký môn học. Do đó thời điểm thông báo mức học phí năm sau vào tháng 3 hàng năm chưa hợp lý. Đây là điều nhà trường sẽ rút kinh nghiệm" - ông Chương khẳng định.

Hỗ trợ sinh viên khó khăn

{keywords}
Ông Chương cho biết nhà trường có nhiều chính sách hỗ trợ các sinh viên nghèo thông qua hình thức học bổng. (Ảnh: Lê Văn)

Với lo lắng học phí năm sau sẽ tiếp tục tăng theo mức tăng của năm nay (gần 30%), ông Chương khẳng định, với mức học phí hiện tại của trường nếu tăng khoảng 10% nữa thì đã có thể tiệm cận mức lấy thu bù chi được.

"Hiện nay chúng tôi vẫn chưa xây dựng mức học phí cho năm học 2017-2018, tuy nhiên, với mức trần được quy định tại Nghị định 86 thì ngành nhóm 3 (hiện tại mức học phí là 17 triệu) cũng chỉ tăng 1 triệu là tối đa" - ông Chương trấn an.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, việc công bố cho sinh viên lộ trình học phí cả 4 năm học ngay từ ngày đầu các em nhập học là cần thiết.

"Sắp tới nhà trường sẽ thống nhất chủ trương và đưa ra cam kết về mức học phí. Chẳng hạn một năm tăng không quá bao nhiêu %, ví dụ 10% hay 15%. Đồng thời thông tin tốt hơn để sinh viên nắm được" - ông Chương khẳng định. "Nhà trường khi nhận sinh viên vào thì không bao giờ muốn sinh viên không đủ năng lực về tài chính và phải kết thúc chương trình học".

Ông Chương cũng cho biết, để hỗ trợ các sinh viên, mỗi năm nhà quỹ học bổng của nhà trường mỗi năm đều dành khoảng 8 tỉ đồng để tặng học bổng cho các em học sinh có thành tích học tập tốt. Có những học bổng lên tới 50 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, ông Chương cũng cho hay, trong các năm trước đây, việc xét học bổng của trường cũng như các quỹ có liên kết với trường đều căn cứ vào kết quả học tập. Trong năm tới, để hỗ trợ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường dự kiến sẽ dành khoảng 30% quỹ học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ GD-ĐT: Yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân báo cáo chi tiết

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc tăng học phí của các cơ sở giáo dục phải công khai minh bạch trước năm học, trong đó công khai mức học phí từng khóa học, ngành học là bao nhiêu để sinh viên cân nhắc lực chọn.

"Một điều có thể khắng định việc các trường thí điểm tự chủ tài chính có đủ hệ thống văn bản quy định cho lộ trình tính toán tăng học phí đến năm học 2020-2021" - ông Quang nói. Tuy nhiên, cá nhân ông không khẳng định lộ trình tăng của các trường có hợp lý hay không.

Với những trục trặc ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hôm qua (20/7) Bộ đã yêu cầu báo cáo chi tiết trên cơ sở đó mới phân tich được hợp lý hay không hợp lý chỗ nào.

Nhưng ở góc độ Bộ chủ quản, ông Quang cho rằng, lộ trình thực hiện tăng học phí của các trường không thể bất hợp lý. Bởi, từng trường thực hiện theo quyết định của Thủ tướng, trong đó có quy định rõ mức trần học phí quy định cho từng năm học và đến năm học 2020-2021.

Trong trường hợp trường tăng học phí mà có phản ứng có hai khả năng xảy ra: Mức tăng của trường đưa ra có đảm bảo mức tăng bình quân theo quy định đinh về mức trần học phí của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và đã đảm bảo thực hiện đúng theo quyết định của TTCP chưa. Mức áp dụng tăng đã được công khai minh bạch và đương nhiên phải đảm bảo chất lượng đầu ra.

Vì chưa nhận báo cáo chi tiết của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nên phải xem phản ứng của sinh viên về 500.000 đồng/ tín chí là tăng ở ngành gì? chương trình nào?

Theo tính toán của ông Quang, với mức học phí tăng của các trường thí điểm tự chủ so với các nước thì quá thấp. Thậm chí mức phí đầu tư cho học ĐH ở Việt Nam còn rẻ hơn cả học mầm non.

Do vậy, theo ông Quang - lộ trình tăng học phí của các trường thí điểm tự chủ là hợp lý vì không được nhà nước cấp ngân sách. Nhà nước không cấp đồng nào cho chi thường xuyên. Với những trường thí điểm tự chủ chỉ nhận duy nhất ngân sách nhà nước đã duyệt cho nhưng công trình đang xây dựng dở.

Thực tế từ năm, 2014-2017 các trường không nhận một xu nào từ ngân sách nhà nước. Nguồn chi chỉ trông vào nguồn học phí và các khoản thu sự nghiệp khác. "Đây cũng là chủ trương của Chính phủ khi triển khai thực hiện thí điểm cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục ĐH. Và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một cơ sở trong đó" - lời ông Quang.

Lê Văn - Thanh Hùng - Kiều Oanh