Đề án định hướng phát triển trường cao đẳng (không bao gồm trường cao đẳng sư phạm) chất lượng cao đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao; đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường cao đẳng khác được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.

{keywords}
Thầy trò Trường CĐ Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) tập sử dụng robot. Ảnh: Hạ Anh.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 có khoảng 70 trường đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.

Giai đoạn 2021 - 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Về cơ chế, chính sách phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường cao đẳng (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao. Cụ thể, sẽ ưu đãi về tín dụng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; ưu đãi về thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo; hỗ trợ đào tạo cán bộ giáo dục nghề nghiệp; thí điểm đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo các ngành, nghề trọng điểm từ ngân sách nhà nước; 

Khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước.

Thanh Hùng

“Thầy không giỏi  nghề, sao đào tạo được học viên?”

“Thầy không giỏi nghề, sao đào tạo được học viên?”

- Nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra hạn chế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến năng lực và kinh nghiệm thực tế của đội ngũ giảng viên.