Thông tin từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, năm 2019, các đơn vị chức năng đã tổ chức, phối hợp tuyển sinh, đào tạo nghề được 32.741 người (đạt 99,21% kế hoạch, giảm 4,47% so với năm 2018).

Toàn tỉnh đã tổ chức 207 lớp đào tạo nghề cho 5.405 lao động nông thôn (đạt 83,15% kế hoạch năm, giảm 36,8% so với năm 2018).

{keywords}
(Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Năm 2020, để khép lại đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, địa phương này đặt mục tiêu sẽ tuyển sinh đào tạo nghề cho 35.500 người; trong đó đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 7.000 lao động nông thôn.

Tuy nhiên, Sở Lao động Thương binh Xã hội địa phương này cũng nhìn nhận, còn một số hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn như tổ chức mở lớp đào tạo nghề khó vận động người lao động nông thôn học nghề.

Một số địa bàn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt đạt dưới 50 do lao động trong độ tuổi quy định tham gia học nghề còn ít, thậm chí bão hòa.

Trước đó, trong cuộc họp sơ kết ngành, đại diện Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện ở Vĩnh Long đã nêu một số hạn chế về việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể ở huyện Long Hồ, từ đầu năm đến nay, địa bàn đã mở được 2 lớp dạy nghề, nhiều lớp đang khai giảng nhưng khó đạt chỉ tiêu được giao 1.100 lao động nông thôn. 

Huyện Măng Thít có kết quả đào tạo nghề mới được 64,33% chỉ tiêu huyện giao và 52,6% chỉ tiêu tỉnh giao. Lao động trong độ tuổi muốn đi làm có lương ngay, đơn vị tuyển dụng có khuynh hướng tuyển lao động có thể đi làm liền. Nên dẫn tới việc tuyên truyền đối tượng trong độ tuổi để tuyển sinh đào tạo nghề còn gặp khó.

L.Huyền