Tại Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sau khi thu hồi ruộng đất để chuyển đổi làm dự án, nhiều người nông dân không còn ruộng đất để canh tác. Vấn đề đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo công ăn việc làm cho người nông dân khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp cũng là có vai trò rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Đắc (59 tuổi, huyện Văn Giang, Hưng Yên) kể, hoàn cảnh gia đình bà khá khó khăn. Sau khi thu hồi đất dự án, không còn ruộng, bà Đắc làm thêm việc dọn rác để có thu nhập.

Tuy nhiên làm cả nửa năm trời mà cũng chỉ được trả thù lao có 600 ngìn đồng, gia đình bà không đủ sống. Mảnh ruộng còn lại cầy cấy thu lại cũng chẳng được là bao, nếu không đủ tiền phun thuốc sâu thì mất trắng luôn cả vụ.

Làm nghề nông "cha truyền con nối" bao đời, lâu nay bà nghĩ kiến thức tích lũy truyền từ đời nọ sang đời kia là đủ, không cần phải học thêm. Nhưng giờ cuộc sống thay đổi, ruộng đất ngày một hẹp, trong khi nhu cầu cuộc sống thì nhiều hơn.

Cuộc sống mong manh, bấp bênh, bà Đắc vẫn do dự trước khi đăng ký tham gia một khóa đào tạo nghề.

Không chỉ tiền chi tiêu hàng ngày, những thúc ép của tiền học cho con, tiền thuốc thang khi đau ốm, bà đánh liều đi học nghề ngắn hạn. May mắn, sau khóa đào tạo, bà tuyển dụng làm nhân viên chăm sóc cây xanh trong một dự án. 

Khóa học chỉ 3 tháng, giờ bà chuyển sang làm công nhân. Sống ở nông thôn, với mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng, bà thấy an tâm. Ngoài các giờ làm việc, bà Đắc vẫn có thể làm thêm nghề nông. Nhờ đó cuộc sống của bà và gia đình ngày càng được ổn định.

Giờ bà không còn phải dậy lúc 3 giờ sáng, trưa lại được về nghỉ ăn cơm tại nhà, công việc nhẹ nhàng, vừa sức, và quan trọng nhất là ổn định. “Nhìn dự án quảng cáo trên tivi, mình cũng cảm thấy tự hào”, bà Đắc hài lòng chia sẻ.

{keywords}
Nông dân đổi đời sau đào tạo nghề 

Chị Nguyễn Thị Lan, 42 tuổi, ở xã Xuân Quan, cũng sau một khóa đào tạo nghề ngắn hạn, được tuyển vào làm việc tại Ban Cây xanh. Giờ chị được tín nhiệm làm tổ trưởng với mức lương 7 triệu/tháng.

"Công việc ở đây khá quen thuộc với những người vốn là nông dân lao động phổ thông như chúng tôi, bởi không đòi hỏi kỹ thuật khó. So với làm ruộng trước đây mùa vụ bấp bênh, nay thu nhập của chúng tôi ổn định hơn. Khóa học nghề tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp tôi đổi đời", chị Lam xúc động chia sẻ.

Hiệu quả từ các khoá đào tạo chuyển đổi nghề

Trong những năm qua, đã có khoảng 1.000 nông dân Văn Giang tham gia các khoá đào tạo chuyển đổi nghề với các nội dung đào tạo như kỹ thuật chuyên trồng hoa các loại và sản xuất rau sạch; đào tạo nâng cao tay nghề chăn nuôi – thú y các loại gia súc gia cầm và giảm thiểu tối đa các vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở nông thôn).

Những nông dân này cũng được tiếp nhận vào làm trực tiếp hoặc gián tiếp tại khu đô thị với công việc ổn định từ năm 5 năm trở lên, chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc, phát triển cây xanh, vệ sinh môi trường, an ninh khu đô thị…

Hiện tại lực lượng lao động địa phương đang làm việc tại khu đô thị từ ba xã Cửu Cao, Phụng Công và Xuân quan đã lên tới 1300 người. Nhiều nông dân trở thành cán bộ quản lý với mức thu nhập lên tới 10 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chỉ khi chuyển đổi nghề bền vững thì quá trình đô thị hóa mới đảm bảo được sự hài hòa lợi ích cho mọi tầng lớp người dân.

Báo cáo của Hội nông dân tỉnh Hưng Yên cho hay, năm 2019, Hội mở 5 lớp đào tạo nghề cho 220 hội viên, nông dân. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

5 lớp đào tạo nghề năm ngoái đã thui hút được 220 hội viên, nông dân theo học. Sau đào tạo, Hội tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan các mô hình hiệu quả để vận dụng vào thực tế.

Tổng kết 5 năm qua, trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã tổ chức 27 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 800 hội viên, nông dân; các cấp Hội tổ chức và phối hợp tổ chức dạy nghề, chuyển giao KHKT cho hơn 75 nghìn hội viên nông dân. Qua đó, góp phần giúp 6.886 hộ thoát nghèo.

Bảo Anh