- Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Hữu Lam (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quản trị, Đại học Kinh tế TP.HCM) bày tỏ quan điểm, sau hơn một năm Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực chưa thấy có chuyển biến gì mà chủ yếu là những hô hào sáo ngữ.

Chương trình sao chép tạo ra các "mớ, mẻ"

Sau hơn một năm Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, ông nhận xét gì về kết quả bước đầu?

- Chưa thấy chuyển biến gì, chủ yếu vẫn là những hô hào sáo ngữ, và sự lúng túng, loay hoay, bị động trong triển khai thực hiện.

{keywords}

Một trường đại học tốt phải thực hiện tốt ba mục tiêu lớn: Sáng tạo Tri thức, Lan toả và Truyền bá Tri thức, Phục vụ Cộng đồng.

Ảnh: Lê Huyền

Cần nhớ rằng trong thời đại ngày nay, không một vấn đề xã hội nào được xử lý một cách cô lập và riêng rẽ.

Đổi mới nền giáo dục là việc lớn, mình ngành giáo dục không làm được. Thêm nữa, khâu đột phá được chọn là thi cử cũng không đúng. Đó là cách tiếp cận không phù hợp, vì thế vẫn không thể biết được giáo dục đại học Việt Nam sẽ đi đến đâu.

Theo tôi, hai khâu quan trọng cần tập trung làm là đổi mới chương trình và nâng cao năng lực giảng viên. Hiện nay các đề án 322, 911 để cung cấp giảng viên cho các trường đại học là chưa ăn thua, chưa thấm vào đâu cả. Và để đổi mới hai khâu này thì phải chú trọng vào đổi mới cách làm chứ làm theo cách cũ là không ổn. Tư duy cũ, hệ thống cũ, cách làm cũ thì không thể có kết quả mới!

Ông từng nói rằng phải tránh tư duy giáo dục theo "mẻ", theo "mớ". Phải chăng, tư duy “mẻ”, “mớ” này thể hiện ở việc vừa qua Bộ GD-ĐT tạm dừng tuyển sinh hơn 200 ngành học, dẫn đến phản ứng từ các trường dạy nghệ thuật, ngôn ngữ, cho rằng Bộ đánh đồng tất cả các ngành học khác nhau theo cùng một tiêu chí? Và việc các trường cho ra đời những lứa sinh viên giống nhau, không có gì nổi trội?

- Đây là việc khó đối với cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục. Một chính sách tốt đòi hỏi phải tạo ra một chuẩn mực chung để bảo đảm sự công bằng cho tất cả các đối tượng, không có sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng khác nhau đồng thời phải phù hợp với những điều kiện cụ thể của từng đối tượng. Nhưng để có được điều này là rất khó. Nếu một chính sách lỏng, đáp ứng tốt điều kiện cụ thể của từng đối tượng thì nó không còn là chính sách nữa. Nó quay trở lại cơ chế xin cho với từng trường hợp cụ thể, điều này dẫn đến sự tùy tiện của các cấp quản lý.

Còn khi tôi nói tư duy giáo dục theo “mẻ”, “mớ”, có ý là tư duy quản lý và vận hành đại học hiện nay ở nước ta phổ biến vẫn đang là tư duy của nền công nghiệp cơ khí chạy bằng than đá của những năm 1940 – 1960, sản xuất hàng loạt (theo mẻ, theo mớ) với cùng một tiêu chuẩn (cho phép một dung sai nhất định). Và tầm nhìn của đại học vẫn là theo kiểu Liên Xô trong những năm 1980.

Chương trình đào tạo các ngành của các đại học ở ta hiện nay na ná như nhau dựa trên chương trình khung, và sự sao chép chương trình của các trường dân lập với các trường khác thì không thành các “mớ” và “mẻ” là gì?

Trong khi đó, thế giới ở thế kỷ 21 đã, đang và sẽ thay đổi rất nhanh trong điều kiện bùng nổ tri thức và cạnh tranh toàn cầu. Xã hội mà chúng ta đang sống đòi hỏi tư duy của nền văn minh tri thức vì thế nó đòi hỏi một nền giáo dục tự do kết hợp tốt giữa việc tiếp thu tri thức và sáng tạo tri thức; giữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị với việc liên tục đổi mới và sáng tạo; và đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phong phú của các cá nhân.

Trong bối cảnh của thế giới hiện đại, nhà trường cần phải tập trung phát triển các năng lực tư duy sáng tạo, năng lực học suốt đời, những năng lực làm việc và hợp tác với những người khác, và phải phát triển cho người học những năng lực phản ứng với những thay đổi không thể dự báo được, và cá nhân hóa việc học ở mức độ cao.

Để đáp ứng những mục tiêu này, xu hướng giáo dục cũ là theo ngành hẹp, chuyên sâu tỏ ra không phù hợp, mà nó đòi hỏi một hệ thống mở, đa ngành, đa lĩnh vực. Giáo dục Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa xác định được là sâu hay rộng, chưa hiểu thế nào là university và thế nào là college, không giải quyết vấn đề cá nhân hóa, nên không có gì khó hiểu khi cho ra những mẻ sinh viên giống nhau.

Nỗ lực cải tiến tuyển sinh....sai bét

Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua?

- Theo tôi là… sai bét.

Tuyển sinh là việc đánh giá đầu vào, nó cũng là một dạng đánh giá. Đánh giá là việc xem xét xem có đạt tới mục tiêu hay không, đạt tới đâu, mức độ nào. Vì thế, muốn đánh giá thì cần phải phải xác định mục tiêu đào tạo rồi từ đó triển khai thành chương trình đào tạo, rồi mới tính việc đánh giá như thế nào để đảm bảo là các mục tiêu có được thực hiện, nội dung và chương trình đến đâu được thực hiện đến đâu, có làm đúng không?

{keywords}
Chăm chú tìm thông tin đăng ký dự thi ĐH tại một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Nguyễn Tuyết

Những hành động điều chỉnh nào cần được thực hiện để đạt tới mục tiêu? Trên cơ sở này thì hiện nay đang làm ngược.

Riêng về đánh giá đầu vào thì việc đánh giá phải đảm bảo dự báo được sự thành công của người học trong quá trình học tập và sự thành công nghề nghiệp sau này. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này thì hệ thống thi tuyển sinh chỉ là hình thức và vô giá trị.

Vì thế, việc trả lại việc tuyển sinh cho các trường là đúng, tuy nhiên cần có những chế tài để không xảy ra sự tùy tiện.

Khi một người được chọn vào trường mà họ tuân thủ tốt những yêu cầu của trường theo quy trình đào tạo thì họ phải được tốt nghiệp. Nhiệm vụ của nhà trường là phải giúp họ thành công. Nếu họ không tốt nghiệp thì là lỗi của trường chứ không phải của họ.

Buồn là hiện nay ở ta, một sinh viên không tốt nghiệp, thì lỗi thường được cho là thuộc về chính sinh viên đó chứ không phải của trường, và hậu quả thì họ và gia đình họ phải gánh chịu.

Chứ không phải là quan điểm thả lỏng đầu vào và xiết chặt đầu ra?

- Tư duy như chị nói là tư duy “kiểm tra chất lượng sản phẩm” chứ không phải tư duy của “quản lý chất lượng toàn diện” (total quality management) hiện đại.

Trên cơ sở đầu vào được tuyển đúng, hãy quản lý tốt quá trình đào tạo và có những hành động kịp thời để điều chỉnh ngay trong quá trình đào tạo để đảm bảo đầu ra tốt.

Đột phá phải bắt đầu từ đại học

Vậy thì, quan điểm đổi mới giáo dục của ông là gì?

- Khi nói đến đổi mới giáo dục cần phải quay trở lại bản chất và mục tiêu của giáo dục là làm cho nền giáo dục trở nên hiệu quả hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của xã hội và của các cá nhân. Vì thế, cần có một chiến lược thay đổi đúng đắn.

Nói về chiến lược thay đổi thì điều đầu tiên là phải có một tầm nhìn về hệ thống giáo dục. Cách đơn giản hơn là cứ theo các nước phát triển mà làm.

{keywords}

TS Nguyễn Hữu Lam trong buổi trao đổi về nâng cao năng lực giảng viên đại học

Hãy học họ rồi điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của ta. Đừng ngồi tự sáng tạo ra cái “đặc thù Việt Nam” – không giống ai hết. Sáng tạo không đến từ trong chân không, nó đến từ sự bùng nổ của một quá trình tích lũy và chìm đắm trong tư duy!

Từ đó chọn ra điểm kích hoạt phù hợp và xây dựng những cơ chế khuyến khích để khuyến khích mọi người thay đổi. Khi đã làm thì nên tập trung vào các điểm kích hoạt này, làm đến nơi đến chốn chứ đừng có kiểu cái gì cũng làm và không cái gì ra cái gì hết.

Ông bình luận gì về những điều đang diễn ra ở ta?

- Quan trọng là điểm kích hoạt, đột phá. Bộ quan điểm đổi mới từ dưới lên, còn tôi thì từ trên xuống. Tức là từ hệ đại học chứ không phải từ các bậc học dưới.

Nhiều người e rằng như thế thì chất lượng phổ thông không đáp ứng được việc học đại học. Nhưng tôi cho rằng chất lượng kiến thức phổ thông hiện nay là tạm ổn, nếu cần thì xử lý ở mảng kỹ năng “mềm” thêm thôi.

Tại sao học sinh Việt Nam ra nước ngoài vẫn học được và học tốt? Chứng tỏ về mặt kiến thức nền tảng thì bậc phổ thông đã khá ổn.

Vì vậy, nếu phải chọn bắt đầu từ đâu, chắc chắn tôi chọn hệ đại học. Và nếu chọn hệ đại học thì không phải là đổi mới tuyển sinh mà phải bắt đầu từ đổi mới quản lý nhà trường. Và trong đổi mới quản lý phải bắt đầu với việc phát triển năng lực quản lý học thuật (academic management) - xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo và quản lý tốt chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó đổi mới các hoạt động khác để phục vụ tốt hơn nữa các mục tiêu, chương trình đào tạo.

Không ít nhân sĩ, trí thức cũng cùng quan điểm phải chấn chỉnh ngay giáo dục đại học thay vì làm phổ thông trước. Ông có cho rằng ý kiến này rồi sẽ được lắng nghe?

- Tôi không tin là được lắng nghe. Và vì thế tôi không quan tâm.

Một người như ông mà nói không quan tâm đổi mới giáo dục thì có đáng lo ngại?

- Câu này phải để người khác trả lời chứ? Tôi thấy rất nhiều người giống tôi. Thực ra, với tôi, mỗi người cứ làm thật tốt việc của mình sẽ đóng góp cho sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

  • Chi Mai (Thực hiện)

Top 200 không khó, nhưng để làm gì?

Mục tiêu đến năm 2020 có trường đại học Việt Nam lọt top 200 là dễ, nếu như tạo cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù thu hút sinh viên, giảng viên.

Nhưng đây không phải con đường đúng. Nó chỉ như con gà gáy lên một tiếng, như việc luyện gà thi học sinh giỏi từ trước tới giờ. Tất nhiên là chúng ta muốn có đầu tàu, nhưng quan trọng là cả hệ thống. Nếu ta cần đầu tàu thì cứ lấy các trường hàng đầu thế giới để mà chạy theo.

Trường top 200 này sẽ đào tạo được bao nhiêu nhân lực cho đất nước này và đóng vai trò gì cho sự phát triển của hệ thống? Nếu không sẽ chỉ tạo ra điều nguy hiểm là bất bình đẳng – điều mà giáo dục không được phép. Cái này cũng như chính sách lớp chất lượng cao trong trường công. Trách nhiệm của quản lý nhà nước về giáo dục là phải tập trung vào nâng cao “chặn dưới”, tạo ra cơ hội học tập cho số đông, tất cả mọi người, và hỗ trợ và tạo điều kiện để cho các trường tự do phát triển một cách tối đa.

Thêm nữa, cần hiểu biết về hệ thống phân hạng này chỉ nên để tham khảo chứ không phải chạy theo nó. Các trường hàng đầu trên thế giới không quan tâm tới điều này.

Một trường đại học tốt phải thực hiện tốt ba mục tiêu lớn

Thứ nhất là Sáng tạo Tri thức - tức là nghiên cứu. Thứ hai là Lan toả và Truyền bá Tri thức - là vấn đề giảng dạy. Và thứ ba là Phục vụ Cộng đồng – liên quan tới đào tạo, tư vấn, đáp ứng các nhu cầu bức bách của cuộc sống, các hoạt động ứng dụng…